Vụ “bắt vạ” 400 triệu sau tai nạn ở Sa Pa dưới góc nhìn pháp lý

VOV.VN -Theo luật sư, trong trường hợp khi tai nạn giao thông xảy ra, khi chưa biết ai đúng, ai sai thì việc “bắt vạ” đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Những ngày qua, dư luận rất bức xúc vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 1/3, tại xã Sa Pả (huyện Sa Pa) khiến một nạn nhân tử vong. Thời điểm trên, Hạng A Câu (15 tuổi, trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao lưu thông theo hướng Lào Cai – Sa Pa đâm trực diện vào ôtô 4 chỗ do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú thành phố Lào Cai) điều khiển.

Cú va chạm khiến xe máy bị văng ra và va vào xe chở khách biển kiểm soát Hà Nội, lưu thông hướng Lào Cai - Sa Pa (cùng chiều với xe máy). Hạng A Câu tử vong tại chỗ, cả xe máy và ôtô hư hỏng nặng.

Vụ tai nạn ở Sa Pa

Điều đáng nói, ngay sau đó, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra đòi anh Nghĩa bồi thường mới cho cơ quan chức năng vào khám nghiệm hiện trường. Vụ việc gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D nhiều giờ. Vậy làm gì để chấm dứt tình trạng “phạt vạ” tùy tiện của người dân? Liên quan đến vụ việc này, phóng viên VOV trao đổi Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ hơn các quy định của pháp luật.

PV: Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ, vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự thế nào?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Theo quy định tại Thông tư số 77 quy định về “ Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ” thì quy trình để giải quyết một vụ tai nạn giao thông đường bộ rất dài nhưng có thể vắn tắt như sau: Đầu tiên là nhận tin và xử lý tin, tiếp theo cơ quan chức năng sẽ thực hiện các việc như tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông,...

Ngoài ra cơ quan chức năng sẽ làm công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện và ghi nhận dấu vết thân thể của người bị nạn,... Ngoài ra, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là dựng lại hiện trường, ghi lời khai hoặc khởi tố vụ án nếu như có dấu hiệu của một vụ án hình sự.

PV: Theo quy định khi xảy ra tai nạn giao thông cơ quan chức năng sẽ đến bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nếu vụ tai nạn đó xảy ra chết người. Sau đó các bên với thương lượng về việc bồi thường. Thế nhưng, vụ tai nạn xảy ra ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa lại khác. Người nhà nạn nhân bắt lái xe ô tô phải đưa ngay tại chỗ 400 triệu đồng thì mới cho phép các cơ quan chức năng làm việc mà không cần biết ai đúng, sai. Dưới góc nhìn của mình, luật sư đánh giá thế nào về hành động này?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Đầu tiên phải khẳng định, pháp luật hoàn toàn khuyến khích mọi việc bằng bồi thường, thỏa thuận hỗ trợ với nhau khi có tai nạn xảy ra. Nhưng điều đó phải đảm bảo trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa hai phía.

Trong trường hợp khi tai nạn giao thông xảy ra, khi chưa biết ai đúng, ai sai và nếu chưa có bên nào có sự tự nguyện bồi thường thì việc “bắt vạ” đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Như tôi đã nói, nếu như người gây tai nạn chủ động bồi thường thì đó là điều pháp luật khuyến khích. Nhưng nếu người ta không chủ động, tự nguyện thì chúng ta phải căn cứ vào pháp luật.

PV: Trong vụ việc có người quá khích ngăn cản cơ quan chức năng làm việc, và nếu đối chiếu theo quy định của pháp luật thì những người cản trở có vi phạm hay không? Nếu có bị xử lý thế nào thưa luật sư?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Mọi hành vi cản trở, ngăn cản cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Và hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hay hình sự còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.

Trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, người thực hiện hành vi cản trở lực lượng chức năng làm việc có thể bị xử phạt theo Nghị định 167/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH.

Điều 20 của Nghị định này quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Trong trường hợp bị xử lý hình sự, người cản trở có thể bị xử lý hình sự theo điều 330 về tội chống người thi hành công vụ và mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

PV: Như vậy, đây cũng là mức hình phạt rất nặng. Như luật sư đã biết, trước sức ép của người nhà lái xe ô tô tạm bồi thường 200 triệu đồng, nhiều người cho rằng, điều này cho thấy sự bất lực của cơ quan chức năng tại địa phương trong việc thực thi pháp luật để “phép vua thua lệ làng”. Dưới góc nhìn của mình, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Nếu nói đây là sự bất lực của cơ quan pháp luật của địa phương tại thời điểm đó thì tôi cho rằng cũng chưa đến mức như vậy. Bởi lẽ, tâm lý đám đông của những người dân, người quen, người thân người bị tai nạn là gây áp đảo đối với người đang bị coi là gây tai nạn.

Và điều này, cũng dẫn đến việc kể cả cơ quan chức năng có ở đấy đi chăng nữa cũng phải lo ngại đến việc những người khác xâm hại đến đến tính mạng, sức khỏe của mình và người đang tạm coi là gây tai nạn cho xong. Điều đó thể hiện một ý chí là thiếu tự nguyện của người đang bị coi là gây tai nạn. Tôi cho rằng đó cũng phải là sự bất lực cơ quan chức năng thời điểm đó.

PV: Xe lớn đền xe bé khi va chạm giao thông dường như được coi là luật “bất thành văn” và nó tồn tại trong suy nghĩ của người dân nhiều năm qua. Quan điểm này, dần hình thành dựa trên cảm tính “phương tiện lớn hơn khi vận hành khả năng xảy ra lỗi trong tai nạn nhiều hơn” và tinh thần tương trợ nhân văn theo lối suy nghĩ “phương tiện lớn hơn có khả năng tài chính tốt hơn để bồi thường thiệt hại xảy ra”. Theo quy định của pháp luật việc này phải nhìn nhận thế nào mới đúng thưa luật sư?

Luật sư Giang Hồng Thanh

Luật sư Giang Hồng Thanh: Đúng vậy, từ xưa đến nay đa số người dân chúng ta đều hình dung rằng, cứ xe lớn gây tai nạn, không biết đúng hay không là bồi thường xe bé, phương tiện giao thông khi gây tai nạn là bồi thường cho người đi bộ. Đó là mặc định ẩn định trong suy nghĩ của nhiều người dân. Nhưng vấn đề đó, theo quan điểm của tôi, ý kiến đó không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bởi lẽ, pháp luật quy định rất cụ thể, rõ ràng bất cứ ai có lỗi thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải không phụ thuộc vào xe lớn hay xe bé, hoặc không phụ thuộc vào đi bộ hay đi phương tiện giao thông cơ giới. Trong trường hợp vụ việc xảy ra, rõ ràng tâm lý, xe lớn bồi thường xe bé đã thể hiện rất rõ trong vụ việc này và đó là điều không phù hợp với quy đinh của pháp luật.

PV: Liên quan đến vụ việc, tôi và không ít người băn khoăn là số tiền 200 triệu đồng lái xe ô tô ứng trước ở hiện trường này khi cơ quan chức năng giải quyết được quy vào khoản tiền gì. Và nếu cơ quan chức năng kết luận là người lái xe máy sai hoàn toàn theo luật thì người nhà nạn nhân có phải trả lại tiền hay không?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Trong vụ án về tai nạn giao thông nói riêng, cũng như vụ án thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nói chung pháp luật sẽ yêu cầu buộc người gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp này, khi chưa có một quyết định nào của pháp luật về việc người lái xe ô tô có lỗi hay người lái xe máy có lỗi mà những người thân của người đi xe máy đã buộc người lái xe ô tô phải bồi thường và hỗ trợ người lái xe máy 400 triệu, thì hoàn toàn điều đó là vi phạm pháp luật. Việc gây áp lực để người khác phải đưa tiền cho mình có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà cụ thể ở đây là có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Liên quan đến 200 triệu đồng bồi thường, nếu sau này pháp luật xác định xe ô tô không có lỗi thì người nhận 200 triệu đó phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đó

PV: Có ý kiến cho rằng, ô tô khi lưu thông trên đường được coi là nguồn nguy hiểm cao độ và tại bộ luật dân sự năm 2015 có nói rõ, chủ sở hữu và người chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi.  Như vậy, tài xế ô tô kể cả không có lỗi vẫn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân. Điều này có đúng hay không?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Liên quan đến vấn đề này, điều 601 của Bộ luật Dân sự quy định rất cụ thể rõ ràng, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi nhưng phải quy định trừ những trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, cùng với đó là thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp vụ việc xảy ra như ở Sapa, cá nhân tôi cho rằng nếu như người lái xe ô tô không có lỗi thì họ rơi vào tình trạng bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết khi bất chợt thấy một xe máy lao về phía mình trong trường hợp đó người lái xe ô tô không có nghĩa vụ phải bồi thường.

PV: Xin cảm ơn Luật sư./.

 

 

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ “bắt vạ” 400 triệu: Chủ tịch UBND Lào Cai yêu cầu chấn chỉnh nghiêm
Vụ “bắt vạ” 400 triệu: Chủ tịch UBND Lào Cai yêu cầu chấn chỉnh nghiêm

VOV.VN - Ông Đặng Xuân Phong yêu cầu phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm từ vụ việc để hàng trăm người dân đổ ra đường “bắt vạ” sau tai nạn giao thông.

Vụ “bắt vạ” 400 triệu: Chủ tịch UBND Lào Cai yêu cầu chấn chỉnh nghiêm

Vụ “bắt vạ” 400 triệu: Chủ tịch UBND Lào Cai yêu cầu chấn chỉnh nghiêm

VOV.VN - Ông Đặng Xuân Phong yêu cầu phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm từ vụ việc để hàng trăm người dân đổ ra đường “bắt vạ” sau tai nạn giao thông.

“Bắt vạ” 400 triệu sau tai nạn ở Lào Cai: Cơ quan chức năng lên tiếng
“Bắt vạ” 400 triệu sau tai nạn ở Lào Cai: Cơ quan chức năng lên tiếng

VOV.VN -Gia đình, người dân địa phương ùn ùn kéo đến đòi lái xe ô tô bồi thường 400 triệu không cho đặt cọc, gây ách tắc, cản trở giao thông là trái pháp luật

“Bắt vạ” 400 triệu sau tai nạn ở Lào Cai: Cơ quan chức năng lên tiếng

“Bắt vạ” 400 triệu sau tai nạn ở Lào Cai: Cơ quan chức năng lên tiếng

VOV.VN -Gia đình, người dân địa phương ùn ùn kéo đến đòi lái xe ô tô bồi thường 400 triệu không cho đặt cọc, gây ách tắc, cản trở giao thông là trái pháp luật

Cả làng “bắt vạ” 400 triệu đồng sau tai nạn ở Sa Pa là phạm pháp
Cả làng “bắt vạ” 400 triệu đồng sau tai nạn ở Sa Pa là phạm pháp

VOV.VN - Ủy ban ATGT nhìn nhận vụ việc người dân đòi bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn giao thông là vi phạm pháp luật và tạo tiền lệ xấu.

Cả làng “bắt vạ” 400 triệu đồng sau tai nạn ở Sa Pa là phạm pháp

Cả làng “bắt vạ” 400 triệu đồng sau tai nạn ở Sa Pa là phạm pháp

VOV.VN - Ủy ban ATGT nhìn nhận vụ việc người dân đòi bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn giao thông là vi phạm pháp luật và tạo tiền lệ xấu.