Ngày càng nhiều “vụ án Điện Biên”, nguyên nhân do đâu?
VOV.VN -Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên nhân bạo lực phát sinh do ý thức coi thường pháp luật rơi vào một bộ phận người trẻ không công ăn việc làm.
Tình trạng bạo lực đang gia tăng trong xã hội
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa qua, các bệnh viện đã cấp cứu hơn 5.000 ca tai nạn do đánh nhau, 58% trong số đó (hơn 3.000 ca) phải nhập viện điều trị-theo dõi và có 15 trường hợp tử vong. Riêng ngày 6/2 (mùng 2 Tết) cả nước có 734 trường hợp nhập viện do đánh nhau. Không chỉ là những vụ bạo lực mà còn xảy ra nhiều vụ án hình sự với những tình tiết đặc biệt nghiêm trọng điển hình như:
Chân dung 5 đối tượng trong vụ án sát hại nữ sinh Điện Biên |
Ngày 20/2 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Thành Long, học sinh lớp 12, tại một trường THPT trên địa bàn TP Hải Dương về hành vi Giết người. Nguyên nhân xác định do mâu thuẫn trong việc Long tán tỉnh bạn gái trên mạng của Lưu Trung Kiên (SN 1999, trú tại Hải Dương). Vì việc này, tối 19/2, Long dẫn theo 12 đối tượng rồi hẹn Kiên đến sân tổng hợp ngã 5 TP Hải Dương để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, Long dùng dao đâm 3 nhát, trong đó 1 nhát chí mạng khiến Kiên tử vong.
Trong những ngày cuối tháng 01/2019 vụ cứa cổ tài xế taxi cướp tài sản tại sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình khiến nhiều người hoảng sợ. Đối tượng Nguyễn Cảnh An (SN 1999, Đô Lương, Nghệ An) đã bị công an bắt sau 5 ngày lẩn trốn tại tỉnh Hòa Bình. Tại cơ quan CSĐT đối tượng khai nhận, do nghiện game nên nghĩ cách cướp tài sản lấy tiền tiêu sài. Hay mới đây, vụ án sát hại dã man nữ sinh Cao Mỹ Duyên tỉnh Điện Biên khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cả 5 đối tượng, sau khi bị bắt thừa nhận tội danh giết người, cướp tài sản, hiếp dâm,...
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) Bộ Công an, con số nêu trên phản ánh tình trạng bạo lực đang gia tăng trong xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, bình quân mỗi năm chúng ta có 1400 vụ giết người và khoảng 6500 vụ cố ý gây thương tích. Có thể nói, “cái ác” dường như đang là xu thế ứng xử trong xã hội. Hiện, bạo lực xuất hiện nhiều trong mối quan hệ xã hội, không chỉ trong gia đình, cộng đồng mà còn trong các hoạt động xã hội. Tại các trụ sở cơ quan nhà nước cũng đã từng xảy ra những vụ bạo lực và chúng ta thấy rằng đây là những vấn đề xã hội hết sức phức tạp cần phải nghiên cứu.
Hình ảnh nữ sinh Cao Mỹ Duyên trước khi mất tích |
Bạo lực phát sinh, trước hết do ý thức coi thường pháp luật
Dưới góc độ nghiên cứu tội phạm học, Trung tá Hiếu đánh giá, bạo lực phát sinh, trước hết do ý thức coi thường pháp luật rơi vào một bộ phận người trẻ không đủ công ăn việc làm và trong cuộc sống có nhiều bế tắc. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phân tầng xã hội, phân hóa giai cấp trong quá trình đô thị hóa cũng là những hiện tượng tiêu cực xã hội, nếu như chúng ta không có biện pháp xem xét, giải quyết, xử lý thì tình trạng bạo lực xã hội tiếp tục gia tăng phức tạp.
Nhất trí với với quan điểm, thời gian qua có nhiều bài báo đăng tải những thông tin liên quan đến vụ án hình sự, giật title hot để thu hút view, like của bạn đọc, Trung tá Hiếu cho rằng, chính sự lan truyền mạnh này vô hình chung tạo ra một xu thế ứng xử.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) |
“Khi sống quá gần, sống giữa bạo lực hằng ngày, người ta cảm thấy bạo lực là cái gì đó tất yếu của cuộc sống. Với nhiều người, người ta mất đi cảm giác sợ hãi, cảm giác đúng sai. Người ta thấy cứ xảy ra xung đột là sử dụng bạo lực. Chính vì vậy, một xu thế ứng xử mang tính bản năng, “luật rừng” lên ngôi và trở thành một xu thế lấn át trong cách giao tiếp xã hội hằng ngày”-Trung tá Hiếu khẳng định.
Để ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm bạo lực nói riêng, Trung tá Hiếu nhận định, trước hết về quá trình hình thành nhân cách, công tác giáo dục đào tạo hết sức quan trọng: “Trong gia đình cha mẹ phải nêu gương, sống gương mẫu, qua tâm chăm sóc con cái định hướng, uốn nắn con cái. Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sống. Trong cộng đồng chúng ta phải xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, cùng đó tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật”.
Thực tế, khi có công ăn việc làm tốt, người ta không dính vào tệ nạn xã hội và tội phạm. Bên cạnh đó, theo Trung tá Hiếu, chúng ta phải đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hướng đến các giá trị tốt đẹp trong lĩnh vực văn hóa. Bởi, nếu chúng ta không làm thì những tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại bạo lực sẽ tác động vào người trẻ sau đó sẽ biến thành những hành xử bắt chước phim ảnh.
Cùng với đó, để đẩy lùi tình trạng này, Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội, của hệ thống chính trị và ngành công an đóng vai trò nòng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân: “Ngành công an phải phối hợp với các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến các cộng đồng dân cư. Qua đó, giúp việc đấu tranh trấn áp tội phạm tốt hơn, cùng với đó xây dựng đời sống an toàn hơn”./. Diễn biến mới vụ nữ sinh đi giao gà bị sát hại ở Điện Biên
Vạch mặt 5 nghi can hiếp, giết nữ sinh chiều 30 Tết ở Điện Biên