Nhìn lại vụ tấn công khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại Đắk Lắk
VOV.VN - Theo cơ quan điều tra, do thiếu hiểu biết, có những khó khăn về đời sống kinh tế, các đối tượng cốt cán trong nước bị các đối tượng phản động, lưu vong ở Mỹ lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố.
Dự kiến, hôm nay (16/1), TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ đưa ra xét xử lưu động 100 bị cáo trong vụ tấn công trụ sở UBND 2 xã ở Đắk Lắk rạng sáng 11/6/2023.
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đềga”.
Diễn biến vụ việc
Đêm ngày 10/6/2023, rạng sáng ngày 11/6/2023, gần 100 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chia thành hai nhóm tấn công trụ sở xã Ea Ktur và trụ sở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 04 cán bộ công an xã, làm bị thương 02 cán bộ công an xã khác. Trên đường rút chạy, các đối tượng tiếp tục phá hoại tài sản của người dân; uy hiếp 03 người dân làm con tin; giết chết 02 cán bộ xã và 03 người dân.
Căn cứ kết quả điều tra , cơ quan chức năng xác định:
Do thiếu hiểu biết, có những khó khăn về đời sống kinh tế, có vướng mắc trong cuộc sống cá nhân nên một số đối tượng là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk đã bị các đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ là Y Mút Mlô, YCik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chang Byă , Y Sôl Niê… dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức hoạt động tích cực. Các đối tượng cốt cán trong nước nghe theo chỉ đạo của các đối tượng nước ngoài lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Do nhận thức lạc hậu, thiếu hiểu biết, có 92 đối tượng đã trực tiếp tham gia vào hoạt động khủng bố, 01 đối tượng có hành vi che giấu tội phạm và 01 đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (trong số 94 đối tượng này có 93 đối tượng là người dân tộc thiểu số) trong vụ việc tấn công khủng bố vào rạng sáng ngày 11/6/2023 tại trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như chúng ta đã biết.
Trong quá trình điều tra các đối tượng đều ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do lạc hậu thiếu hiểu biết hoặc do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội và xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hành phạt.
Kết quả điều tra đã là rõ toàn bộ diễn biến sự việc và tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử đã được thực hiện khách quan, công bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định đưa ra xét xử lưu động 100 bị cáo, trong đó có:
- 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 39 bị cáo về tội “Khủng bố”; 01 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 01 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 điều 389 BLHS.
- 06 bị cáo ở nước ngoài (Y Mút Mô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Cik Niê, Y Chang Byă và Y Quynh Bdap) bị xét xử vắng mặt tội khủng bố.
Vụ việc ở Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức
Liên quan đến vụ việc này, ngày 20/6/2023, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ), từ ngày 19-22/6/2023, thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam; đồng thời khẳng định, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) vào ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.
Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự.
“Cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chỉ thông qua đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa toàn cầu này, thúc đẩy hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia và thế giới”- Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt nói.
Cũng trong hai ngày 22-23/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện Rà soát lần thứ 8 việc thực hiện Chiến lược chống khủng bố của Liên Hợp Quốc. Đề cập đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh. đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường; khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.
Đại sứ cũng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam phù hợp với các văn kiện của Liên Hợp Quốc liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất kỳ ai thực hiện, ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.
Việt Nam yêu cầu các nước và các tổ chức quốc tế liên quan hỗ trợ, hợp tác trong công tác điều tra vụ việc cũng như ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.