Nguyên Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An lĩnh án 18 năm tù
Nguyên Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An lĩnh án 18 năm tù về tội lừa đảo.
Sau 4 ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, chiều 10/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An (TAS).
Trong đó, Tòa tuyên án phạt bị cáo Lê Hồ Khôi (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc TAS) 18 năm tù, Trịnh Văn Toàn (sinh năm 1969, nguyên Phó Tổng Giám đốc TAS) 8 năm tù, Lê Quang Hưng (sinh năm 1980, nguyên nhân viên Phòng kế toán) 10 năm tù, Nguyễn Trí Dũng (sinh năm 1982, nguyên Phó Giám đốc Giao dịch TAS) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời hạn thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án) về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Lê Hồ Khôi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An - TAS (Ảnh: Dân trí) |
Sau khi được các tổ chức tín dụng trên giải ngân cho các khách hàng vào tài khoản của TAS, Lê Hồ Khôi, Trịnh Văn Toàn cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt rồi sử dụng toàn bộ số tiền trên để trả nợ và phục vụ cho công việc kinh doanh của TAS.
Qua xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử nhận thấy lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được. Qua đó, xác định bị cáo Lê Hồ Khôi dưới danh nghĩa là thành viên TAS, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, với động cơ muốn có tiền để kinh doanh, đã có chủ trương bằng hình thức ký các hợp đồng hợp tác với các ngân hàng HBB, BIDV để được vay tiền của các ngân hàng.
Theo nội dung các hợp đồng này, phía bên TAS có nghĩa vụ đảm bảo tính xác thực của hồ sơ khách hàng. Nhưng khi lập hồ sơ vay tiền, cầm cố tài sản, bị cáo Lê Hồ Khôi và các bị cáo khác là nhân viên của Công ty đã giả mạo danh tính và chữ ký của những người khác (những người không có tài khoản và người có tài khoản giao dịch chứng khoán). Đây là thủ đoạn gian dối nhằm làm các ngân hàng tin tưởng là có đầy đủ cơ sở để giải ngân cho TAS.
Sau khi được ngân hàng giải ngân, mặc dù bị cáo Lê Hồ Khôi và các bị cáo khác không chiếm đoạt cho cá nhân nhưng đã sử dụng, định đoạt tiền vào các mục đích khác, không đúng như mục đích của nội dung các hợp đồng hợp tác (ủy thác đầu tư, cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán), hậu quả là không trả được tiền cho các ngân hàng.
Trừ số tiền đã trả trước khi khởi tố vụ án và trị giá tài sản bảo đảm, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Lê Hồ Khôi còn chiếm đoạt số tiền hơn 8,4 tỷ đồng của Ngân hàng HBB, nay kế thừa là Ngân hàng SHB; chiếm đoạt số tiền hơn 27,6 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV.
Đối với các bị cáo khác trong vụ án, Tòa xác định, bị cáo Trịnh Văn Toàn là Phó Tổng Giám đốc TAS đã tiếp nhận ý chí của bị cáo Lê Hồ Khôi, có hành vi điều hành và ký vào các văn bản hồ sơ vay tiền giả mạo nên đã đồng phạm với Lê Hồ Khôi. Bị cáo Lê Quang Hưng là nhân viên kế toán, có hành vi ký giả chữ ký của người khác khi lập hồ sơ vay và thế chấp.
Bị cáo Nguyễn Trí Dũng không nhận đồng phạm với các bị cáo Lê Hồ Khôi nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo Lê Hồ Khôi, Trịnh Văn Toàn xác định bị cáo Dũng là giám đốc bộ phận nên biết chủ trương của công ty về việc huy động vốn dưới hình thức hợp tác ủy thác đầu tư với các tổ chức tín dụng. Hành vi ký vào bản báo cáo tổng hợp khách hàng không có thật của bị cáo nhằm hoàn thiện hồ sơ nhận ủy thác đầu tư, đã giúp sức cho bị cáo Lê Hồ Khôi. Như vậy, có cơ sở để kết luận bị cáo Dũng đồng phạm với bị cáo Lê Hồ Khôi.
Tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của các tổ chức tín dụng. Do vậy, có đủ dấu hiệu kết luận các bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.