Giá vàng tăng phi mã, người quen vay 20 cây vàng “chần chừ” trả nợ
VOV.VN - Tôi cho người quen vay tiền trị giá 20 cây vàng và có viết giấy giao kèo. Giờ giá vàng cao, họ không thực hiện đúng giao kèo thì tôi phải làm thế nào?
Bạn đọc hỏi:
Cách đây 12 năm gia đình tôi có cho một người quen vay tiền trị giá 20 cây vàng để xây nhà và có viết giấy giao kèo là sẽ trả theo giá trị vàng. Nhưng hiện nay người tôi cho vay tiền không thực hiện đúng theo giao kèo.
Vậy với giấy tờ viết tay đó gia đình tôi có đòi được lại số tiền cho vay theo giá trị 20 cây vàng không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, khoản vay sẽ được trả bằng vàng hoặc giá trị của vàng tại thời điểm trả nợ
Theo quy định tại Điều 474 Bộ Luật Dân sự 2005:
“ Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. ”
Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn cho người quen vay tiền trị giá 20 cây vàng để xây nhà và có viết giấy giao kèo là sẽ trả theo giá trị vàng. Như vậy, hai bên đã thỏa thuận quy từ tiền vay thành vàng nên căn cứ vào quy định trên, số tiền vay nợ sẽ được trả bằng vàng hoặc giá trị của vàng tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ.
Thứ hai, giấy tờ viết tay có đòi được lại số tiền cho vay theo giá trị 20 cây vàng không?
Căn cứ Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trừ một số trường hợp pháp luật quy định hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực (ví dụ: hợp đồng vay có thế chấp bằng bất động sản,…). Vì vậy, giấy tờ vay nợ của gia đình bạn là giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực hay người làm chứng nhưng vẫn có giá trị pháp lý.
Trong trường hợp này, gia đình bạn và bên cho vay có thể tự thỏa thuận với nhau về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu bên vay nợ không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi cư trú của người vay để giải quyết tranh chấp dân sự này. Dựa vào thông tin, tài liệu, chứng cứ mà gia đình bạn cung cấp, Tòa án sẽ xem xét và giải quyết vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2005 quy định thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bạn bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cũng theo quy định tại Điều 427 BLDS năm 2005 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”.
Do đó, trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày mà quyền lợi của bạn bị xâm phạm thì bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình. Thời gian 12 năm vay tiền không ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.