Sẽ có thêm nhiều biện pháp hạn chế thông tin giả trên mạng xã hội

VOV.VN - Bên cạnh những thông tin hữu ích, thông tin trợ giúp nhau trong mưa lũ, hoạn nạn, những ngày qua, trên các mạng xã hội còn xuất hiện không ít thông tin giả mạo, sai sự thật, hoặc các trang fanpage mạo danh để kêu gọi ủng hộ đồng bào. Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin tại các nguồn chính thống, không chia sẻ các thông tin sai sự thật…


"Trời ơi, ai cứu kìa, chìm kìa, mọi người xuống đi..) Mạng xã hội đang được sử dụng hữu ích khi rất nhiều người dân vùng ngập lụt ở Thái Nguyên... đăng những dòng cầu cứu, nhờ các lực lượng cứu hộ ứng cứu, hỗ trợ lương thực, nước uống cho người thân và gia đình bị mắc kẹt trong các tòa nhà ngập trong bão lũ. Nhờ đó, có không ít gia đình đã được lực lượng cứu hộ tìm được vị trí, đón được ra những nơi lưu trú an toàn như trường hợp của hàng chục gia đình tại các phường Quang Vinh, Túc Duyên, Huống Thượng, Tân Long... thành phố Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, lợi dụng thiên tai, bão lũ, có không ít kể xấu đã lợi dụng mạng xã hội đăng nhiều thông tin gây hoang mang cho người dân. 

Trưa nay, khi xuống siêu thị ở Chung cư, chính tôi cũng bất ngờ vì sao quầy đồ tươi sống lại trống trơn và càng bất ngờ hơn khi nghe được các bà nội trợ cảnh báo nhau: mua nhiều vào, đề phòng vỡ đê.

Chị Hoàng Thị Ngọc - một trong những chị em đang cảnh báo về những nguy cơ đang rình rập trên nhóm facebook có tên Chợ Chung cư - cho biết, chị xuống đây xếp hàng mua lương thực dữ trữ, vì thấy Nhóm Chợ chung cư của các chị em hàng xóm cảnh báo sắp vỡ đê.

"Hôm trước còn suýt mất điện toàn thành phố nữa đấy. Làm tôi phải nấu chín hết đồ ăn, vì nhà có mỗi cái bếp từ. Chị em làm tôi cũng hoang mang lắm, nhiều lúc định rời nhóm, nhưng lại thôi vì sợ không cập nhật được thông tin ở khu nhà"- Chị Ngọc nói.

Thông tin không chính xác, có thể gây hoang mang dư luận, không chỉ xuất hiện trong các nhóm kín trên facebook như Nhóm Chợ Chung cư ở nhà chị Ngọc, mà hàng loạt các tài khoản cá nhân, kể cả các hội nhóm công khai cũng đang lan truyền không ít thông tin sai sự thật. Rất nhiều cá nhân đã đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện, kèm theo số tài khoản ngân hàng cá nhân, nhằm trục lợi “lòng tốt” của mọi người. Hoặc các thông tin giả về cắt điện, lũ lụt, vỡ đê, vỡ đập, sạt lở đất,..v.v… cũng không ngừng được lan tỏa, chỉ để nhằm mục đích tăng tính tương tác, hoặc được nhiều người chia sẻ lại.

Do đó, lực lượng công an các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 không chỉ ứng trực 100% quân số để khắc phục hậu quả bão lũ, mà vẫn không ngừng ngăn chặn, xử lý các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ví dụ như tối qua (10/09), Công an xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) và Công an xã Phong Niên (Bảo Thắng), tỉnh Lào Cai đã triệu tập làm việc với 2 đối tượng tung tin sai sự thật về việc “vỡ đập”. Các đối tượng Đoàn Quỳnh Như (sinh năm 2001) và Trần Doãn Luyện (sinh năm 1995) đã phải gỡ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Công an Thành phố Cẩm Phả cũng phát hiện tài khoản facebook “Song An hải sản” đăng nội dung về “Cẩm Phả vớt được 16 xác người buộc dây vào nhau”. Chỉ sau vài giờ, nội dung này đã nhận được hàng trăm lượt like và chia sẻ. Sau khi xác minh đó là thông tin sai sự thật, Công An Thành phố Cẩm Phả đã triệu tập chủ tài khoản mạng xã hội này, để lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên tục đăng tải các thông tin xử phạt, hoặc cảnh báo về các thông tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa - Phó trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - đề nghị người dân tìm kiếm thông tin chính thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc các trang fanpage có tích xanh của các cơ quan, tổ chức có uy tín:

"Giải quyết trước mắt, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để đối phó với tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội là yếu tố quan trọng nhất. Trên cơ sở đấy, vừa qua Cục An ninh mạng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã xây dựng trang fanpage của Cục lấy tên “Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”. Thông qua nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hàng ngày và phối hợp với các đơn vị truyền thông có liên quan xây dựng những kịch bản làm sao để ngắn gọn, dễ hiểu, để phổ biến kiến thức về phòng ngừa những phương thức, thủ đoạn trên mạng xã hội"- Trung tá Vũ Trọng Nghĩa nói.

Còn theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc lan truyền thông tin sai sự thật luôn được các đối tượng sử dụng trong các thời điểm được nhiều người quan tâm, ví dụ nghỉ lễ, dịch bệnh, lũ lụt,..v..v.. Không chỉ nhằm mục đích tăng tính tương tác, câu like, câu view, việc chia sẻ thông tin sai sự thật còn được các đối tượng tận dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dùng mạng xã hội. Do đó, người dùng mạng xã hội cũng cần hiểu rằng, việc lan tỏa thông tin sai sự thật sẽ khiến chính họ gặp phải tình trạng lừa đảo trực tuyến, hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật và tới đây sẽ còn có thêm nhiều biện pháp xử lý nghiêm minh hơn nữa.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó có bổ sung, cập nhật rất nhiều những quy định mới để xử lý người dân, tổ chức, doanh nghiệp nói chung có đăng tải những nội dung thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Vì vậy, nên Cục cũng hy vọng rằng Chính phủ sẽ ban hành nghị định này và khi đó thì chúng tôi sẽ có khoảng 2 tháng để phổ biến, tuyên truyền trước khi Nghị định có hiệu lực.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng dự kiến có một số điểm mới, như bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, nếu có vi phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định cũng quy định, trường hợp mạng xã hội không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn hoạt động các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc thu hồi giấy phép. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, người sử dụng mạng xã hội cần hiểu rằng, đăng tải hay lan tỏa thông tin sai sự thật không chỉ bị xử phạt nghiêm minh, mà còn có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn khi Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được thông qua.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tin nhắn nhập học đại học sớm nhận 3 triệu đồng là giả mạo
Tin nhắn nhập học đại học sớm nhận 3 triệu đồng là giả mạo

Ngày 25/8, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh (HUIT) cho biết, tin nhắn 2.000 thí sinh nhập học sớm sẽ được nhận 3 triệu đồng là mạo danh, không phải của nhà trường.

Tin nhắn nhập học đại học sớm nhận 3 triệu đồng là giả mạo

Tin nhắn nhập học đại học sớm nhận 3 triệu đồng là giả mạo

Ngày 25/8, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh (HUIT) cho biết, tin nhắn 2.000 thí sinh nhập học sớm sẽ được nhận 3 triệu đồng là mạo danh, không phải của nhà trường.

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng
Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

VOV.VN - Sau khi tin lời kẻ giả mạo công an, làm theo hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử và tích hợp thông tin cá nhân, số tiền hơn 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của một cô giáo mầm non ở Lai Châu "không cánh mà bay".

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

VOV.VN - Sau khi tin lời kẻ giả mạo công an, làm theo hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử và tích hợp thông tin cá nhân, số tiền hơn 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của một cô giáo mầm non ở Lai Châu "không cánh mà bay".

Giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để "thu hồi tiền lừa đảo"
Giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để "thu hồi tiền lừa đảo"

VOV.VN - Các trang giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an được lập ra để tiếp cận nạn nhân từng bị lừa tiền, lợi dụng mong muốn lấy lại tài sản để tiếp tục lừa đảo họ.

Giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để "thu hồi tiền lừa đảo"

Giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để "thu hồi tiền lừa đảo"

VOV.VN - Các trang giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an được lập ra để tiếp cận nạn nhân từng bị lừa tiền, lợi dụng mong muốn lấy lại tài sản để tiếp tục lừa đảo họ.