Quản lý người nghiện: Cần có sự phối hợp thống nhất
VOV.VN - Chính sự chồng chéo, thiếu tương thích của hệ thống pháp luật đã dẫn đến việc quản lý người nghiện hiện nay không hiệu quả.
Dù được xem đã có nhiều nỗ lực trong việc “phanh” số người nghiện gia tăng trên địa bàn, nhưng nhiều năm qua, Điện Biên vẫn là một trong những địa phương phức tạp, nóng bỏng nhất cả nước về tội phạm ma túy cũng như số người nghiện ma túy với hơn 9.500 người có hồ sơ. Nhiều tội ác xảy ra trên địa bàn đều do tội phạm ma túy. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, người nghiện gây ra những hệ quả, tệ nạn xã hội, đặc biệt trong những năm gần đây xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều có liên quan đến ma túy, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Người nghiện khi lên cơn ngáo đá không làm chủ được.
Một con nghiện sau khi đâm chết người trong cơn ngáo đá đã ngồi chờ công an đến bắt giữ |
Quản lý người nghiện không hiệu quả vì sự chồng chéo
Trước thực tế các vụ tai nạn, thảm án thời gian qua, không ai có thể nói trước được điều gì và tai họa có thể giáng xuống đầu người dân bất kỳ lúc nào khi người nghiện sống chung trong cộng đồng. Trong khi việc quản lý của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng chưa hiệu quả, một phần do những bất cập, điều chỉnh của hệ thống chính sách pháp luật hiện hành.
Hiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý người nghiện, phòng chống ma túy đang tồn tại lỗ hổng và sự chồng chéo giữa văn bản cũ và văn bản mới. Ví như mâu thuẫn trong Luật Phòng chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Phòng chống ma túy quy định, người nghiện sau khi chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc sẽ áp dụng biện pháp quản lý sau cai từ 1-2 năm. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu trả về địa phương những trường hợp đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc. Hay như Luật Phòng chống ma túy quy định tổ chức cai nghiện bắt buộc cho người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi; trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung cũng rất phức tạp, rườm rà vì liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau nên khó thực hiện.
Từ thực tế công tác của mình, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy, cho biết, việc quản lý người nghiện ở các địa phương rất lỏng lẻo. Rồi tình trạng thiếu kinh phí hoạt động khiến việc quản lý, vận hành, theo dõi, giám sát hoặc hỗ trợ cũng bị hạn chế nhiều. Có những tình trạng “đá bóng” từ cơ quan nọ sang cơ quan kia.
Chính sự chồng chéo, thiếu tương thích của hệ thống pháp luật đã dẫn đến việc quản lý người nghiện hiện nay không hiệu quả. Đây là khẳng định của Thượng tá Ngô Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an.
“Quản lý người nghiện tại địa phương hiện còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt, Nghị định 221 về đưa người nghiện vào Trung tâm Cai nghiện bắt buộc hiện còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất về nơi ở của người nghiện ma túy. Thứ hai là việc xác định tình trạng nghiện. Nghị định 221 của Chính phủ quy định cơ quan y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện nhưng người nghiện chỉ sợ công an, do vậy quá trình giữ người nghiện để xác định tình trạng nghiện lại không được quy định rõ ràng, nên dẫn tới các y bác sĩ sợ người nghiện trả thù tại cộng đồng sinh sống, dẫn đến nhiều trở ngại về tâm lý”, Thượng tá Ngô Thanh Bình dẫn chứng.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách theo hướng tiếp cận người nghiện là người bệnh đã làm giảm nhẹ tính răn đe, là nguyên nhân khiến ngày càng gia tăng số người nghiện. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, người sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, nếu tái phạm có thể lĩnh án tù 5 năm. Người góp tiền để mua ma túy sử dụng chung hoặc bỏ tiền mua cho người khác sử dụng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, người sử dụng trái phép chất ma túy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị phạt hành chính, mức phạt chỉ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vừa quá nhẹ, vừa không đủ sức răn đe.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc: Nghe thì hay, làm thì khó
Nhiều quy định khác liên quan đến công tác quản lý người nghiện cũng cho thấy sự bất cập. Theo các quy định hiện hành, việc quản lý người nghiện được giao cho 6 bộ, ngành cùng chính quyền địa phương 4 cấp nhưng do tính mặt trận của hệ thống văn bản pháp luật không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn công việc cụ thể cho các bộ ngành địa phương, không trao quyền cho họ cũng như không có chế tài về trách nhiệm nếu cơ quan, đơn vị ấy không thực thi tốt phần việc của mình dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhiều mối nhưng chẳng thuộc về ai, nên khi người nghiện phạm tội, nhất là những tội đặc biệt nghiêm trọng, thì không quy được trách nhiệm ngành nào mà các cấp, ngành chỉ chạy theo để giải quyết sự vụ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, giám sát việc thực hiện luật trong cuộc sống, nhiều đại biểu Quốc hội đã dẫn ra những bất cập trong việc phân công quản lý Nhà nước về phòng chống ma túy, quản lý người nghiện không hợp lý, chưa tuân thủ theo nguyên tắc quản lý Nhà nước đã đề ra, đó là một việc phức tạp cần giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm chính.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Bá Lộc, nguyên kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cho rằng, “cứ nói cả hệ thống chính trị vào cuộc và cùng có trách nhiệm nhưng vấn đề là chúng ta không quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn cho các cơ quan, cá nhân cụ thể ra sao trong quản lý các đối tượng nghiện”.
Các vụ thảm án, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người nghiện ma túy gây ra, tình hình tội phạm vi phạm liên quan đến ma túy có những diễn biến nhanh chóng khó lường. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện nay không theo kịp thực tiễn, chậm được bổ sung sửa đổi. Đã đến lúc phải coi người nghiện ma túy là nguồn nguy hiểm cao độ cho an ninh trật tự và an toàn xã hội, từ đó có các quy định quản lý một cách đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ hơn trong đó quy định rõ trách nhiệm chính cho một ngành thống nhất từ trung ương xuống địa phương chủ trì thực hiện việc cai nghiện và quản lý người nghiện./.
Kinh hoàng “ngáo đá” liên tiếp gây án mạng trong cơn phê thuốc