Vĩnh Long cải cách thủ tục hành chính để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược
VOV.VN - Để thu hút được đầu tư trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung quyết liệt trong cải cách năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thể hiện qua cải cách thủ tục hành chính. Tính năng động linh hoạt đồng hành của lãnh đạo tỉnh.
Từ nhiều năm qua, do thực hiện tốt khâu cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Vĩnh Long luôn nằm trong nhóm dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhờ đó, các nguồn vốn đầu tư vào địa phương tăng trưởng vượt bậc. Đây là cơ hội để Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.
Tỉnh Vĩnh Long có 3 khu, tuyến công nghiệp là khu công nghiệp Hòa Phú, khu công nghiệp Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long, tính đến nay, các khu - tuyến công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 69 dự án đầu tư thứ cấp (trong đó có 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng và hơn 766 triệu USD.
Tỷ lệ lấp đầy các khu - tuyến công nghiệp đạt trên 97% tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, sản xuất thực phẩm, các loại hàng nông thủy sản. Năm ngoái, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư vào các khu, tuyến công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đạt gần 158 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra và tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Ủy đảng và Chính quyền các địa phương.
"Để thu hút được đầu tư trong những năm qua là kết quả của việc chúng tôi tập trung quyết liệt trong cải cách năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thể hiện qua cải cách thủ tục hành chính. Tính năng động linh hoạt đồng hành của lãnh đạo tỉnh. Về mặt thủ tục chúng tôi có ban hành quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nhanh gọn đúng theo quy định. Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền của tỉnh" - ông Trung chỉ rõ.
Để tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 của tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư một số dự án trọng điểm thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, Nông nghiệp - nông thôn, Văn hóa - Du lịch, Đô thị - Nhà ở, Thương mại - Dịch vụ, với tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.
Điển hình như Dự án Công nghiệp Bình Tân thuộc huyện Bình Tân với diện tích 400 ha; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp thành phố Vĩnh Long tại thành phố Vĩnh Long với diện tích 50ha, Dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long. Lĩnh vực văn hóa – du lịch có Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông tại phường Tân Hội, thành phố Vĩnh Long với diện tích 57ha.
Ngoài ra, còn có Dự án Khu đô thị Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ có Dự án Trung tâm thương mại – Dịch vụ thành phố Vĩnh Long tại phường 1 cũng đang được tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư.
Ông Phạm Thành Khôn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi tốt nhất để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.
"Hiện nay đã quy hoạch xong 2 khu công nghiệp mới và đang tiến hành quy hoạch thêm một khu công nghiệp Bình Tân. Như vậy trong giai đoạn này thì chúng ta hình thành 3 khu công nghiệp mới cùng với mở rộng khu công nghiệp hòa phú giai đoạn 3 với tổng diện tích hơn 1000 ha. Chúng ta đã chuẩn bị một nền tảng vững chắc để chúng ta chuẩn bị cho Vĩnh Long phát triển mạnh về công nghiệp" - ông Khôn cho biết.
Để triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư này tỉnh Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm.
Về định hướng đối tác xúc tiến đầu tư, tỉnh Vĩnh Long chú trọng tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến từ các thị trường nhiều tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), EU. Đối tượng xúc tiến đầu tư là các tổ chức xúc tiến quốc tế, các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội có liên quan tại Nhật Bản.
Ông Nguyễn Khắc Nhu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Tiếp tục đổi mới và cải thiện cải cách hành chính. Làm sao để mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp và nhà đầu tư bình đẳng. Chú trọng hơn nữa công tác đầu tư công để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn".
Phát triển sản xuất công nghiệp bằng việc đầu tư phát triển các khu, tuyến sản xuất tập trung là nền tảng quan trọng để tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định. Cùng với việc định hướng cụ thể trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế Vĩnh Long sẽ có những bước tiến ổn định trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ./.