Quay phim CSGT để “tống tiền”, bôi nhọ là phạm luật
VOV.VN -Việc ghi hình CSGT làm việc là việc bình thường, nhưng nếu clip, hình ảnh được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Vụ clip “tố” cảnh sát giao thông đánh người dân được đăng trên một số diễn đàn xã hội cuối tháng 9 vừa qua đã được làm sáng tỏ. Người vi phạm giao thông trong clip là Nguyễn Giang Nam (22 tuổi, quê Ninh Bình) trong bản tường trình khi làm việc với Phòng Cảnh sát giao thông (PC 67) Công an Hà Nội đã khẳng định không bị cảnh sát giao thông hay bất kỳ ai đe dọa. Anh này cũng khẳng định không hề đưa đoạn clip lên mạng.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sau khi đoạn clip ghi lại cảnh lời qua tiếng lại gay gắt giữa một người vi phạm giao thông và tổ công tác của Đội CSGT số 4 ở nút giao thông Đại Cồ Việt-Giải Phóng được đưa lên mạng, có ý kiến băn khoăn liệu người dân có quyền quay clip cảnh sát giao thông làm việc hay không, việc làm của họ có vi phạm pháp luật hay không?
Không có quy định nào cấm người dân quay phim CSGT làm nhiệm vụ (Ảnh minh họa) |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) khẳng định không có quy định nào của pháp luật cấm người dân quay phim CSGT làm nhiệm vụ. Việc người dân giám sát nhân viên cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ với động cơ và mục đích trong sáng là việc làm đáng khuyến khích nhằm nâng cao ý thức và sự thanh liêm của người thi hành công vụ.
Trước đây Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã từng ban hành Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 trong đó quy định cấm quay phim cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ. Văn bản này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, cơ quan truyền thông và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.
Phản ứng này xuất phát từ thực tế có nhiều vụ việc và dư luận không hay về hiện tượng có một số tiêu cực khi lực lượng cảnh sát giao thông thực thi công vụ nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng. Đồng thời văn bản này có nội dung không tuân thủ các quy định của pháp luật khi ban hành.
Ngay sau đó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt đã ban hành Công văn số 2315/C67-P6 hủy các nội dung tranh cãi nêu trên. Việc làm của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã thể hiện sự cầu thị, sửa chữa những sai sót trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời qua đó khẳng định việc giám sát của cộng đồng đối với các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ là đúng pháp luật và vô cùng cần thiết.
Hoạt động của CSGT là hoạt động công vụ chịu sự giám sát của dân
Việc bảo vệ đời tư của công dân là vô cùng cần thiết, bởi cán bộ CSGT cũng là công dân nhưng hoạt động của họ là hoạt động công vụ chịu sự giám sát của nhân dân, không được xếp vào loại bí mật Nhà nước nên việc quay phim chụp ảnh không xâm phạm đến quyền cá nhân của họ hay bí mật công tác phải chịu sự cấm đoán của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự) phân tích thêm, qua Công văn 2315/C67-P6 có thể hiểu nếu người dân chỉ ghi hình của cảnh sát giao thông thì chưa được coi là vi phạm pháp luật nhưng nếu họ sử dụng hình ảnh, clip ghi được vào mục đích bất hợp pháp như để cưỡng đoạt tài sản hay “tống tiền” chính những người bị ghi hình thì rõ ràng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc đăng những hình ảnh của người khác cùng với các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội thì dấu hiệu vi phạm pháp luật đã rõ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do người đó gây ra./.
Nghị định 72/CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về Quản lý – Cung cấp – Sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, cấm các hành vi:
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.