Phạt tù người ngoại tình: Quy định máy móc?
VOV.VN - Luật sư cho rằng việc trừng phạt tội ngoại tình dường như là một sự điều chỉnh máy móc mang tính áp đặt của nhà làm luật vào một quan hệ xã hội.
Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 và theo Điều 182 Bộ luật này, người ngoại tình dẫn đến ly hôn bị phạt tù tới 1 năm.
Bộ luật Hình sự 2015 được cho là đã quy định một cách chi tiết và rõ ràng hơn về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” so với Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, trước thông tin này, dư luận cho rằng việc xử phạt người ngoại tình có vẻ khó thực thi trong thực tế. Chỉ có tòa án lương tâm mới có thể xử lý triệt để.
Chia sẻ về nội dung này, theo luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty luật INTERCODE), không phải đến thời điểm này Bộ Luật Hình sự 2015 mới quy định về hành vi “ngoại tình” và hình thức xử lý mà trong Bộ Luật Hình sự hiện hành cũng quy định về vấn đề này. Điều 147 BLHS sửa đổi 2009 quy định người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.
Tuy nhiên, Điều 147 BLHS hiện hành chưa có quy định cụ thể thế nào là hậu quả nghiêm trọng, do đó, điều luật này gần như mất tính khả thi trong việc áp dụng. Cho nên trong thực tế, cực kỳ hiếm những trường hợp ngoại tình bị xử lý hình sự.
Ở góc độ cá nhân, luật sư Vũ Thị Thanh cho rằng điều luật cần phải cụ thể hóa hành vi thế nào là sống chung như vợ chồng sẽ gỡ khó trong việc xác định hành vi vi phạm. Theo luật sư Thanh, các chứng cứ cho hành vi “chung sống như vợ chồng với người khác” rất khó chứng minh. Đó là một khái niệm mang yếu tố khoa học pháp lý không dễ áp dụng vào thực tiễn tư pháp. Thêm vào đó, điều luật này vừa không quy định cụ thể thế nào là chung sống như vợ chồng, thế nào là hậu quả nghiêm trọng, đồng thời, các nghi ngờ về ngoại tình cũng vốn rất khó chứng minh.
Còn theo luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 và sắp tới Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực quy định việc trừng phạt tội vi phạm chế độ một vợ một chồng dường như là sự điều chỉnh máy móc mang tính áp đặt của nhà làm luật vào một quan hệ xã hội mà có lẽ phải do các quy phạm đạo đức điều chỉnh nó mới hợp lý.
Theo luật sư Long, Luật quy định việc trừng phạt các cá nhân tham gia khi phát sinh các yếu tố xác định hậu quả như: dẫn đến lý hôn đối với một hoặc hai bên tham gia... việc xác định hậu quả như vậy là không phù hợp khi cơ quan và người tiến hành tố tụng áp đặt áp đặt chế tài hình sự trên cơ sở một bản án dân sự (vụ án ly hôn). Đặt giả thiết, những người liên quan khi ly hôn không đưa ra lý do họ ngoại tình hoặc không thừa nhận việc ngoại tình thì việc xử lý là không có cơ sở và việc chứng minh nó cũng vô cùng khó khăn. Khi đó rất dễ xảy ra sự suy đoán mang cảm tính để giải quyết vụ án chứ không phải là dùng chứng cứ chứng minh để phán xét.
Luật sư Long cho rằng, xét về mặt đạo đức xã hội, ngoại tình có thể bị lên án trong đa số trường hợp nhưng cũng có những trường, ngoại tình là hành động giải thoát con người khỏi cuộc hôn nhân không còn đạt mục đích mà vì lý do nào đó họ không thể phá vỡ sự ràng buộc đó (ví dụ hai người không còn tình cảm nhưng vì nghĩa vụ với con cái, hoặc một bên cố tình cản trở... họ không thể ly hôn).
Mặt khác, tình cảm có thể nảy sinh giữa con người với con người là hoạt động nội tâm mà lý trí không phải lúc nào cũng chi phối được. Bởi vậy, con người không thể dự đoán hay hoạch định sự phát sinh tình cảm như một cỗ máy để có thể biết lúc nào nó xảy ra để chủ động ly hôn trước nhằm tránh vi phạm pháp luật. Vì thế, sự trừng phạt của pháp luật chưa bao giờ làm chất dứt hay loại bỏ hiện tượng ngoại tình ra khỏi đời sống xã hội vậy nên không thể coi đó là một hành vi tội phạm để điều chỉnh bằng pháp luật hình sự./.
Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.