Ngày đầu xét xử thuộc cấp của Dương Chí Dũng
Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công...
Ngày 11/11, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, thuộc cấp của Dương Chí Dũng) nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Cùng hầu tòa còn có các bị cáo: Trần Văn Quang (SN 1976, trú 549/32 đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979, trú 193 Phương Sài, Nha Trang), nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú số 16 Sau Ga, Nha Trang, hiện ở tổ 4 Ngọc Hội, Ngọc Hiệp, Nha Trang) nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, Nha Trang ra xét xử về tội tham ô tài sản trong vụ sửa chữa ụ nổi 83M xảy ra tại Khánh Hòa.
Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng đã có mặt với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Sơn đã thông đồng với Quang, Hùng, Giáp ký hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT ngày 12/8/2008 sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng 7.228.232.886 đồng; Hợp đồng số 02/2008/HĐKT ngày 20/8/2008, sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng 1.499.228.618 đồng.
Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô 3.630.244.485 đồng.
Tại phiên tòa, sau khi vị đại diện Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, bị cáo Giáp khai vì Hùng là cháu của mình nên tin tưởn, khi nghe Hùng nhờ giúp đỡ thì giúp đỡ chứ không biết gì. Rồi Hùng đưa hợp đồng, giấy nghiệm thu, giấy quyết toán nói ký thì ký vào chứ không đọc.
Tòa hỏi Giáp, Hùng mượn pháp nhân có hứa hẹn gì không, lúc đầu Giáp quanh co nhưng sau đó nói có chia phần trăm.
Tòa hỏi xin giấy phép kinh doanh thêm ngành nghề sửa chữa tàu biển, có sửa chữa không thì bị cáo Giáp bảo không sửa chữa gì. Tòa tiếp tục hỏi, ký hợp đồng không sửa chữa mà nghiệm thu rồi quyết toán bị cáo nghĩ thế nào, bị cáo trả lời là chỉ cho mượn pháp nhân, Hùng nói ký chỉ biết ký và hợp đồng ký tại công ty và bị cáo cũng chưa hề gặp mặt ông Sơn.
Các bị cáo tại tòa
Theo hồ sơ thì trong vụ này, Giáp hưởng lợi hơn 178 triệu đồng. Trả lời các câu hỏi của luật sư, Giáp cũng khẳng định không biết Sơn và Quang là ai, chỉ biết Hùng. Số tiền hơn 178 triệu đồng nhận về không biết tiền đó là tiền tham ô, mà tưởng Hùng là thầu nhận được công trình rồi trả tiền pháp nhân cho mình.
Đến lượt bị cáo Hùng cũng khẳng định bản cáo trạng nêu là đúng, nhưng lúc đầu bị cáo không nghĩ là sẽ nâng khống khối lượng lên để ăn chênh lệch, vì bị cáo Quang yêu cầu và đưa ra giá như vậy, bị cáo thấy lỗ nên có nói “anh xem lại như thế nào ép em như vậy không được”. Quang bảo “giá cuối cùng rồi”, nên sau đó mới thỏa thuận nâng khống khối lượng lên. Cũng theo bị cáo Hùng, Quang chủ mưu toàn bộ công việc.
Tòa hỏi “ai là người quyết định việc đó” thì Hùng trả lời “bị cáo làm việc với anh Quang, anh Quang nói xin phép lãnh đạo, biết lãnh đạo là bị cáo Sơn và có gặp bị cáo Sơn một lần ở nhà máy và lần đó anh Quang đã giới thiệu đây là giám đốc”.
Tòa tiếp tục hỏi “bị cáo gặp bị cáo Sơn có đặt vấn đề sửa chữa không” thì Hùng bảo “bị cáo không đặt vấn đề mà Quang giới thiệu bị cáo với ông Sơn và nói đây là Hùng xin nhận sửa chữa vấn đề phát sinh, ông Sơn có đồng ý rồi bàn giao cho Quang”.
Theo Hùng, do trong quá trình sửa chữa thi công mà bị cáo làm nhưng không có pháp nhân nên mới nhờ công ty của Giáp. Cũng theo Hùng, là do bị Quang đưa vào cái thế đã rồi nếu không đồng ý và không làm thì không lấy lại được tiền.
Khi nhận được 2,6 tỷ đồng, bị cáo đã chuyển hết cho Quang 2,2 tỷ đồng còn lại chỉ được hưởng lợi hơn có 395 triệu đồng.
Ngược lại, tại phiên tòa Quang khai mọi việc do Sơn bàn bạc với Hùng chứ mình không biết gì. Trước khi ụ nổi chưa kéo về, đã có dự kiến sửa chữa khoảng 4 triệu USD.
Lúc đó chỉ mới ký hợp đồng ghi nhớ với nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, đến khi khảo sát xong mới sửa chữa, và ngoài Hyundai Vinashin không có cá nhân nào sửa chữa cho chủ tàu. Vinalines chỉ thuê các cán bộ của nhà máy để làm, rồi bị cáo giới thiệu Hùng gặp Sơn trao đổi, hai người làm việc với nhau ở nhà hàng Dốc Lết bị cáo Quang hoàn toàn không biết.
Tòa hỏi, cáo trạng truy tố việc bị cáo thông đồng lập hồ sơ khống để rút hơn 30,9 tấn sắt có đúng không, Quang thừa nhận và nói việc làm này có báo cáo Sơn và Sơn ra quyết định xử lý. Mọi việc Sơn đều biết và cũng thường xuyên ra kiểm tra công việc cùng anh em kỹ thuật.
Và việc Hùng không có pháp nhân (lúc đầu công ty Nguyên Ân chưa có chức năng sửa chữa tàu biển) cũng chính Sơn phát hiện ra và cũng chỉ đạo cho Quang bảo Hùng phải “chạy” cho được tư cách pháp nhân.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 4 ngày, ngày mai 12/11 tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo Quang./.