Điều 60 Luật BHXH: 'Thoát ly' cuộc sống, Luật khó thực thi
VOV.VN - Chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm luật, thay đổi chủ trương chính sách, phải phản ánh được ý chí của người dân
Mặc dù đến 1/1/2016 mới có hiệu lực thi hành, nhưng những ngày qua công nhân tại Công ty TNHH Pouyen ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM và công nhân ở một số khu công nghiệp ngừng việc tập thể do không nhất trí với quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.
Ngày 31/3, Bộ LĐ-TBXH đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết theo hướng linh hoạt để người lao động được lựa chọn giữa hưởng BHXH một lần khi nghỉ việc; hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng và cộng dồn hưởng hưu trí sau này.
“Phản ứng của người dân cũng đưa ra một thông điệp rằng trước khi ban hành, soạn thảo một đạo luật, chúng ta phải lấy ý kiến của dân thật tốt, mà tốt nhất là khi làm luật, phải nhằm để giải quyết vấn đề đang diễn ra của cuộc sống. Chúng ta không thể quyết định của trên như thế nào thì dưới cứ thế thi hành hoặc không thi hành thì cũng không vấn đề gì cả”- ông Dung nói.
Ông Nguyễn Đăng Dung cho rằng, không riêng gì luật BHXH mà nhiều luật từ trước đến nay “thoát ly” thực tế, vì thế nó khó thi hành trong thực tế. “Chúng ta thường nói đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng không phải vậy, mà phải là đưa cuộc sống vào pháp luật. Cuộc sống có vấn đề không? Vấn đề đó có gây ách tắc gì không và có gây khó khăn cho cuộc sống của nhân dân như thế nào thì người ta mới làm luật”- Ông Dung chia sẻ.
Làm luật trong "phòng lạnh” thì luật khó đi vào cuộc sống
Theo ông Dung, một vấn đề căn bản hiện nay là nhất hệ thống pháp luật của chúng ta không đi vào cuộc sống. Đó cũng là lý do vì sao Luật BHXH khi ban hành lại có nhiều phản ứng như vậy. “Nếu làm luật không hỏi dân, chuyên gia, làm luật “trong phòng lạnh” thì luật khó đi vào cuộc sống. Và như vậy, khi luật ban hành, người dân thấy vấn đề đó ảnh hưởng đến họ thì họ phản ứng. Điều đó cũng đặt ra cho chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm luật, thay đổi chủ trương chính sách, phải phản ánh được ý chí của người dân”.
Theo ông Dung, từ việc phản ứng của người dân về Điều 60, Luật BHXH cũng cần rút kinh nghiệm cho đợt làm soạn thảo, ban hành luật tiếp theo. Phải thấy người dân muốn gì? Tất nhiên họ mong muốn cuộc sống của họ được bảo hiểm. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như Luật hiện hành, có nhiều người mất việc, không phải ai cũng chờ được đến 55-60 tuổi để được hưởng khoản BHXH mà họ đã mất từ lâu. Vì thế nguyện vọng được của họ được nắm được cái hiện hữu là chính đáng. “Đó là lý do vì sao luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực thi hành mà người dân đã phản đối. Chúng ta đã làm luật thiếu hơi thở cuộc sống”.
Nguyễn Đăng Dung cho rằng, ý chí của người dân là muốn đưa mong muốn của mình vào văn bản pháp luật của Nhà nước, là ý chí tốt. Nhưng quan trọng là làm thế nào để ý chí đó được phản ánh một cách toàn diện lên cơ quan Nhà nước, để đưa vào trong các văn bản pháp luật./.