Các vụ thảm sát người thân: Cái ác tích tụ từ suy nghĩ tiêu cực
VOV.VN -Với sát thủ “lành như đất”: Cái ác không hẳn là bản tính, cũng không phải vì thiếu giáo dục... mà là do tích tụ từ những suy nghĩ tiêu cực.
Đối tượng có học, tuổi đời không còn trẻ
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án có thể gọi là "thảm sát" trong chính những người ruột thịt trong gia đình, như vụ ở Đan Phượng (Hà Nội), Thái Nguyên... Điều có thể nhận thấy là đối tượng gây án đều có nhân thân tốt, thậm chí "có học", từng có địa vị xã hội và tuổi đời thì không còn nông nổi.
Đối tượng Bùi Xuân Hồng. |
Theo đó, khoảng 18h ngày 14/9 trên địa bàn phường Chùa Hang (Tp Thái Nguyên), đối tượng Bùi Xuân Hồng (SN 1956, trú tại tổ 2, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) cầm dao truy sát ba người nhà em gái là Bùi Thị Hà (SN 1959, trú tại tổ 14, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) khiến bà Hà tử vong tại chỗ. Chồng và con rể bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu xác định, đối tượng Hồng đến đòi con rể bà Hà là Nguyễn Thành Vương (SN 1981) 3,6 tỷ đồng.
Được biết, đối tượng Hồng nguyên là Phó giám đốc Công ty xi măng La Hiên đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đã nghỉ hưu cách đây hơn 3 năm.
Trước đó, vụ anh trai ruột sát hại 5 người nhà em trai ở Đan Phượng, Hà Nội khiến 4 người tử vong, 1 người thương nặng. Nghi phạm SN 1966 được đánh giá là người hiền lành ở địa phương.
Như vậy, có thể thấy nguyên nhân không phải là thiếu giáo dục, không phải là đối tượng có bản tính côn đồ, máu lạnh. Vậy nguyên nhân từ đâu khiến tình nghĩa anh em "như thể tay chân", "huynh đệ như thủ túc" trở thành kẻ thù không đội trời chung, thú tính nổi lên và sẵn sàng sát hại cả nhà anh em của mình để chấp nhận 'đổi mạng. Điều đó chỉ có thể giải thích là khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.
Trong những vụ án như thế này thì mâu thuẫn không phải là nhất thời mà đã diễn ra trong một thời gian dài, một quá trình, do đó hung thủ tích tụ những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, những bực tức, uất ức dồn nén mà không có lối thoát, không có hướng giải quyết tích cực. Những mâu thuẫn (có thể vì tiền bạc, có thể vì đất đai, tài sản, cũng có thể là quan điểm về đạo đức, ứng xử với anh, em, cha mẹ trong gia đình...) cứ diễn ra xuất phát từ mối quan hệ tình cảm hoặc vật chất trong gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù "mạng đổi mạng" và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thời cơ chín muồi, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ suốt một thời gian dài gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ và từ một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai cản bước mình, kể cả đó là anh em ruột... mối thù sẽ dẫn dắt con người đến hành động trả thủ man rợ.
Khi đó, đối tượng phạm tội không nghĩ ngợi gì nữa, không phân biệt tình lý, không nể nang tình cảm, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù, để nhanh chóng kết thúc sự việc bằng những nhát dao và sau đó có thể là tự vẫn.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao nhọn tấn công vào những vùng trọng yếu, hành động quyết liệt nhằm sát hại nhiều người thì chắc chắn rằng ông Hồng sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết nhiều người. Bởi vây, hình phạt mà ông Hồng phải đối mặt sẽ là khung hình phạt cao nhất: từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tai tiếng để đời
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, theo luật sư Cường, việc quyết định hình phạt đối với ông Hồng thế nào sẽ cản cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, ông Hồng có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác... Tuy nhiên cũng sẽ bị áp dụng các tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết 02 người trở lên (kể cả trường hợp chỉ có 01 nạn nhân chết, các nạn nhân còn lại không chết ).
Luật sư Đặng Văn Cường, |
Ngoài ra, các tình tiết trách nhiệm hình sự khác cũng có thể xem xét để áp dụng như: Có tính chất côn đồ (nếu lý do nhỏ nhặt) hoặc vì động cơ đê hèn (nếu mục đích là xấu...).Với hậu quả nghiêm trọng như vậy thì có lẽ ông Hồng sẽ phải đối diện với mức án rất nghiêm khắc, có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo LS Cường, trong vụ án này để phục vụ cho công tác phòng ngừa, cũng như để giải quyết triệt để vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ của hành vi phạm tội, làm rõ cảm xúc và diễn biến tâm lý tội phạm của ông Hồng. Yếu tố về nhân thân, nguyên nhân, động cơ mục đích cũng là những yếu tố tác động đến mức hình phạt của người đàn ông này.
Ngoài hình phạt mà ông Hồng phải chịu thì người đàn ông này còn phải trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân, thiệt hại bao gồm: Tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng với nạn nhân thiệt mạng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ....
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, trong hoàn cảnh này, dù mức án ông Hồng phải đối diện là bao nhiêu, mức bồi thường thiệt hại thế nào đi nữa thì tai tiếng để đời sẽ không bao giờ gột hết được, những người còn lại trong gia đình ông Hồng cũng sẽ vô cùng đau lòng bởi vụ án "huynh đệ tương tàn" này.
Nỗi đau sẽ nhân đôi khi cả bị hại và bị can đều là người thân thích, ruột thịt trong gia đình. Bởi vậy, vụ án này cũng sẽ là một bài học trong chuyện sứt mẻ tình cảm anh em mà không được hòa giải, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi, để mẫu thuẫn kéo dài, không lối thoát. Nếu những mẫu thuẫn, tranh chấp không thể tự giải quyết được, không thể hòa giải được thì cần phải chuyển đến tòa án để giải quyết và tòa án có trách nhiệm phải thụ lý, giải quyết kịp thời, hóa giải mâu thuẫn bằng những phán quyết có tình, có lý thì mới bớt được những vụ án đau lòng như vậy./.
Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định Tội giết người như sau: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;…..
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Nghi phạm sát hại gia đình em gái tại Thái Nguyên vì... 3 tỷ đồng?
Nhân chứng kể lại lúc anh trai truy sát cả gia đình em gái ở Thái Nguyên
Lời khai “rùng mình” của đối tượng gây vụ thảm án ở Hà Nội