Từ nay đến 2020, các thủ tục liên quan sổ hộ khẩu vẫn được tiến hành
VOV.VN - Từ nay đến năm 2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành như cũ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 112 thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân được dư luận hết sức quan tâm trong những ngày qua.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, sổ hộ khẩu chỉ có giá trị xác định nơi cư trú của công dân, song một số ngành đã dựa vào đó để thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, trong Luật cư trú mới nghiêm cấm việc lạm dụng sổ hộ khẩu để hạn chế quyền của công dân.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thượng tá Trần Hồng Phú. |
Hiện nay việc quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành cùng thực hiện. Và khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà, lãng phí. Vì vậy Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hoá thủ tục hành chính về quản lý dân cư.
Theo quy định tại điều 2 của Nghị quyết 112, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an căn cứ vào phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính để chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất, sửa đổi bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với thời điểm vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung 15 trường thông tin và sau này cấp cho mỗi người một số định danh để giao dịch với bất cứ cơ quan nào mà không phải mang theo các loại giấy tờ khác. Theo đó, có thể hiểu thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng là quản lý "sổ hổ khẩu bằng công nghệ thông tin”.
“Do vậy, thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân kể từ ngày 30/10/2017 là không chính xác” – Thượng tá Trần Hồng Phú khẳng định và cho biết, sau này khi thu thập xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới tiến tới bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy đi, mà chỉ cần mã số định danh.
Dự kiến, đến đầu năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đưa vào sử dụng. Trong tháng 11 này, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã phường, thị trấn và phát bảng kê để xuống từng hộ gia đình để mỗi hộ tự kê khai thông tin và ký xác nhận. Công an sẽ đối chiếu với dữ liệu của mình, xác thực và tiến hành nhập vào hệ thống.
Ông Phú khẳng định, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành như cũ.
Kể cả đến năm 2020 khi có thẻ căn cước công dân rồi thì chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực, vì theo quy định của pháp luật thì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm. Nếu người dân không có nhu cầu đổi thì được sử dụng chứng minh nhân dân tới khi hết thời hạn mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước.
Trả lời câu hỏi: “Liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có đảm bảo bí mật thông tin cá nhân hay không?, vị Phó Cục trưởng C72 cho biết, theo quy định vấn đề bảo mật thông tin được đặt lên hàng đầu, trong Luật căn cước cũng quy định việc thu thập thông tin công dân phải đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình, an ninh an toàn thông tin.
Bộ Công an, Tập đoàn viễn thông quân đội, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng cùng tham gia để đảm bảo việc an ninh an toàn thông tin vì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin công dân được xác định là tài sản quốc gia được tập trung bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép.
“Khi khai thác, chia sẻ cũng phải có quy định để không làm ảnh hưởng đến gia đình, bí mật đời tư cá nhân” – Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết thêm./.
Ủng hộ việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư, luật sư Trần Thu Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đa số các nước trên thế giới không dùng hộ khẩu mà thay vào đó là thẻ căn cước. Mỗi người sẽ có một mã số định danh với đầy đủ thông tin được tra cứu nhanh chóng thông qua hệ thống hiện đại.
"Hiện tại, Việt Nam đã có luật căn cước công dân và tôi thấy việc quản lý dân cư bằng căn cước công dân là một bước tiến", luật sư Nam nói. Mọi thông tin về một người dân đều đã được thể hiện thông qua thẻ căn cước công dân này và nó sẽ thay thế cả chứng minh thư và sổ hộ khẩu.
Hơn nữa theo luật sư Nam, hiện nay, Chính phủ đang đề ra các lộ trình để cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy thì việc bỏ quy định về hộ khẩu cũng sẽ giúp giảm biên chế.
Bộ Công an: Thay đổi cách quản lý chứ không phải bỏ hộ khẩu, CMND