Phát hiện 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân
VOV.VN - Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.
Chương trình “Đối thoại cùng lãnh đạo: Học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh niên tích cực dẫn đầu trong công tác truyền thông phòng, chống mua bán người do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Phái đoàn tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức sáng nay 2/8, tại Hà Nội.
Tại chương trình, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và một số Đại sứ quán tại Việt Nam đã làm rõ tình hình lao động di cư qua biên giới Campuchia hiện nay, những thủ đoạn tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chính sách bảo vệ trẻ em trước nguy cơ cạm bẫy mua bán người…
Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng, Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an), tội phạm mua bán người tiếp tục triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng cho biết: "Nhu cầu tìm kiếm việc làm trên môi trường mạng nhiều, do đó các đối tượng có thể lợi dụng đưa ra thông tin để lôi kéo người lao động có thể đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhưng mục đích thì không phải như vậy. Để có thể hạn chế, chúng ta phải rà soát kiểm soát được các thông tin trên môi trường mạng, đặc biệt là trên các ứng dụng mạng xã hội để làm sao các thông tin đúng, trúng, hiện chúng tôi đã tiến hành rà soát và tiến hành ngăn chặn dược các kênh thông tin không chính xác".
Để hạn chế việc lừa tiền của người dân trên không gian mạng, Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng thông tin thêm: "Cơ quan công an đã tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước về việc bảo mật liên quan đến thanh toán trực tuyến, xác thực khuôn mặt sử dụng khuôn mặt để thực hiện giao dịch 10 triệu/lần chuyển. Điều này có thể hạn chế một phần hình thức lừa đảo này".
Tham gia buổi đối thoại có đông đảo đoàn viên, thanh niên và hội viên phụ nữ cũng được lắng nghe các sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người; xem video thông điệp về phòng chống mua bán người, về chia sẻ của các nạn nhân bị buôn bán người và tham gia trò chơi.
Bạn Phạm Chí Trọng, Trường Đại học Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Em được mở mang thêm những kiến thức, và trải nghiệm khi tham gia chương trình, đây là cơ hội được lắng nghe các bác bộ ban ngành chia sẻ sâu sắc hơn về kiến thức di cư an toàn cũng như mua bán người, mình cũng tự tin hơn khi nhắc đến di cư an toàn là gì, buôn bán người là gì để có thể truyền tải đến mọi người xung quanh mình".
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tiếp nhận thông tin và giải cứu 11 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán (Philippine: 05; Lào: 06) trong đó đã đưa về nước an toàn 09 trường hợp. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 780 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện hỗ trợ cho 30 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, trong đó, có 15 nạn nhân là nam, 15 nạn nhân là nữ; 29 nạn nhân là người dân tộc Kinh, 01 nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, xác minh 85 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân bị mua bán).
6 tháng đầu năm 2024, Tổng đài 1900 96 96 80 của Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TW Hội LHPN Việt Nam) đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn.