Náo loạn ở buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long: Bài học cho cơ quan tố tụng
VOV.VN - Luật sư cho rằng, xảy ra náo loạn trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long là điều đáng tiếc, đây cũng là bài học lớn cho các cơ quan tố tụng.
Náo loạn đã xảy ra vào chiều 25/4 trong buổi công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long – người 4 lần bị kết án tử hình. Nhiều người đã gào thét, xông vào hội trường UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang kéo đổ tấm biển ghi nội dung tòa án công khai xin lỗi ông Long. Có người còn ném dép vào Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội trong lúc đọc lời xin lỗi ông Long.
Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vụ việc này.
Cảnh hỗn loạn làm giảm ý nghĩa việc công khai xin lỗi
PV: Ông thấy thế nào trước hành động la ó, kéo đổ bảng hiệu và ném dép vào Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội khi đọc lời xin lỗi?
Cảnh sát vào phòng xử án, nhưng dường như không ngăn được sự hỗn loạn đến từ người thân của gia đình cháu bé bị sát hại.
Về mặt pháp lý, Hàn Đức Long đã được minh oan, nhưng gia đình người bị hại có hành động như vậy là không nên. Nỗi đau rõ ràng ai cũng biết và thông cảm, nhưng trong buổi lễ công khai xin lỗi nếu gia đình có ý kiến thì cũng nên biểu hiện được ý nghĩ, nhu cầu của mình và không nên để xảy ra tình trạng hỗn loạn như vậy.
Cảnh hỗn loạn đó đã làm giảm ý nghĩa của việc công khai xin lỗi người bị kết tội oan. Hơn nữa, công tác chuẩn bị cho buổi lễ cũng chưa chu đáo.
PV: Ông có cho rằng, công an và lực lượng bảo vệ an ninh trong buổi lễ công khai xin lỗi chưa làm tròn nhiệm vụ?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm: Có tới một đội ngũ công an, cảnh sát tư pháp mà để buổi lễ diễn ra như vậy thì trách nhiệm thuộc về những người tổ chức cũng như thực thi công vụ. Trong khung cảnh như vậy, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội vẫn cố gắng đọc văn bản công khai xin lỗi, điều đó cũng thể hiện một quyết tâm, bình tĩnh, mong muốn của tòa án cấp cao làm sao buổi lễ diễn ra trọn vẹn.
Chúng ta mong muốn trong tố tụng hình sự, các vụ án hình sự không để xảy ra oan sai nhiều như vậy nữa, vì nó ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là trong tư pháp hình sự. Đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng thực sự vô tư, khách quan, phải tăng cường nâng cao kỹ năng nghiệp vụ điều tra, hoạt động tác nghiệp, làm sao kết quả điều tra vụ án, kết quả truy tố, xét xử phản ánh đúng sự thật khách quan, thỏa mãn tất cả những người tham dự cũng như những người quan tâm vụ việc.
Tòa án tối cao sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm từ vụ việc này để buổi lễ công khai xin lỗi nếu có sẽ diễn ra theo đúng ý nghĩa và mong muốn của tất cả chúng ta.
Bài học lớn cho các cơ quan tố tụng
PV: Những người tù oan hàng chục năm như ông Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn hay Trần Văn Thêm xứng đáng được tổ chức buổi xin lỗi trọng thể, chân thành, thế nhưng niềm vui của họ đã không được trọn vẹn bởi sự giận dữ, hoài nghi từ phía gia đình bị hại. Thưa ông, phải chăng chừng nào cơ quan tố tụng chưa trả lời được câu hỏi ai là hung thủ của các vụ án oan thì niềm vui của những người được minh oan sẽ không bao giờ trọn vẹn?
Gia đình bị hại làm náo loạn hội trường, họ đòi công bằng, tìm hung thủ sát hại cháu Yến.
Về mặt pháp lý, ông Long được minh oan nhưng về phía gia đình bị hại, họ vẫn có cách nhìn khác về ông. Vì vậy, ông có khát vọng tìm ra kẻ phạm tội, xử lý chính đáng về mặt pháp luật đồng thời minh oan cho ông trong dư luận cũng như trong lòng người bị hại. Điều đó mới đem lại cho ông ấy sự thanh thản thực sự.
Việc Nhà nước tổ chức buổi lễ công khai xin lỗi cũng thể hiện sự nghiêm túc, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật, khi thấy mình làm sai thì cần thiết phải xin lỗi và công bố minh oan cho người bị hàm oan.
PV: Cá nhân và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm: Đây là một bài học lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử. Các giai đoạn tố tụng với chức năng, quyền hạn của mình, thì mỗi cơ quan tiến hành tố tụng đều có tính chất độc lập. Vụ án có thể có tính chất phức tạp nhưng quan trọng là thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đảm bảo tính toàn diện, chưa nói đến việc điều tra viên có những vi phạm về tố tụng, vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cũng chính vì bệnh thành tích, mong muốn kết thúc sớm điều tra vụ án giết người nghiêm trọng nên đã phạm phải sai lầm, thậm chí vi phạm. Đây là vấn đề đặt ra từ rất lâu và cũng đã có nhiều hội thảo, đòi hỏi mỗi người khi làm nhiệm vụ quyết định số phận pháp lý của một người dân thì luôn luôn nghĩ rằng có thể họ bị hàm oan; quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải luôn luôn đánh giá chứng cứ để đảm bảo quyền của họ là vừa mang tính chất kết tội, đồng thời gỡ tội cho họ. Tất cả quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ là để xem họ có tội không chứ không phải chứng minh họ có tội rồi.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Bộ Tư pháp lên tiếng về hỗn loạn trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long