Con riêng có được hưởng thừa kế?
VOV.VN - Theo luật sư, các quy định của pháp luật không phân biệt con chung, con riêng, con đẻ, con nuôi (hợp pháp) trong vấn đề thừa kế di sản của người chết theo pháp luật.
"Anh cả tôi là con riêng của mẹ. Tuy nhiên trên giấy tờ, vẫn ghi cha tôi là cha ruột. Nay cha mẹ tôi đều đã mất mà không để lại di chúc. Vậy tài sản thừa kế sẽ chia thế nào? Tôi không có giấy tờ gì chứng minh việc anh cả là con riêng của mẹ. Ông bà 2 bên nội ngoại cũng chẳng còn để chứng minh việc đó". Luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sunlight tư vấn cho độc giả.
PV: Thưa luật sư, trong trường hợp bố mẹ qua đời không để lại di chúc thì tài sản sẽ được phân chia như thế nào?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Trường hợp bố mẹ qua đời không để lại di chúc thì tài sản sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật. Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Người Thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
PV: Trong trường hợp cụ thể này, anh trai của của thính giả Hoàng Long có được phân chia tài sản thừa kế không? Bởi dù anh này là con riêng của mẹ nhưng trên giấy tờ vẫn ghi cha ruột là cha của thính giả Hoàng Long.
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Trường hợp cụ thể của thính giả Hoàng Long hỏi; anh trai cả tính giả Hoàng Long là con riêng của mẹ nhưng Giấy khai sinh vẫn ghi cha của thính giả Hoàng Long là cha của anh trai bạn ấy việc thừa kế di sản được áp dụng theo Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015: Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Tại điều này được quy định như sau: Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.
Điều 652 quy định về thừa kế thế vị; Điều 653 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, me đẻ. Theo đó những người này được thừa kế di sản của nhau theo quy định tại Điều 651 đã nêu ở trên.
Như vậy, các quy định của pháp luật không phân biệt con chung, con riêng, con đẻ, con nuôi (hợp pháp) trong vấn đề thừa kế di sản của người chết theo pháp luật.
PV: Như luật sư vừa nói thì anh trai cả của độc giả Hoàng Long vẫn được hưởng thừa kế dù có bằng chứng chứng minh việc anh ấy chỉ là con riêng của mẹ thính giả phải không ạ?
Luật sư Vũ Thị Mai Phương: Việc anh Hoàng Long chứng minh anh trai cả là con riêng của mẹ thì anh trai vẫn được chia phần di sản của bố anh Long. Việc chứng minh này không ảnh hưởng đến quyền thừa kế của anh trai. Dù anh trai cả là con riêng của mẹ nhưng trên Giấy khai sinh của anh trai vẫn ghi bố của anh Hoàng Long là bố chứng tỏ rằng: con riêng với cha dượng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con thì được hưởng di sản thừa kế của nhau theo quy định tại Điều 654 của Bộ luật Dân sự 2015.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.