Tội ác man rợ do "ngáo đá": Làm sao ngăn chặn?
VOV.VN - Người sử dụng ma túy đá, nhất là dùng trong thời gian dài với tần suất, liều lượng cao, dùng nhiều loại ma túy khác nhau cùng với thói quen sinh hoạt không kiểm soát…đều có thể dẫn đến "ngáo đá".
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 ngày, liên tiếp những vụ trọng án có liên quan đến người sử dụng ma túy đá xảy ra khiến dư luận chấn động và hoang mang.
Cụ thể vào chiều 30/3, Đội cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh An Giang đã khống chế, bắt giữ nam thanh niên nghiện ma túy, có biểu hiện "ngáo đá" đã dùng hung khí đâm cha ruột của mình trọng thương.
Cùng ngày, tại quận 12, TP.HCM, một vụ án kinh hoàng xảy ra. Người phụ nữ tên N (56 tuổi), bị chém thân xác không còn nguyên vẹn. Kẻ gây án là V, con ruột bà N. V có biểu hiện bất thường, nghi ngáo đá. V dùng hung khí tấn công những người tới can và cố thủ trong nhà.
Còn mới đây nhất vào rạng sáng ngày 2/4, tại thôn Tạ Trung xã Chính Nghĩa, Kim Động, Hưng Yên cũng đã xảy ra một vụ thảm án, cháu trai sát hại ông bà ngoại. Hung thu là người nghiện game và thời gian gần đây, có dấu hiệu nghi nghiện ma túy.
Trung tá Phạm Quân, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận định: Tội phạm ma túy nói chung hay tội phạm do liên quan đến ma túy đá nói riêng từ trước đến nay vẫn luôn được xác định là hết sức nguy hiểm và phức tạp. Ranh giới từ người nghiện ma túy trở thành tội phạm là hết sức mong manh. Có thể do vô tình hoặc cố ý, những người nghiện trở thành kẻ giết người man rợ trong khi "phê thuốc".
Một điểm chung trong khá nhiều vụ thảm án liên quan đến người nghiện ma túy “đá”: nạn nhân chính là người thân, những người gần gũi với hung thủ. Bởi vậy, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao những người sử dụng ma túy đá lại có thể gây ra những tội ác man rợ như vậy? Phải chăng công tác quản lý người nghiện tại cộng đồng đang bị buông lỏng hay sự thờ ơ của gia đình trước những biểu hiện không bình thường của người nghiện khiến họ dễ dàng gây tội ác?
Theo phân tích của Trung tá Phạm Quân, người sử dụng ma túy, đá đặc biệt dùng trong thời gian dài, với tần suất, liều lượng cao, dùng đa dạng nhiều loại ma túy khác nhau, do thói quen sinh hoạt…có thể dẫn đến bị ngáo đá. Đó là chứng rối loạn loạn thần cấp dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức dẫn đến các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và cả những người xung quanh. Lúc này bất kể người thân hay người lạ, nếu la mắng hoặc có sự kích động nào đó đều bị người "ngáo đá" xem là đối thủ luôn tìm cách hãm hại mình nên thường co lại tìm cách đề phòng và nếu tạo ra kích động lớn hơn thì đối tượng "ngáo đá" sẵn sàng tấn công đối phương cho đến chết.
Luật phòng chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong công tác lập hồ sơ quản lý sử dụng trái phép chất ma túy có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022, có nhiều quy định, biểu mẫu mới, nên theo ông Quân, điều này dẫn đến nhiều lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện. Công tác lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện kịp thời.
Đối với Hà Nội, hiện công an thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình đưa vào quản lý và các tiêu chí đưa ra khỏi diện quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Luật Phòng chống ma túy năm 2021. Bên cạnh đó, người nghiện khi được mời lên xét nghiệm thường lảng tránh, trì hoãn, không hợp tác.
“Gia đình người nghiện mang tâm lý mặc cảm, xấu hổ với hàng xóm, che giấu việc con em mình sử dụng ma túy, chưa thực sự phối hợp với cơ quan Công an để xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện”, Trung tá Phạm Quân chia sẻ.
Trước tình hình "ngáo đá" phức tạp, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần thiết xem xét xử lý hình sự đối với một số hành vi của người nghiện kết hợp với các biện pháp hành chính, tâm lý, y tế. Đặc biệt gây tội ác trong tình trạng "ngáo đá" có thể xem là tình tiết tăng nặng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Từ thực tế công tác, Trung tá Phạm Quân cho rằng, để quản lý, ngăn ngừa các đối tượng “ngáo đá” phạm tội, lực lượng công an phải phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành nhằm rà soát, lập danh sách các đối tượng nghiện ma túy, phân loại theo mức độ nghiện. Đối với các đối tượng có biểu hiện "ngáo đá", có hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng, tùy tình huống cụ thể để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, đảm bảo nguyên tắc an toàn cho người dân và lực lượng tham gia, thường xuyên tiến hành test sàng lọc xác định đối tượng có sử dụng ma túy hay không.
Tuy nhiên, để thật sự ngăn chặn được tình trạng phạm tội từ những người "ngáo đá", bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng cũng như tăng mức xử phạt, thì giải pháp quan trọng không kém chính là sự chung tay của địa phương, cộng đồng, nhà trường, xã hội mà đặc biệt là của chính gia đình người nghiện.
Trung tá Phạm Quân khuyến cáo, để tránh và xử lý an toàn trong tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, mỗi người cần phải nhận biết được các dấu hiệu cơ bản của người bị “ngáo đá”. Đầu tiên có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; uống nước nhiều; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam... Đặc biệt, khi bị “ngáo đá”, đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn... Các dấu hiệu của người ngáo đá gần giống với người bị biểu hiện tâm thần
Khi phát hiện người thân trong gia đình đang có dấu hiệu phê ma túy, nếu đối tượng còn kiểm soát được hành vi, cần phải trấn an họ, cho uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn cần phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi nhà, đến nơi an toàn, nhờ hàng xóm hoặc lực lượng chức năng khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng bị “ngáo đá”.
“Khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu, xoa dịu, tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế đối tượng”, Trung tá Phạm Quân khuyến cáo./.