Chiều nay, Tòa tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm
VOV.VN -Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, đại diện VKS giữ nguyên đề nghị tuyên tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng thừa nhận sự thiếu sót trong quản lý dẫn tới sự việc “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản thân bị cáo Dũng cũng thừa nhận, trong quản lý, mình còn quá quan liêu. “Khi ụ nổi mới về Việt Nam, bị cáo không đến kiểm tra”, bị cáo Dũng nói.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Dũng mong được Đảng, Nhà nước và nhân dân tha thứ. “Bị cáo không dám chối cãi”, Dương Chí Dũng thành khẩn.
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa cấp phúc thẩm |
Tuy nhiên với tội tham ô, bị cáo Dũng vẫn một mực kêu oan. Cũng như tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, tại phiên tòa cấp phúc thẩm, bị cáo Dũng cho rằng, mình không nhận số tiền 10 tỷ đồng như lời khai của Trần Hải Sơn. “Bị cáo mong được sống để minh oan”, bị cáo Dương Chí Dũng nói.
Đối với bị cáo Mai Văn Phúc, đứng trước phiên tòa phúc thẩm, Phúc vẫn một mực cho rằng, bị cáo không cố ý làm trái. Bị cáo Phúc biện minh, do mới “chân ướt, chân ráo” về nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines nên bị cáo chủ yếu là nghe theo các cơ quan tham mưu trong việc mua bán ụ nổi. Bị cáo Phúc cũng nói rằng, việc chia số tiền 1,67 triệu USD là có từ trước khi bị cáo về nhậm chức. “Thực sự bị cáo bị oan, là nạn nhân của vụ án này”, bị cáo thanh minh trong lời nói sau cùng tại tòa phúc thẩm.
Phiên tòa xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm theo dự kiến ban đầu chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ 22-24/4). Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu điều tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận, HĐXX buộc phải hoãn tuyên án, quay lại phần xét hỏi các bị cáo.
Nhiều điểm khúc mắc, đặc biệt lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn – cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines – tại tòa được HĐXX quay đi quay lại, nhằm làm sáng tỏ hành vi phạm tội của các bị cáo, đặc biệt là tội “Tham ô tài sản”.
Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, điều mà chính HĐXX và những người tham gia tranh tụng băn khoăn là những lời khai đầy mâu thuẫn của bị cáo Trần Hải Sơn – một trong những nhân vật chủ chốt của vụ tham ô số tiền 1,67 triệu USD từ việc mua bán ụ nổi.
Khi HĐXX và các luật sư đưa ra những truy xét về việc chia số tiền 1,67 triệu USD tham ô từ mua bán ụ nổi 83M, theo lời khai của Sơn tại phiên tòa, bị cáo được Dương Chí Dũng chỉ đạo chia tiền theo tỷ lệ “10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.
Số tiền này, theo lời khai tại tòa của Sơn, bị cáo đã chuyển cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, cho em gái 2 tỷ đồng, biếu Trần Hải Chiều 340 triệu đồng và bản thân Sơn hưởng phần còn lại.
Tuy nhiên, theo công bố của luật sư tại phiên tòa, trong giai đoạn điều tra, Sơn có lời khai mâu thuẫn về việc chia tiền. Những nội dung đối chất của Sơn với Dũng, Phúc, Chiều hoàn toàn khác.
Khi HĐXX truy vấn về những lần giao dịch trực tiếp với ông Goh – Giám đốc Công ty AP – đơn vị thực hiện môi giới mua ụ nổi 83M thì Sơn luôn trả lời theo một điệp khúc “bị cáo không nhớ”. Chính điều này cũng khiến HĐXX phải thốt lên rằng: “Hỏi gì bị cáo cũng không nhớ, vậy bị cáo còn nhớ cái gì?”.
Đặc biệt, tại phiên tòa cấp phúc thẩm lần này, đã xuất hiện nhiều tài liệu mới liên quan đến vụ án. Đó là bản tuyên thệ của ông Goh – Giám đốc Công ty AP.
Theo bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh được các luật sư cung cấp tại phiên tòa, ông Goh cho rằng, Trần Hải Sơn là người giao dịch với ông này về việc mua bán ụ nổi 83M.
Ông Goh khai không biết Công ty Phú Hà. Thông tin về Công ty Phú Hà, ông Goh được Công ty Global Success của Nga thông báo. Việc chuyển tiền về Việt Nam, ông Goh thực hiện theo hướng dẫn của Trần Hải Sơn.
Ngoài ra, HĐXX cũng cung cấp thêm hồ sơ hỗ trợ tư pháp từ Nga đối với vụ án tham nhũng Vinalines. Tuy nhiên hồ sơ này bị các luật sư phản đối đưa vào vụ án vì thiếu cơ sở pháp lý để đưa vào tranh tụng. Đối với hai tài liệu mới xuất hiện tại phiên tòa, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn tuyên bố: “Đối với hồ sơ mới của vụ án, tòa sẽ xem xét một cách thấu đáo”.
Trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines, tại phiên tòa cấp sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt 10 bị cáo về hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Tại phiên tòa cấp phúc thẩm này, 9/10 bị cáo làm đơn kháng cáo, riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan – nguyên Kế toán trưởng Vinalines chấp nhận mức án 4 năm tù giam đã tuyên ở cấp sơ thẩm./.
1./. Dương Chí Dũng (SN 1957) – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: tử hình.
2./. Mai Văn Phúc (SN 1957) – nguyên TGĐ Vinalines: tử hình.
3./. Trần Hải Sơn (SN1960) – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù.
4./. Trần Hữu Chiều (SN 1952) – nguyên Phó TGĐ Vinalines: 19 năm tù.
5./. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù.
6./. Mai Văn Khang (SN 1958) – nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam): 7 năm tù.
7./. Lê Văn Dương (SN 1970) – Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù.
8./. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965) – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.
9./. Lê Ngọc Triện (SN 1964) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.
10./. Lê Văn Lừng (SN 1959) – cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù.