Quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân là phù hợp và công bằng
VOV.VN -Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của cả pháp nhân
Đa số ý kiến đại biểu tham dự Hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp tổ chức sáng 23/4, bày tỏ sự tán thành cao đối với việc Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Công ty Luật Đông Ngàn cho rằng, Dự thảo Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân là phù hợp và công bằng. Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay. Nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu pháp nhân là chưa hợp lý do hoạt động của các tổ chức kinh tế thể hiện rõ nét vai trò của tập thể lãnh đạo, các quyết định quan trọng của pháp nhân thường do tập thể (Hội đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc) đưa ra.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng cũng cho rằng, xu hướng hiện nay các pháp nhân kinh tế thường thuê người điều hành, quản lý, hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, hiện nay nhiều vi phạm nghiêm trọng của DN nhưng không xử lý được triệt để do thiếu nguồn qui định pháp luật, chủ yếu chỉ xử lý hành chính và giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự. Hơn nữa, không có trách nhiệm pháp nhân thì cơ quan điều tra không thể tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ… trong nhưng vụ việc có vi phạm tinh vi.
Đại diện Hiệp hội ngân hàng nhấn mạnh, nếu không xử lý được vấn đề trách nhiệm pháp nhân thì khó xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Thậm chí, vì pháp luật chỉ truy tố cá nhân nên nhiều pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài “lách luật” bằng cách khi có vi phạm thì công ty “mẹ” đưa Tổng Giám đốc của Công ty “con” tại Việt Nam về nước và thay Tổng Giám đốc khác.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng LS Hoàng Hưng) cùng đại diện các Hiệp hội cho rằng phải qui định trách nhiệm pháp nhân trong BLHS.
Nhấn mạnh cần phải quy định trách nhiệm pháp nhân trong BLHS bởi nếu chỉ có xử lý hành chính sẽ không xử lý được một số loại tội phạm, trong khi tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh, Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng cần phải được làm rõ một số nội dung khi bổ sung trách nhiệm pháp nhân trong BLHS. Cụ thể như vấn đề xác định lỗi của pháp nhân, đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng khi toàn bộ ban lãnh đạo của pháp nhân bị truy tố hay giải quyết những ảnh hưởng của các hình phạt sẽ áp dụng cho pháp nhân đối với quyền lợi của người lao động…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu qui định giới hạn trách nhiệm pháp nhân đối với các tổ chức kinh tế thì khó tránh việc chỉ hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân để tránh trách nhiệm hình sự trong quá trình hoạt động…/.