CSGT trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức: Luật quy định thế nào?
Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được trao cho một số bộ trưởng và một các chủ tịch UBND cấp tỉnh và thẩm quyền này không được ủy quyền phân cấp.
Ngày 4/1, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2 và thay thế Thông tư 65/2012 ngày 30-10-2012 của bộ trưởng Bộ Công an.
Thông tư 01 không có nhiều thay đổi so với Thông tư 65, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại do các báo đưa tin nhắc lại các quyền hạn của CSGT đã làm xới lại một số quy định dư luận đặc biệt quan tâm dù những quy định này đã được ban hành trước đó tại Thông tư 65.
CSGT kiểm soát trên đường |
Cụ thể, khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định quyền hạn của CSGT nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Thực tế quy định về trưng dụng tài sản không phải mới, tuy nhiên nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự băn khoăn lo ngại đối với quy định này.
Bạn đọc Bình Thái hoang mang: “Trời, theo quy định này thì thoáng cái trưng cái xe bắt cướp, trưng cái luôn cái điện thoại rồi… chạy mất tiêu (trường hợp khẩn cấp, mà khẩn cấp thì mới trưng dụng). Sau đó thì biết đường đâu mà lần. Lại phiền người dân lên phường khai báo ngày nào, đoạn nào, hay địa điểm nào anh CSGT nào đó trưng dụng đồ, rồi phải đợi xem xét kiểm tra vụ việc coi có đúng không, rồi đời coi xem ai chịu trách nhiệm về việc đó. Rồi lỡ như đang chở hàng hóa, hay hợp đồng kinh doanh bạc triệu đi giao mất tiêu cái xe sao mà đi? trong túi đem ít tiền sao gọi taxi (xe ôm)? thế là ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thứ tài chính, kinh tế này nọ của cá nhân hoặc tổ chức rồi… Nói chung luật mới này chưa nói rõ ràng, gây hoang mang quá”.
Cũng có ý kiến cho rằng Thông tư 01 cho phép CSGT được quyền trưng dụng tài sản là quy định trái luật.
Vậy, theo quy định pháp luật, việc trưng dụng tài sản được quy định thế nào, tài sản bị trưng dụng hư hỏng thì được bồi thường ra sao?
Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản số 15/2008/QH12 đã giải thích cụm từ “Trưng dụng tài sản” như sau: “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.
Khoản 1 Điều 4 luật này cũng nêu rõ nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản như sau: “Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.
Điều kiện trưng dụng tài sản
Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau:
- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;
- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;
- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;
- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.
Thẩm quyền trưng dụng tài sản
Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản gồm các bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Luật cũng nhấn mạnh: Người có thẩm quyền trên không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Quyết định trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng phải có giấy xác nhận (giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng).
Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng một bản.
Quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng; quyền quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng trong thời gian trưng dụng thuộc về Nhà nước.
Người có tài sản được bồi thường thiệt hại
Người có tài sản trưng dụng có nghĩa vụ chấp hành quyết định trưng dụng tài sản và được hoàn trả tài sản trưng dụng và bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra.
Thời hạn trưng dụng tài sản bắt đầu từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành đến không quá 30 ngày và được gia hạn thêm không quá 15 ngày.
Trường hợp quyết định trưng dụng tài sản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có tài sản trưng dụng không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế. Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có tài sản trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.
Tài sản trưng dụng bị mất, bị hư hỏng; bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra sẽ được bồi thường thiệt hại. Đơn yêu cầu bồi thường gửi đến cơ quan đã trưng dụng tài sản
Mức bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì người quyết định trưng dụng tài sản quyết định mức bồi thường. Nếu người có tài sản trưng dụng không đồng ý với mức bồi thường này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại.
Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra được chi trả một lần trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả tài sản. Trường hợp chậm trả tiền bồi thường thiệt hại thì phải thanh toán tiền lãi theo lãi suất ngân hàng.
Như vậy, có thể nói Luật trưng mua, trưng dụng đã quy định khá chặt chẽ, chi tiết về việc trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức. Về nguyên tắc, các quy định dưới luật liên quan đến vấn đề trưng mua, trưng dụng tài sản phải tuân thủ theo các nội dung được quy định trong luật này.
Nhiều ý kiến thắc mắc: Quy định tại thông tư 01/2016 trao cho CSGT có thẩm quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức liệu có phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản do Quốc Hội ban hành?
Hiện chưa có thêm bất cứ văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc trưng dụng tài sản trong các tình huống có thể trưng dụng liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của CSGT. Nên chăng phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để làm rõ quy định này, tránh gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận như hiện nay.
Bạn đọc đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan ban hành Thông tư 01/2016 là Bộ Công an./.