Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu
(VOV) -Luật sư Lương Quang Tuấn: “Tòa tuyên, đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.
Theo khởi kiện của ông Trần Xuân Lập: Năm 1992, Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho các hộ dân ven biển, hộ ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cấp sổ Lâm bạ số 02, ngày 10/1/1993, diện tích 36,5ha, thời hạn 50 năm.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên là em vợ ông Lập “có công” giúp gia đình ông Lập hoàn thiện thủ tục để được Nhà nước giao đất rừng.
Anh Trần Xuân Nam chỉ vào khu rừng Nhà nước giao cho hộ ông Trần Xuân Lập (bố anh Nam) trong sổ lâm bạ số 02, ngày 10/1/1993 |
Lợi dụng tình cảm gia đình, ông Nguyên đã giả mạo chữ ký, ký nhận sổ lâm bạ của ông Lập với tư cách chủ hộ.
Sau khi có được sổ lâm bạ trong tay, ông Nguyên đã tự lập 2 Bản Cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất rừng và lại tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Lập để chuyển giao quyền quản lý 36,5ha đất rừng của ông Lập cho chính ông Nguyên.
Năm 2010, khi Nhà nước thực hiện dự án xây dựng đường đi qua diện tích đất rừng cấp cho ông Lập trong sổ lâm bạ, ông Nguyên đã tự nhận là đất của mình để chiếm đoạt tiền bồi thường.
Ông Lập phát hiện việc làm gian dối của ông Nguyên đã làm đơn nhờ Tòa đòi lại quyền sử dụng 36,5ha đất rừng. Ngày 6/1/2010, TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý vụ án; và ngày 27/3/2012, tuyên: Đình chỉ vụ án!.
Phán quyết “có một không hai”
Luật sư Lương Quang Tuấn - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Xuân Lập - nói với phóng viên VOV: “Tôi hành nghề luật sư hơn 10 năm rồi.
Trước đó, 21 năm tôi làm Kiểm sát viên Vụ Kiểm sát điều tra án Trị an - Xã hội của Viện KSNDTC. Tôi đã có 2 năm tham gia vụ án này. Nhưng khi Tòa tuyên: Đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.
Quyết định số 03/2012/QĐST, ngày 27/3/2011 (sự thật là ngày 27/3/2012) của TAND huyện Quỳnh Lưu do Chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp ký, có nội dung: “Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp “Góp vốn đầu tư là quyền sử dụng đất lâm nghiệp”. Quyết định này khiến gia đình nông dân nghèo Trần Xuân Lập không biết mô mà lần.
Rõ ràng cơ quan giao lâm bạ cấp cho (mang tên) ông Lập, anh Nam mà lại giao cho ông Nguyên là bất hợp pháp. Người ta giả mạo chữ ký mà vẫn giao sổ lâm bạ cho người ta là vi phạm pháp luật. Và vì thế mới sinh ra biết bao hệ lụy phức tạp. Hành vi của ông Nguyên đã có dấu hiệu hình sự theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Tôi đề nghị việc này phải làm đến nơi đến chốn.
Nguyên Kiểm sát viên Vụ Kiểm sát điều tra án Trị an - Xã hội của Viện KSND Tối cao - luật sư Lương Quang Tuấn
May mà luật sư Lương Quang Tuấn đã vào cuộc, giúp gia đình ông Lập có đơn kháng cáo, đồng thời có văn bản kiến nghị gửi TAND tỉnh Nghệ An vạch ra những sai trái “có một không hai”.
Một là, sau hơn 2 năm trời thụ lý giải quyết vụ án, với nhiều lần xử rồi hoãn, vụ án vẫn mang tên: “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản” theo đơn khởi kiện của ông Lập và Thông báo thụ lý vụ án ngày 7/1/2010 của TAND huyện Quỳnh Lưu, đùng một cái, vào ngày 27/3/2012 (sau hơn 2 năm) TAND Quỳnh Lưu ra Quyết định đình chỉ “vụ án kinh doanh thương mại, góp vốn đầu tư là quyền sử dụng đất lâm nghiệp”.
Thực ra, Tòa không hề ngây ngô trong việc này, bởi vì, chỉ có cho rằng quan hệ tranh chấp trong vụ án khác với quan hệ tranh chấp trong đơn khởi kiện thì Tòa mới có lý do đình chỉ.
Tuy nhiên, tại Quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An (sau này) đã chỉ rõ sai trái của TAND huyện Quỳnh Lưu: “HĐXX khi có căn cứ xác định quan hệ tranh chấp khác với quan hệ tranh chấp ban đầu thì phải tiếp tục xét xử và hướng dẫn đương sự rút đơn khởi kiện để khởi kiện một vụ kiện khác, nếu đương sự không rút đơn thì phải ra bản án tuyên bác yêu cầu khởi kiện và hướng dẫn cho đương sự khởi kiện vụ kiện khác theo qui định của pháp luật”. Không hiểu sao, suốt hơn 2 năm trời thụ lý, TAND huyện Quỳnh Lưu lại không làm như thế?
Hai là, theo luật sư Lương Quang Tuấn, Quyết định đình chỉ vụ án có dấu hiệu của hành vi cố ý ra quyết định trái pháp luật của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa. Bởi thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp biết rất rõ nội dung vụ án, lại vừa được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, không thể nói là yếu kém về trình độ đến mức không nhận biết được quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông Lập và ông Nguyên. Quyết định đình chỉ vụ án trái pháp luật này đã gây tốn kém tiền của, công sức của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn...
Ba là, luật sư Lương Quang Tuấn khẳng định, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đều xác định ông Nguyên đã dùng các thủ đoạn gian dối, giả mạo giấy tờ, chiếm đoạt quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà Nhà nước đã cấp cho ông Lập. Nhưng sự giả mạo này đã không được xem xét đến nơi đến chốn.
Bốn là, luật sư Lương Quang Tuấn có kiến nghị bằng văn bản, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Quỳnh Lưu không biết vì động cơ gì đã hai lần cố ý lái vụ án từ quan hệ dân sự sang quan hệ kinh doanh thương mại để “đình chỉ giải quyết” cho bằng được?
Và, quyết định “đình chỉ giải quyết” của TAND huyện Quỳnh Lưu là hoàn toàn có lợi cho ông Lê Duy Nguyên, nguyên Đại biểu Quốc hội, Giám đốc doanh nghiệp.
Sau phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An
Nhận được kiến nghị của luật sư và kháng cáo của nguyên đơn, TAND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 01/2012/QĐKDTM-PT ngày 25/7/2012 khẳng định: “Quyết định đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật tố tụng dân sự”, và quyết định: “Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 03/2012/QĐST ngày 27/3/2012 của TAND huyện Quỳnh Lưu, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo qui định”.
Phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An cho thấy thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp đã ra một quyết định vi phạm pháp luật. Hiện ông Hồ Ngọc Tiếp đang là Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, nơi tiếp tục xét xử vụ án tranh chấp đất rừng giữa ông nông dân nghèo Trần Xuân Lập và ông chủ doanh nghiệp, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên. Như “chim bị đạn sợ làn cây cong”, gia đình nông dân Trần Xuân Lập đang mang nặng nỗi lo về sự không khách quan của Tòa trong phiên xử sắp tới. Mong sao đó là nỗi lo không có thật./.
Nguyên Kiểm sát viên Viện KSND Tối cao - luật sư Lương Quang Tuấn: “Tôi ngớ người ra vì phán quyết của Tòa”
Trả lời VOV, Luật sư Lương Quang Tuấn không chỉ ngạc nhiên về phán quyết của Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND huyện Quỳnh Lưu, mà còn tiếp tục đề nghị: Hành vi giả mạo của ông nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên đã có dấu hiệu phạm pháp hình sự, cần được xử lý đến nơi đến chốn.
** Là luật sư tham gia phiên tòa kéo dài hơn 2 năm, cảm giác của ông như thế nào khi nghe Tòa tuyên: Đình chỉ giải quyết vụ án?
Tôi hành nghề luật sư được hơn 10 năm rồi. Trước đó, 21 năm tôi làm kiểm sát viên của Vụ Kiểm sát điều tra án Trị an - Xã hội của Viện KSND Tối cao. Tôi đã có 2 năm tham gia vụ án này, khi nghe HĐXX TAND huyện Quỳnh Lưu tuyên “Đình chỉ vụ án…”, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi... vì quyết định đó không có cơ sở, căn cứ pháp luật. Không biết tại sao các cấp chính quyền và Tòa án huyện Quỳnh Lưu lại bảo vệ cho ông Nguyên? Tôi không hiểu họ làm ăn kiểu gì, tôi chưa từng thấy cách giải quyết vụ án nào như vậy.
**Vì sao luật sư cho rằng, quyết định đình chỉ của Tòa là không có cơ sở?
Luật sư trao đổi với phóng viên Báo VOV |
Thứ nhất, theo Điều 194 Bộ luật Tố tụng Dân sự, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu có căn cứ theo luật định, và trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đằng này, thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp lại chờ mở phiên tòa xét xử để HĐXX ra quyết định tuyên đình chỉ vụ án.
Thứ hai, quyết định đình chỉ vụ án sai cả về nội dung lẫn hình thức. Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản trên đất, TAND huyện Quỳnh Lưu cũng xác định đúng quan hệ tranh chấp như thế trong thông báo thụ lý lại vụ án và quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng HĐXX lại ra quyết định đình chỉ vụ án về đầu tư góp vốn kinh doanh thương mại. Trong khi trước đó, TAND huyện Quỳnh Lưu đã chuyển vụ án lên TAND tỉnh Nghệ An vì xác định quan hệ tranh chấp là kinh doanh thương mại, hồ sơ vụ án đã bị trả lại vì TAND tỉnh Nghệ An không chấp nhận là vụ án kinh doanh thương mại. Ngoài ra, quyết định ban hành năm 2012 mà lại ghi là năm 2011, là sự tắc trách và vô trách nhiệm của HĐXX phiên tòa ngày 27/3/2012.
** Cơ sở nào luật sư nhận định, các cấp chính quyền bảo vệ ông Nguyên?
Trên cơ sở hồ sơ vụ án, cùng các ý kiến tranh luận tại tòa, cho thấy sổ lâm bạ rõ ràng không có tên của ông Lê Duy Nguyên. Ông Nguyên thừa nhận đã làm giả giấy tờ và ký giả mạo tên của ông Nam, Lập, Ngoạn trong hai bản cam kết giao quyền quản lý đất rừng ngày 10/3/1993 cho mình, có công chứng của phòng Công chứng số 1 Nghệ An.
Ông Nguyên nói, Nhà nước giao cho ông Nguyên thể hiện qua các chữ ký và con dấu chứng nhận của xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu trong các bản cam kết, nhưng việc lập Biên bản bàn giao hồ sơ lâm bạ và thực địa đất rừng, đầy dấu hiệu giả mạo. Ba sổ lâm bạ với trên 160 ha rừng mà bàn giao chỉ trong 1 ngày là xong và lại bàn giao vào đúng ngày 29 Tết Âm lịch là ngày nghỉ. Chỉ riêng 36ha rừng, đo bằng máy, đi cắm cọc tiêu còn hết cả một ngày, nữa là hồi đó giao đất rừng chưa có máy, đo bằng dây mà chỉ trong một ngày mà đo xong hơn 160ha đất rừng ư? Người đi giao đất rừng là ông Trần Sỹ Mỹ thời điểm đó chưa làm việc ở Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu mà đang làm bí thư chi bộ xóm thì làm sao ông Mỹ có quyền đi giao đất rừng? Điều này thể hiện rõ trong lý lịch Đảng viên của ông Mỹ. Tóm lại, từ đầu đến cuối, ông Nguyên chỉ toàn làm giả giấy tờ, giả mạo chữ ký, vậy mà các cơ quan pháp luật ở Nghệ An làm ngơ, các cấp chính quyền thì ủng hộ việc làm của ông Nguyên, ký xác nhận, đóng dấu vào giấy tờ giả mạo cho ông Nguyên, thật là không thể hiểu nổi!
** Được biết, bố con ông Lập đã có đơn tố cáo tới cơ quan công an về việc giả mạo của ông Nguyên, nhưng không được xem xét, nay cơ quan công an lại điều tra về việc ông Nam có sổ lâm bạ. Ông nhận định việc này thế nào?
Tôi thấy các cơ quan chức năng làm việc này là có hai vấn đề. Thứ nhất, hiện nay cơ quan Công an yêu cầu anh Nam tường trình vì sao lại có sổ lâm bạ mang tên anh Nam. Theo quan điểm của tôi, anh Nam và ông Lập nhận được sổ lâm bạ là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Bởi lẽ, Sổ lâm bạ số 02 cấp cho hộ gia đình ông Trần Xuân Lập có tên, tuổi, chứng minh thư, địa chỉ cụ thể, hộ khẩu rõ ràng. Về nguyên tắc, sổ lâm bạ mang tên ai thì người đó nhận. Còn nội dung ai cấp không đúng lại là một việc hoàn toàn khác. Thứ hai, theo như ông Nguyên tường trình thì các ông họp với nhau rồi thống nhất xin đất, ông Lập, anh Nam, ông Ngoạn đều làm đơn. Sau đó, khi biết có sổ lâm bạ, ông Nguyên đã không cho ông Lập, anh Nam biết, tự đến UBND huyện Quỳnh Lưu lấy, đồng thời tự tay ký nhận luôn. Rõ ràng cơ quan trao lâm bạ cấp cho ông Lập, anh Nam mà lại trao cho ông Nguyên là bất hợp pháp. Người ta giả mạo chữ ký mà vẫn trao sổ lâm bạ cho người ta là vi phạm pháp luật. Và vì thế mới sinh ra biết bao hệ lụy phức tạp. Hành vi của ông Nguyên đã có dấu hiệu hình sự theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Tôi đề nghị việc này phải làm đến nơi đến chốn.
** Ông có nhận thấy rằng cơ quan công an đã làm ngược hay không?
Rõ ràng là làm ngược và thực sự không khách quan. Điều tra xác minh anh Nam là nhằm mục đích gì? Anh Trần Xuân Nam có sổ lâm bạ được Nhà nước cấp cho anh ấy thì sai phạm gì? Ngược lại, ông Nguyên làm giả giấy tờ, giả chữ ký của bố con ông Lập và nhờ đó có trong tay sổ lâm bạ, cam kết giao quyền quản lý đất rừng của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có cần điều tra, xử lý hay không? Đó là những dấu hỏi để các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu trả lời.
Xin cảm ơn ông!
Chính Tâm thực hiện