Metro Việt Nam trốn thuế: Khó xử lý trách nhiệm hình sự
VOV.VN -Bộ luật Hình sự hiện nay chỉ có thể áp dụng để khởi tố các cá nhân chịu trách nhiệm về tội trốn thuế hoặc tội chuyển giá.
Vụ việc Công ty Metro Việt Nam chuyển giá, trốn thuế gây thất thu một lượng lớn tiền thuế của Nhà nước đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần đầu tiên quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân được đưa vào luật, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, dư luận băn khoăn liệu việc sửa đổi này sẽ xử lý ra sao đối với vụ việc của Metro Việt Nam.
Cơ quan quản lý vừa hoàn tất kết luận đợt thanh, kiểm tra chống chuyển giá tại Công ty Metro Việt Nam. Sau 2 tháng thanh tra, ngành tài chính đã phát hiện nhiều vi phạm tại doanh nghiệp, yêu cầu xử lý, truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước 507 tỷ đồng.
Trong số này, vi phạm đáng chú ý nhất của đại gia bán lẻ ngoại này là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh, Bộ Luật Hình sự hiện nay không thể áp dụng cho những hành vi đã xảy ra trong quá khứ, chỉ có thể áp dụng cho những hành vi xảy ra trong tương lai khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, những nội dung liên quan tới trách nhiệm hình sự của pháp nhân đang được thảo luận không áp dụng cho những hành vi xảy ra trước đây của bất kỳ một công ty nào trong đó có vấn đề gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp nước ngoài hay vấn đề chuyển giá, trốn thuế. Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có thể áp dụng để khởi tố các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội gây ô nhiễm môi trường, cho các cá nhân có trách nhiệm về tội trốn thuế hoặc tội chuyển giá.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, là vấn đề hoàn toàn mới trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng nói tới pháp nhân chỉ là các tổ chức kinh tế liệu có công bằng không bởi có những tổ chức là tổ chức kinh tế nhưng theo quy định của pháp luật không phải là pháp nhân. DN tư nhân hiện nay theo quy định của Luật Doanh nghiệp không phải là pháp nhân. Như vậy có thể dẫn tới tình trạng người ta sẽ không thành lập Công ty TNHH một thành viên là cá nhân mà họ thành lập DN tư nhân để tránh những rủi ro có thể xảy ra về mặt hình sự.
Mặt khác, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, khi quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần trả lời câu hỏi khi một tổ chức kinh tế bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hậu quả đằng sau việc truy cứu trách nhiệm hình sự, các giao dịch kinh tế thương mại sẽ ra sao, chưa có quy định giải thích để làm minh bạch quy định này. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị đóng cửa, bị rút giấy phép, bị tạm ngừng hoạt động một thời gian thì những đối tác là bạn hàng, khách hàng của các tổ chức kinh tế này cũng như người lao động trong tổ chức kinh tế này sẽ ra sao, họ có quyền khởi kiện những quyết định của tổ chức kinh tế đó hay không...
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng, vì đây là vấn đề mới để tránh trường hợp khởi tố không đúng sẽ gây hậu quả vô cùng lớn, cần tiếp cận thận trọng về quy định loại tội phạm mà tổ chức kinh tế thường hay vi phạm. Mặt khác, quy định mức hình phạt cũng phải thận trọng, hạn chế những hình phạt có thể gây thiệt hại lớn cho xã hội, đặc biệt cho các đối tác và người lao động./.