Ngày thứ 2 xử phúc thẩm: Huyền Như không kháng cáo, xin lại biệt thự
VOV.VN -Huyền Như cho rằng, căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng này là của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ bị cáo. Hiện căn biệt thự này đang được kê biên để phục vụ cho công tác thi hành án.
Ấn F5 để cập nhật...
17h00: HĐXX kết thúc ngày làm việc thứ 2. Ngày mai, HĐXX sẽ tiếp tục phần thẩm vấn.
16h45: Một luật sư tham gia tranh tụng tại tòa đề nghị được thẩm vấn Công ty Hưng Yên. Vị luật sư này đặt câu hỏi: Trước khi thực hiện mở tài khoản, đại diện của Công ty Hưng Yên đã gặp Huyền Như?
Đại diện pháp luật của Công ty Hưng Yên tại tòa tiếp tục khẳng định: Công ty Hưng Yên trực tiếp giao dịch với Huỳnh Thị Huyền Như. Lúc đó, Huyền Như tự xưng là “Quyên”.
Phiên tòa chiều kết thúc khi câu hỏi của HĐXX với bị cáo Huyền Như về nguyên nhân chỉ đưa khách hàng về phòng giao dịch Điện Biên Phủ vẫn chưa có câu trả lời.
16h35: Trả lời câu hỏi của luật sư tham gia thẩm vấn tại phần xét hỏi, Huyền Như cho biết, thời điểm giao dịch với chị Nguyễn Thị Nga – nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải, Huyền Như lấy tên giả là “Quyên” và không nói rõ đang làm việc tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ. “Nếu nói thật sợ bị phát hiện”, Như nói.
Đối với việc làm giả hai hồ sơ Công ty Phúc Vinh và Thịnh Phát, Huyền Như cho rằng vì hai chữ ký khó ký nên phải đổi hồ sơ. Còn chữ ký của lãnh đạo Công ty Hưng Yên dễ ký giả.
Như cũng nói rằng, nếu không hoàn thiện những hồ sơ đi kèm với Công ty Hưng Yên, không thể mở tài khoản tại Chi nhánh của Vietinbank.
Theo lời khai của Huyền Như, việc thực hiện chuyển tiền theo thỏa thuận từ trước, tức là Như lấy tiền túi ra để trả tiền chênh lệch, sau đó, nguồn tiền của công ty này mới được chuyển về tài khoản.
16h20: Đối chất lời khai của Như tại tòa, bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (SN 1980, quê Kiên Giang) - Cựu giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM nói: Lời khai của Huyền Như tại tòa là đúng sự thật.
16h10: Làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền tại Công ty Hưng Yên, đại diện công ty này cho hay, công ty mở tài khoản tại tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank Chi nhánh TP HCM.
Đối với quy trình mở tài khoản, công ty Hưng Yên cho biết chuyển số tiền 537 tỷ từ tài khoản từ Công ty Hưng Yên mở tại Ngân hàng Hàng Hải chuyển đến Vietinbank – Chi nhánh TP HCM.
Cũng tại hành vi chiếm đoạt này, Huyền Như tiếp tục được lấy lời khai. Theo lời khai của Huyền Như thì Như đã thực hiện rất nhiều lệnh giao dịch đối với tài khoản này. Huyền Như thực hiện lấy tiền từ đơn vị này chuyển sang đơn vị khác.
15h35: HĐXX thẩm vấn đại diện của Vietinbank về trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng đối với tài khoản thanh toán.
15h30: Tiếp tục trả lời HĐXX, Huyền Như cho biết: Sau khi mở tài khoản của Công ty Hưng Yên, bị cáo làm hợp đồng giả rồi chuyển cho chị Nguyễn Thị Nga.
Huyền Như đã làm lệnh chi giả, làm giả con dấu, ký giả chữ ký của Công ty Hưng Yên. Lệnh chi này đúng quy trình, nhân viên cứ thế thực hiện.
Khi HĐXX đặt câu hỏi: Việc thực hiện lệnh chi phải có mặt khách hàng? Huyền Như khai rằng: Do làm hồ sơ ban đầu, Huyền Như lấy cớ là lúc mở tài khoản do khách hàng ở xa nên không thể đến.
Huyền Như cũng cho biết: Trường hợp của Công ty Hưng Yên thì bị cáo rút hết số tiền trên. Toàn bộ số tiền, Huyền Như chuyển tiền cho vay đối với các tổ chức, cá nhân trước đó.
HĐXX: Khi thực hiện hành động gian dối như thế này, bị cáo suy nghĩ gì không?
Huyền Như: Bị cáo rất ăn năn, bị cáo không lường trước được sự việc.
HĐXX: Sao lại không lường trước sự việc, sự việc của bị cáo đã gây ra bao nhiêu cơ sự. Bao nhiêu đồng nghiệp của bị cáo đang phải chờ chấp hành án.
15h10: Tại tòa, Huyền Như khai, qua anh Giang Quang Chính, và sau đó là chị Nguyễn Thị Nga – nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải, Huyền Như biết các công ty “sân sau” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải có nguồn vốn muốn gửi để kiếm tiền lời nhiều và cần gặp trực tiếp để đàm phán.
Huyền Như khai: Mọi việc giao dịch đều thông qua chị Nga chứ hoàn toàn không gặp ba công ty: Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên.
Huyền Như cho hay, bị cáo đã làm giả hồ sơ, con dấu. Việc thay đổi hồ sơ là để dễ chuyển tiền. Việc huy động vốn là vì mục đích khác. Nên bị cáo đã đặt lãi suất cao hơn để “mê hoặc” khách hàng.
Huyền Như cũng nói rằng, việc làm giả chữ ký, con dấu đều một mình Như làm, không có ai giúp sức.
Theo lời Huyền Như: trong 3 bộ hồ sơ này chỉ có hồ sơ của Công ty Hưng Yên là hợp lệ.
HĐXX đối chất ngay với đại diện Vietinbank thì nhận được câu trả lời: “Trong trường hợp này, hồ sơ này là thật thì mở tài khoản của Công ty Hưng Yên là thật. Xác định mở tài khoản của công ty Hưng Yên là hợp lệ”.
14h55: HĐXX truy xét cụ thể hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với Công ty Hưng Yên. Theo HĐXX, Huyền Như đã chiếm đoạt của Công ty này 200 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng – đại diện công ty Hưng Yên thì đơn vị này kháng cáo yêu cầu xem xét lại vấn đề tố tụng và hủy án sơ thẩm.
14h45: Đại diện VKS đặt câu hỏi với Huyền Như về trách nhiệm phân cấp nhiệm vụ với tư cách là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Huyền Như cho hay: Nhiệm vụ của bị cáo là quản lý anh em trong phòng, quản lý tín dụng theo phân công lao động của phòng.
Đại diện VKS: Với định mức phê duyệt lệnh chi 50 tỷ đồng thì bị cáo có phải là người quản lý tài sản?.
. Chân dung siêu lừa Huyền Như tại phiên Tòa ngày 6/1 |
Huyền Như: Bị cáo không quản lý tài sản mà bị cáo chỉ làm nhiệm vụ phát sinh.
Huyền Như cũng nói rằng: “Bị cáo đã có trách nhiệm gì thì bị cáo sẽ bồi thường lại cho khách hàng theo quyết định của bản án sơ thẩm”.
Sau khi VKS thẩm vấn, HĐXX yêu cầu Huyền Như nêu ý kiến về kháng cáo tại tòa. Huyền Như nêu: Bị cáo không kháng cáo mà chỉ xem xét hoàn cảnh của bị cáo. Xin xem xét tài sản của mẹ bị cáo (căn biệt thự). “Mẹ bị cáo đã già, con gái của bị cáo mới sinh còn nhỏ, chị gái thì cũng là bị cáo trong vụ án này…”
14h35: Cũng câu hỏi tương tự, VKS đặt vấn đề với các ngân hàng: ACB, Vietinbank và Navibank.
Theo đại diện Ngân hàng ACB, ngân hàng được phép thu phí quản lý tài khoản của khách hàng. Việc quản lý tài khoản ngoài thực hiện theo Nghị định 1284, còn có Nghị định số 64.
Đối với hoạt động huy động vốn, đại diện ngân hàng này nói rằng còn có liên ngân hàng, phát hành cổ phiếu, ủy thác cho vay .
Đối với vốn huy động, ACB khẳng định là tài sản của ngân hàng thương mại.
Cũng những câu hỏi của VKS, theo quan điểm của Vietinbank, thì ngân hàng chỉ được thu phí duy trì tài khoản. Việc huy động vốn, là huy động nguồn lực tiền gửi. Đại diện ngân hàng Vietinbank cho rằng, đây không phải là tài sản của ngân hàng vì chủ tài khoản vẫn là người có quyền.
Đối với việc huy động vốn, đại diện Vietinbank nói trước tòa: Việc nhận ủy thác, không phải là hoạt động huy động vốn.
14h20: Mở đầu phần thẩm vấn chiều nay, đại diện VKS đặt câu hỏi với đại diện NHNN về trách nhiệm quản lý tài khoản. Câu hỏi này, đại diện NHNN xin trả lời sau.
Đại diện VKS tiếp tục đặt hàng loạt câu hỏi về quyền thu phí tài khoản của khách hàng việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi của khách thời điểm năm 2011 – thời điểm xảy ra vụ án Huyền Như…
Trả lời thẩm vấn của VSK, đại diện NHNN cho hay: Theo quy định tại văn bản 1284 của NHNN, được chủ động trích tài khoản của khách hàng trong một số trường hợp phát sinh.
Đối với thời điểm xảy ra vụ án Huyền Như, đại diện NHNN cho rằng việc mở tài khoản được theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và văn bản 1284 của NHNN. Cũng theo đại diện NHNN thì việc mở tài khoản cũng là hình thức huy động vốn của ngân hàng.
Đối với câu hỏi về nguồn vốn huy động của Ngân hàng có được coi là tài sản của ngân hàng không? Thì đại diện NHNN cho hay, việc này phải căn cứ vào quy định của pháp luật trong từng trường hợp.
Ngoài ra, một số câu hỏi của đại diện VKS, đại diện NHNN tiếp tục xin trả lời sau hoặc sẽ trả lời bằng văn bản.
14h00: Tòa bắt đầu phiên làm việc buổi chiều.
11h35: Tòa tạm nghỉ phiên xét xử buổi sáng. 13h30, Tòa tiếp tục làm việc
11h30: Đặt câu hỏi về vấn đề chức năng của ngân hàng, với đại diện NHNN, HĐXX nhận được trả lời của câu trả lời của đơn vị này rằng hoạt động của Ngân hàng gồm: Huy động vốn, cấp tín dụng và thanh toán qua tài khoản.
11h28: Trả lời thẩm phán tham gia thẩm vấn về việc chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản thanh toán, Huyền Như cho hay, do có ý định chiếm đoạt từ trước. Việc chuyển tiền từ tài khoản thanh toán dễ dàng hơn trong việc thực hiện các lệnh chi.
11h10: Trả lời thẩm vấn HĐXX về trách nhiệm chủ tài khoản và của ngân hàng, đại diện NHNN cho rằng, chủ tài khoản tự ý thức việc thanh toán qua tài khoản và phải chịu trách nhiệm.
Còn ngân hàng phải có trách nhiệm khi đó là lỗi do ngân hàng gây ra. Việc xác định lỗi này tùy vào từng trường hợp cụ thể.
“Câu trả lời của anh, HĐXX chưa thông lắm, việc thẩm vấn còn kéo dài nên đại diện NHNN cần chuẩn bị để làm rõ cho HĐXX”, chủ tọa nói.
10h30: HĐXX thẩm vấn Huyền Như về hoạch toán tiền trong sổ sách của ngân hàng.
Làm rõ vấn đề này, HĐXX mời đại diện NHNN. Tuy nhiên đại diện NHNN “xin khất” để chiều sẽ làm rõ vấn đề này với HĐXX.
Được mời trả lời về lệnh thanh toán điện tử liên ngân hàng, đại diện Vietinbank cho hay: Lệnh chuyển tiền liên ngân hàng do các ngân hàng phát hành thông qua hệ thống của Ngân hàng nhà nước. “Nếu công ty A rút tiền của ngân hàng A chuyển tiền sang Vietinbank thì phát sinh lệnh này”, chủ tọa nêu ví dụ để làm rõ vấn đề.
Đối với việc đưa số tiền này vào hoạch toán phải phát sinh sau giao dịch. Bắt đầu tiền chuyển về tài khoản thì ngân hàng nhận phải phát sinh ngay nghĩa vụ dịch vụ cung ứng cho khách hàng.
Đối với việc hoạch toán không có chữ ký, đại diện Vietinbank cho hay nó hoàn toàn có hiệu lực theo quy định.
Trả lời HĐXX về lệnh chuyển tiền từ tài khoản chủ tài khoản sang nơi khác, đại diện Vietinbank nói tiếp: Sau khi NH mở tài khoản thì chữ ký, con dấu được lưu vào hệ thống máy tính. Giao dịch viên nhận hồ sơ và đối chiếu trên máy với những chứ ký, con dấu lưu trong hệ thống. Ngoài đối chiếu mã nhận dạng, thì hệ thống chỉ từ chối khi số tiền trong tài khoản không còn đủ so với lệnh chi.
10h20: HĐXX tiếp tục làm việc và tiếp tục thẩm vấn Huyền Như
10h00: Tòa tạm nghỉ giải lao.
9h57: HĐXX làm rõ việc sử dụng hai loại tài khoản này.
Huỳnh Như cho biết, chủ tài khoản được quyền sử dụng tài khoản của mình. Theo nguyên tắc là tiền của khách hàng thì khách hàng có quyền sử dụng. Khách hàng có quyền yêu cầu Ngân hàng kiểm tra số dư tài khoản; được quyền thông báo của ngân hàng về sai sót trên tài khoản. Còn Ngân hàng thì phải thực hiện các lệnh của chủ tài khoản.
Khi Ngân hàng nhận được lệnh chi của chủ tài khoản thì giao dịch viên kiểm tra con dấu, chữ ký đăng ký theo hồ sơ tài khoản. Khi giao dịch viên chấp nhận thì kiểm soát viên ký và duyệt thì lệnh có hiệu lực.
Đối với việc lệnh chi bị sử dụng chữ ký giả, Như nói rằng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
9h53: Theo trình bày của Huyền Như, để có tài khoản tiền gửi, phải có đăng ký kinh doanh, chứ ký, con dấu pháp nhân… Còn tài khoản tiền gửi tiết kiệm, thì cá nhân chỉ cần có chứng minh nhân dân, chữ ký mẫu.
Trong hàng loạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như bị kê biên phải kể đến số lượng bất động sản “khủng” như: thửa đất rộng hơn 4.700m2 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; Căn hộ thuộc Tháp Ruby 1 (quận Bình Thạnh, TP HCM).
Ngoài ra, Huyền Như còn bị kê biên hàng loạt căn hộ tại khu chung cư Orient Apartment, căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; biệt thự thuộc dự án The Garland (quận 9, TP HCM)…
Số bất động sản này của Huyền Như thấp nhất không dưới 10 tỷ đồng.
Sổ tiết kiệm trị giá gần 83 tỷ đồng của Huyền Như cũng bị phong tỏa; ba xe ô tô hiệu: Civic, Lexus, Toyota Zace GL… (xem thêm)
Cũng theo đại diện Vietinbank, tại ngân hàng này: Thủ tục mở hai tài khoản theo hai trình tự khác nhau. Trong quy định của Vietinbank cũng có hai mẫu giấy mở các loại tài khoản này.
Các phê duyệt thì chỉ cần có giao dịch viên và kiểm sát viên là đủ, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, khách hàng có yêu cầu thì mới trình lên lãnh đạo cao hơn.
9h45: Tạm dừng thẩm vấn đại diện 3 ngân hàng, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Huyền Như về quy trình, thủ tục đối với 2 loại tài khoản tiền gửi và tài khoản tiết kiệm.
9h30: Tạm dừng thẩm vấn Huyền Như, chủ tọa mời đại diện các ngân hàng: ACB, Vietinbank, Navibank lên trả lời hai vấn đề về sự khác nhau giữa tài khoản tiền gửi, tài khoản tiết kiệm và việc các tổ chức tín dụng có quyền ủy thác tiền gửi cho nhau hay không?
Đối với hai tài khoản này, đại diện ACB cho rằng: Giữa tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm có sự khác nhau về chủ thể, lãi suất.
Việc ủy thác tiền gửi, ACB cho rằng: Luật tổ chức tín dụng năm 2011 quy định các tổ chức tín dụng có thể gửi tiền cho nhau thông qua hệ thống liên ngân hàng.
Đối với sự khác nhau giữa hai tài khoản, đại diện Vietinbank, ông Nguyễn Tiến Hùng xác nhận như trả lời của Huyền Như và đại diện ACB là hai loại tài khoản này có sự khác nhau.
Ông Hùng cũng cho biết, tại thời điểm Huỳnh Như phạm tội, không có quy định nào cho phép hai ngân hàng thông qua trung gian để gửi tiền cho nhau.
Đại diện Navibank cũng khẳng định: Giữa các tổ chức tín dụng được phép gửi tiền qua hệ thống liên ngân hàng. Đại diện ngân hàng này cũng cho rằng: “Việc ủy thác thông qua cá nhân của ngân hàng thì pháp luật không cấm”.
Sự khác nhau giữa hai loại tài khoản này, đại diện Navibank cũng khẳng định có sự khác nhau.
Để làm rõ vấn đề, chủ tọa đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước đứng lên làm trọng tài: : Đối với hai loại tài khoản tiết kiệm và tiền gửi, NHNN cho biết: theo quy định của NHNN: tài khoản tiết kiệm chỉ quy định cho cá nhân còn tài khoản tiền gửi bao gồm cả tổ chức và cá nhân.
Đối với việc ủy thác tiền gửi của các tổ chức tín dụng, đại diện NHNN đưa ra hàng loạt văn bản cụ thể về vấn đề này.
9h15: Trả lời HĐXX về vấn đề chuyên môn, Như cho biết về sự khác nhau giữa hai tài khoản tiết kiệm và tài khoản tiền gửi.
Như cho biết, khách hàng có tiền gửi thì có quyền mở tài khoản tiết kiệm, các tổ chức cá nhân không có quyền mở tài khoản tiết kiệm. Hai loại tài khoản này, Như cho hay có hai văn bản quy định khác nhau 1284 và 1160.
Đối với tổ chức cá nhân không được gửi tài khoản tiết kiệm, Như bảo không nhớ hết quy định, nhưng Như nói rằng: Bị cáo hiểu rằng, "Bị cáo hiểu rằng, đối với tổ chức này thì đồng tiền phải luôn lưu thông".
9h00: Tại tòa, Như khai: Làm việc tại Vietinbank chi nhánh TP HCM từ năm 2001. Trong quá trình làm việc tại đây, đến năm 2011, Như được bổ nhiệm làm phó phòng quản lý rủi ro.
Với chuyên môn chuyên ngành tiền tệ tín dụng, Như cho hay, làm việc ở vị trí này đúng ngành đào tạo. Chủ tọa tiếp lời: “Không những đúng mà còn phát huy rất tốt nữa đúng không”?
Trả lời của HĐXX, Như cho hay, trong ngành ngân hàng, không có quy định việc ngân hàng thông qua cá nhân tổ chức khác đi gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lợi. Đối với việc huy động tiền của các ngân hàng, Huyền Như cũng khẳng định hoàn toàn sai trái.
8h50’: HĐXX bắt đầu bước vào phần thẩm vấn. Chủ tọa công bố: Trong hai 2 tiếp theo, HĐXX tập trung thẩm vấn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huỳnh Thị Huyền Như là người đầu tiên được HĐXX thẩm vấn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huyền Như công nhận, đã lừa đảo chiếm đoạt của các các nhân, tổ chức, công ty số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Huyền Như cũng thừa nhận bản án sơ thẩm quy kết đúng tội danh của bị cáo
8h40’: VKS kết thúc phần tóm tắt bản án sơ thẩm, các kháng cáo, kháng nghị đối với vụ án này.
Nêu quan điểm đối với kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM, về tăng hình phạt đối với hai bị cáo: Võ Anh Tuấn (Cựu Phó Giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân), đại diện VKS Tối cao giữ quyền công tố tại tòa giữ nguyên quan điểm kháng nghị.
Tại tòa, bị cáo Lương Thị Việt Yên (SN 1973, quê Nghệ An) Cựu trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè xin thay đổi kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, Huỳnh Thị Huyền Như xin vẫn giữ nguyên kháng cáo về vấn đề dân sự. “Xin HĐXX xem xét hoàn cảnh của bị cáo”, Huyền Như nói.
8h30: Tại tòa, VKS cũng công bố kháng cáo, kháng nghị của các bên liên quan trong vụ án này, trong đó có kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM về việc tăng nặng tội danh đối với hai bị cáo: Võ Anh Tuấn (Cựu Phó Giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân).
Huỳnh Thị Huyền Như kháng cáo xem xét về phần dân sự đối với Villa H2 The Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam).
Huyền Như cho rằng, căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng này là của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ bị cáo. Hiện căn biệt thự này đang được kê biên để phục vụ cho công tác thi hành án.
Bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh – Chị gái của Huyền Như kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo khác trong vụ án kháng cáo xin xem xét lại tội danh, xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan…
Các tổ chức, công ty liên quan đến vụ án này cũng có hàng loạt kháng cáo về bản án sơ thẩm.
8h10’: HĐXX bắt đầu làm việc. Mở đầu phiên tòa sáng, VKS tiếp tục công bố phần còn lại của bản án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.
Theo bản án mà VKS công bố: Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại cho các công ty, tổ chức và cá nhân với số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Tòa sơ thẩm cũng buộc các bị cáo bị buộc tội cho vay lãi nặng trong vụ án này phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Bản án sơ thẩm cũng tiếp tục duy trì kê biên tài sản, tạm giữ và lệnh phong tỏa tài khoản đối với các tài sản để đảm bảo thi hành án.
7h55’: Các bị cáo cũng đã được đưa vào phòng xét xử.
7h45’: Thư ký phiên tòa yêu cầu những người tham gia tố tụng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng vụ án… vào phòng xử án.
Ngày 16/12, Tòa phúc thẩm, TAND TP HCM tiếp tục đưa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm ra xét xử. Đây là ngày thứ hai, Tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ án này.
Trong ngày làm việc thứ nhất, Tòa đã hoàn tất thủ tục dự tòa đối với những người tham gia tố tụng. Đại diện VKS Tối cao thực hiện quyền công tố tại tòa đang công bố bản án sơ thẩm công bố hành vi sai phạm và tội danh của các bị cáo.
Ngày hôm nay, ngoài việc VKS công bố tiếp phần còn lại của bán án, phiên tòa sẽ bước sang phần thẩm vấn các bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng./.
Với chiêu bài nâng trần lãi suất ngoài hợp đồng, làm giả con dấu, chữ ký, Huyền Như đã chiếm đoạt số tiền “khủng”.
Như làm lệnh chi giả, ký giả chữ ký của chủ tài khoản của Tổng giám đốc Công ty SBBS và đóng dấu giả của công ty này để chiếm đoạt 210 tỷ đồng.
Cá nhân mất số tiền lớn nhất là bà Giã Thị Mai Hiên. Với chiêu lãi chênh ngoài hợp đồng từ 20%-100%/năm, Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động của người phụ nữ này số tiền gần 2.200 tỷ đồng. Bà Hiên đã được Huyền Như thanh toán gần 1.900 tỷ đồng và đang chiếm đoạt của người phụ nữ này số tiền gần 275 tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như còn chiếm đoạt của Công ty Thái Bình Dương 80 tỷ đồng; Công ty Bảo hiểm toàn cầu 45,5 tỷ đồng; Công ty Phương Đông 380 tỷ đồng; Công ty An Lộc 170 tỷ đồng….
Theo bản án sơ thẩm, bằng việc làm giả con dấu, chữ ký, Huyền Như đã dùng hàng loạt thủ đoạn để chiếm đoạt một số lượng tiền khổng lồ của 3 ngân hàng; 9 công ty và 3 cá nhân để sử dụng cho mục đích cá nhân. (xem thêm)