Vì sao Bình Dương xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng?
VOV.VN - Thời gian qua, dù tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương được kiểm soát, song tội phạm hình sự vẫn còn ở mức cao và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, tội phạm Giết người, Cố ý gây thương tích có xu hướng tăng. Để kéo giảm được loại tội phạm này, tỉnh Bình Dương đã thực hiện một số giải pháp.
Văn hóa vùng miền làm phát sinh tội phạm
Có lẽ, dư luận cả nước vẫn chưa hết rùng mình khi nhắc đến vụ thảm án giết 3 người trong một gia đình xảy ra ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào tháng 4/2019. Những nhát dao chí mạng của con bạc Trần Trọng Luận đã cướp đi sinh mạng của 3 bà cháu, trong đó có cháu bé mới 8 tuổi. Hay như vụ án “thi thể đổ bê tông” chấn động cả nước khi 3 người phụ nữ ra tay sát hại 2 người đàn ông, bởi nguyên nhân là mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt của một giáo phái trái phép.
Đây chỉ là 2 trong số 1.276 vụ án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra ở Bình Dương trong 6 năm qua. Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài những mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt thì sử dụng rượu bia quá đà cũng khiến nhiều người không làm chủ được hành vi; sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức… cũng là lý do để xảy ra những vụ án đau lòng.
“Lượng dân cư đến đây làm ăn sinh sống rất nhiều, trong đó một bộ phận lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó văn hóa vùng miền là nguyên nhân phát sinh tội phạm giết người. Nhiều trường hợp xảy ra từ mâu thuẫn nhỏ trong đời sống sinh hoạt, trong khu dân cư, trong khu trọ”, Trung tá Lâm Hồng Vũ nói.
Giải pháp nào?
Là địa phương phát triển kinh tế năng động của vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua, Bình Dương thu hút nhiều nguồn nhân lực từ các vùng miền trong cả nước đến sinh sống, làm việc. Nhưng mặt trái của sự phát triển này là làm gia tăng nỗi lo về vấn đề an ninh trật tự. Để kéo giảm những con số gây đau lòng, nhất là với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, lãnh đạo Bình Dương đã chỉ đạo mỗi địa phương phải tăng cường chủ động trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm.
Thành phố Dĩ An là địa bàn có tính phức tạp cao về tình hình an ninh trật tự, do giáp ranh với Đồng Nai và TPHCM, nơi tập trung rất nhiều người dân tứ xứ. Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, thành phố đang nỗ lực tăng cường kiểm soát, tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức để người dân chủ động trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho biết, việc chăm lo đời sống cho người dân nhập cư được ổn định nơi đất khách cũng là một trong những giải pháp tối ưu nhằm kéo giảm các loại tội phạm.
“Chúng tôi hướng đến việc tạo nhiều sân chơi, khu vui chơi giải trí nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng như công viên, tiểu cảnh, quảng trường, các trung tâm văn hóa… Đây cũng là một trong những điều kiện đảm bảo cho công nhân sau thời gian lao động mệt nhọc về có chỗ vui chơi, giải trí để bớt đi những nặng nề, ứng xử mang tính chất mâu thuẫn sẽ hạn chế nhiều về tệ nạn xã hội”, ông Phạm Văn Bảy cho hay.
Nguyên nhân dẫn tới những vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên đa số xuất phát từ những lý do vụn vặt không ngờ như: sự hờn giận vô cớ, ghen tuông, cái cụng ly quá mạnh trên bàn nhậu, va chạm giao thông, hay chỉ vì lời nói trong giao tiếp hàng ngày… Chính vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương xác định phải tăng cường đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, bởi đây chính là những người có thể tháo được nút thắt cho những mẫu thuẫn đó, góp phần hàn gắn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
Bà Phạm Thị Hồng Viện, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, đây là một công việc không dễ dàng, phải biết lựa thời điểm để mềm, thời điểm nào phải cứng rắn để thực hiện công việc hoà giải, nhất là những xung đột mâu thuẫn xuất phát từ rượu bia.
“Cũng có trường hợp người ta không nói chuyện với mình vì đang có bia rượu, hoặc tức giận, đến khi họ “nguội” đi thì mình lại đến. Tức là, người cán bộ hòa giải phải có sự kiên trì, cảm thông", bà Phạm Thị Hồng Viện nói.
Theo Đại tá, Tiến sĩ Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, hầu hết các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối tượng phạm tội là dân từ các địa phương khác đến tạm trú, sinh sống; chủ yếu là công nhân, làm thuê hoặc lao động tự do. Xác định rõ những nguy cơ này, ngành công an chủ động tăng cường điều tra cơ bản tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động giao nộp vũ khí, hung khí nguy hiểm; phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để phòng chống tội phạm.
“Song song với việc ký kết quy chế với các tỉnh, địa bàn giáp ranh cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn đều có ký kết quy chế riêng. Trong nội dung ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đó có phòng chống tội phạm làm sao ngăn ngừa, khắc phục những điều kiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước để tội phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh hoạt động”, Đại tá, Tiến sĩ Trần Văn Chính bày tỏ.
Để kéo giảm, ngăn ngừa các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là loại tội phạm gây án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trách nhiệm này không chỉ là của chính quyền, đoàn thể mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Cái gốc phát sinh những loại tội phạm cơ bản là bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống; cho nên khi mỗi người dân ý thức được trách nhiệm của mình thì không chỉ xã hội bình an mà chính bản thân mỗi gia đình không phải rơi vào cảnh ly tán bởi một phút bốc đồng không đáng có./.