Vụ sinh viên bị đình chỉ học vì photo giáo trình từ góc nhìn luật sư
VOV.VN -Vụ việc một sinh viên bị đình chỉ học vì photo giáo trình liên quan đến nhiều luật và quy định. Sau đây là phân tích của một số luật sư.
Nhiều ngày nay, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc 1 sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật đình chỉ học vì photo giáo trình. Vấn đề đặt ra là nhà trường có quá nghiêm khắc khi dùng hình thức kỷ luật này? Quy định của nhà trường có đúng luật? Giáo trình được photo có đảm bảo tính sáng tạo để được bảo vệ theo Luật Sở hữu trí tuệ?...
Xung quanh việc 1 sinh viên trường Đại học Luật TPHCM bị đình chỉ học vì photo giáo trình sẽ có nhiều vấn đề tiếp tục được tranh luận và cần làm rõ. (Ảnh: KT)
|
Trong đó, tiếp tục khẳng định việc ra quyết định kỷ luật sinh viên nêu trên có căn cứ cụ thể là: Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, vì photo sách ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành về ban hành nội quy của trường.
Trường này cũng cho rằng: sinh viên N.T.N.A đã nhiều lần photo nhiều giáo trình của nhà trường, không những chỉ để sử dụng cho cá nhân mà còn chuyển giao để người khác tiếp tục sử dụng.
Xét trong bối cảnh việc sao chép bất hợp pháp tài liệu học tập đang diễn ra rất phổ biến, thường xuyên, rất nghiêm trọng, chính nhà trường cũng đã phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến tất cả sinh viên về việc nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ, nhưng trường vẫn phát hiện một số vụ việc và đã có một số hình thức kỷ luật như cảnh cáo, đình chỉ học tập 1 năm.
Hơn nữa, mặc dù bản thân sinh viên cũng đã ý thức được việc làm này là sai, nhưng vẫn cố tình vi phạm nhiều lần thì hình thức kỷ luật này là chính đáng.
Cùng chung quan điểm và những viện dẫn về các luật, quy định được áp dụng trong trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng: “Xử lý vấn đề này phải căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Giáo dục. Chúng ta thấy sinh viên này photo giáo trình để sử dụng vào mục đích học tập dù là 1 bản đi nữa mà không được sự đồng ý của tác giả đó là trường Đại học Luật thì là vi phạm pháp luật. Cho nên, cách xử lý của trường là phù hợp với những quy định của pháp luật”.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật ở Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một giảng viên Luật cho rằng, nhiều người đang nhìn sự việc ở góc độ đồng cảm, sinh viên này nghèo nên em có lý do để photo sách và không đáng bị xử lý như vậy. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận cả từ hai phía, trường và sinh viên.
“Tôi nghĩ rằng, sinh viên Luật thì tôn trọng pháp luật là điều tiên quyết và nhà trường có lý do để xem xét kỷ luật em sinh viên này. Em sinh viên cần xác định mình đúng hay không và sai thì sai như thế nào để có thái độ rõ ràng với hành vi sai của mình để nhà trường cân nhắc, xem xét" – luật sư Đinh Thị Quỳnh Như nói.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: nếu sinh viên sử dụng tài liệu photo thì có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, nhưng cách xử lý cũng phải đúng quy định.
Ông Phạm Hoài Nam cho rằng: “Nếu như có hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả đối với giáo trình, thì trước tiên phải được xem xét xử lý theo những quy định của Luật Hành chính hoặc quy định về dân sự. Còn quy chế của trường thì cũng phải xem xét xem có đúng với quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật liên quan không”.
Xung quanh sự việc này, sẽ có nhiều vấn đề tiếp tục được tranh luận và cần làm rõ như: kiến thức trong giáo trình, tài liệu học tập, giảng dạy thuộc về ai? Cơ sở giáo dục thu học phí từ học viên, nhận tiền từ ngân sách nhà nước để hoạt động thì việc soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu là nghĩa vụ chứ không phải là quyền? Có thể lấy vi phạm về quyền tài sản mà tước quyền học tập của sinh viên hay không?./.
3 học sinh “tè bậy” bị đình chỉ học 6 tháng: Có dấu hiệu hình sự?