Trộm chim thế nào mới bị xử tội trộm cắp?
Trường hợp nào người trộm chim bị xử lý hình sự? Trường hợp nào chỉ cần xử phạt hành chính?
Chuyện 2 người trộm chim của giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam bị truy tố khiến nhiều người thắc mắc không biết giá trị các con chim bị trộm bao nhiêu thì bị xử lý hình sự?
Trường hợp nào người trộm chim bị xử lý hình sự? Trường hợp nào chỉ cần xử phạt hành chính?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo quy định của Bộ luật hình sự thì việc trộm cắp tài sản có giá trị 2 triệu đồng trở lên là có căn cứ để xử lý hình sự.
Định giá tài sản mất cắp làm căn cứ xử lý
Theo luật sư Nghiêm, khi xem xét hướng xử lý vụ trộm chim, cơ quan điều tra cần định giá các con chim bị trộm để làm căn cứ đảm bảo việc xử lý khách quan, đúng pháp luật.
Nếu qua điều tra, các đối tượng trộm cắp thừa nhận giá trị các con chim bán được sau khi trộm là hơn 2 triệu đồng, phù hợp với lời khai của người mua chim ăn trộm thì có thể sử dụng giá trị đó làm cơ sở xử lý hình sự.
Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo |
Nếu lời khai của các nghi can trộm cắp có chênh lệch với lời khai của chủ chim bị mất cắp, người mua chim (người mất nói giá trị chim lớn, kẻ trộm nói bán chim với giá thấp) thì cơ quan điều tra phải cho giám định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Yêu cầu đối với việc giám định là giá mua bán chim phải được tham khảo theo giá thị trường.
Tuy nhiên, khác với các tài sản giao dịch phổ biến, có giá thị trường rõ ràng nên việc định giá đơn giản thì với các tài sản đặc biệt rất khó xác định được giá thị trường như cây kiểng, chim, cá, thú nuôi cảnh, đồ cổ… thì việc định giá cũng có khó khăn.
Chính vì thế, kết quả định giá cũng chỉ mang tính tương đối, khó chính xác 100%.
Trong trường hợp đó, nếu chủ tài sản chứng minh được bằng các hóa đơn, chứng từ mua bán, thuế, nhập khẩp… hợp lệ thì giá của tài sản được ghi nhận hợp pháp để làm cơ sở tranh chấp, xử lý hình sự.
Ví dụ: người bị mất trộm cây kiểng, đồ cổ, thú cảnh… nhập từ nước ngoài về mà người chủ tài sản có hồ sơ lai lịch mua bán, hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thuế ghi nhận giá trị tài sản thì giá đó sẽ được thừa nhận.
Còn lại những trường hợp không có hồ sơ, chứng từ, không xác định được giá thì cơ quan định giá vẫn phải tham khảo giá từ nhiều nguồn, nhiều người (ví dụ như tham khảo ý kiến của chuyên gia đồ cổ, chuyên gia sinh vật cảnh…) để đảm bảo giá trị định giá gần nhất với trị giá thực tế tài sản.
Chim, thú kiểng có trị tinh thần, khó định giá
Anh N.T.Nhã - một người chơi chim tại TP.HCM cho biết hiện chim chào mào, họa mi, chích chòe… được người chơi khá chuộng tìm nuôi để thi tiếng hót.
Thông thường, người chơi chim thường mua chim rừng mới bẫy được (gọi là chim bổi) hoặc chim non, giá chỉ vài trăm nghìn.
Nhưng sau một thời gian chăm sóc, thuần thục, đem đi thi thố tiếng hót thì mỗi con chim có giá 1-2 triệu đồng hoặc có khi đến vài chục triệu đống với loại chim quý.
Đương nghiên, chỉ những giới chơi chim mới biết giá trị của các con chim. Chăm sóc chim, người nuôi thường dành nhiều tình cảm, công sức thì cũng khó có thể tính hết những công sức, tình cảm này vào trị giá chim.
Cũng theo anh Nhã, giới chơi sinh vật cảnh rất quý với các cây cảnh, con vật nuôi (cá, chim, thú…) mà mình bỏ công chăm chút nhiều thời gian với tất cả tình cảm của mình nên đối với họ, giá trị của những con thú kiểng rất lớn.
“Giá trị của sinh vật cảnh cũng vô chừng. Có loại cá, thú bán được cả tỉ đồng nhưng với những người “ngoại đạo”, không phải người chơi thì những chú chim, cây, thú kiểng cũng chẳng có giá trị bao nhiêu" - anh Nhã cho biết.
Chính vì vậy theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, cơ quan tố tụng cần tổ chức định giá tài sản bị mất cắp đặc biệt (như các con chim kiểng) một cách phù hợp, sát với giá trị thực tế thì việc áp dụng pháp luật mới đảm bảo chính xác.
Nếu không đủ cơ sở để xử lý hình sự thì hành vi trộm chim sẽ bị xử phạm hành chính./.