Vụ công an xã đánh chết người:Có dấu hiệu vi phạm tố tụng
VOV.VN -Tòa Hà Nội tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra lại do thấy có dấu hiệu vi phạm tố tụng
Đánh bố ngay trước mặt con
Phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là cán bộ Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội sáng 8/5 thu hút sự quan tâm của dư luận.
Khoảng 8h30’, các bị cáo mới được dẫn giải lên phòng xét xử. Ngoài phòng xử, gia đình bị cáo cũng như người dân ở xã Kim Nỗ đứng chật cứng.
Gần 9h, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Lê Thị Hợp bắt đầu công bố quyết định đưa vụ án giết người xảy ra ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội ra xét xử.
Dẫn giải bị cáo lên phòng xét xử |
Mở đầu phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị triệu tập giám định viên đến tòa. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư được đại diện VKS trả lời rằng, biên bản giám định đã rõ ràng không cần phải triệu tập thêm.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định không cần phải triệu tập giám định viên và rằng, lúc xét xử, thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm.
Mở đầu phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội công bố bản cáo trạng. Sau phần công bố cáo trạng, bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên phó công an xã) là người đầu tiên đứng lên vành móng ngựa trả lời câu hỏi của HĐXX.
Tại tòa, Tuyên khai, ngày 30/8/2012, sau khi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đức Vọng (Trưởng Công an xã Kim Nỗ), Tuyên lên cơ quan. Đến nơi Tuyên đã thấy ông Nguyễn Mậu Thuận – người bị tố cáo là đánh người gây thương tích trước đó đang ngồi ở ghế trong phòng làm việc của Tuyên.
“Lúc đó ông Thuận tay bị khóa. Trong phòng làm việc có Nguyễn Trọng Kiên, Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức (công an viên). Tại đây, ông Vọng bảo bị cáo chỉ đạo anh em làm việc”, Tuyên khai.
Theo lời Tuyên, lúc vào phòng bị cáo đã thấy ghế bị đổ. Bị cáo đã nhắc nhở anh em thay ghế cho ông Thuận ngồi. “Một lúc sau, bị cáo ra ngoài thì nghe tiếng ông Thuận kêu”, Tuyên nhớ lại.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc, với tư cách là phó công an xã, thấy cấp dưới đánh dân bị cáo có ý kiến gì không? “Bị cáo đã thu dùi cui cất lên nóc tủ, đỡ ông Thuận dậy. Lúc đó ông Thuận vẫn bình thường”, Tuyên nói.
Khi Tuyên bắt đầu làm việc với ông Thuận, ông này nói rằng không đánh ai. Ông Thuận còn đe: “Ông cho chúng mày đi tù”. “Nghe vậy bị cáo đánh ông Thuận 5 cái vào đùi”, Tuyên thành khẩn.
Người thân bị hại đến chật kín phiên tòa |
Cũng theo lời của bị cáo Tuyên, lúc này trông ông Thuận không được bình thường, mệt mỏi, Tuyên nghĩ rằng, lúc đó ông Thuận đang say rượu. Thấy ông Thuận thể trạng không bình thường, Tuyên lấy dầu xoa vào chân, tay, rồi gọi điện báo cáo sự việc với ông Vọng đồng thời gọi cán bộ y tế. Sau khi kiểm tra, cán bộ y tế đã đưa ông Vọng đi cấp cứu.
Trả lời HĐXX về lời khai trong hồ sơ nói rằng, ông Vọng – Trưởng Công an xã có sang kiểm tra tình hình thì bị cáo Tuyên khai rằng, thời điểm đó, bị cáo không để ý, nhưng ông Vọng có gọi điện thoại chỉ đạo đối với việc xác minh và lấy lời khai của ông Thuận.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Trọng Kiên – nguyên công an viên xã Kim Nỗ cho rằng, cáo trạng truy tố có chỗ chưa đúng. Theo lời bị cáo, khi được Tuyên gọi lên trụ sở thì Kiên đã thấy ông Vọng và Tuyên ngồi trong phòng làm việc. 5 phút sau, ông Thuận được đưa đến. Đi cùng ông Thuận, ngoài hai công an viên còn có anh Nguyễn Mậu Công (SN 1979, con trai ông Thuận).
Kể lại diễn biến thời điểm đó, Kiên cho biết: “Lúc đó, ông Thuận lớn tiếng chửi bới, bị cáo đã khóa tay ông Thuận vào ghế trong phòng làm việc của Tuyên. Được một lúc phó công an xã Hoàng Ngọc Tuyên đến. Tuyên bảo bị cáo đánh ông Thuận”.
“Sau đó bị cáo đi xác minh, về thấy ông Thuận đã nằm trên giường. Trong khi đó Tuyên khai bị cáo ngồi từ đầu đến cuối là không đúng”, Kiên nói.
Tiếp tục đi sâu vào vai trò của Trưởng Công an xã trong vụ việc, HĐXX đặt câu hỏi về với Kiên: “Lúc đánh có ông Vọng đó không?” – Lúc đó không có ông Vọng. Ông Vọng đã về phòng làm việc”, bị cáo Kiên cho biết.
Khai tại tòa, bị cáo Đoàn Văn Tuyến kể lại, thời điểm đó, ông Thuận bị khóa chân, tay. Tuyên bảo bị cáo đứng sau giữ ghế, bị cáo nói “chú ấy say rượu đánh không biết gì đâu”. Bị cáo Tuyên cũng cho biết, có thời điểm, khi ông Thuận bị đánh, cũng có mặt anh Công – con trai ông Thuận.
Bị cáo khai bị ép cung?
Làm rõ một số mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra, chủ tọa phiên tòa, bà Lê Thị Hợp nhấn giọng hỏi: “Lời khai ở cơ quan điều tra có đúng không?”.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Bị cáo Đoàn Văn Tuyến nói: “Điều tra viên nói, bị cáo chỉ là nhân chứng, cứ khai theo lời khai của Tuyên – phó công an xã”.
Tiếp tục lật lại bút lục trong hồ sơ vụ án, bà Lê Thị Hợp tiếp tục đặt đưa ra nhiều dẫn chứng về lời khai của Tuyến: “Tại cơ quan điều tra, đã lấy rất nhiều lời khai của bị cáo, có cả luật sư tham gia?”. Bị cáo Tuyến khẳng định với HĐXX rằng: “Không có sự tham gia của luật sư trong lấy lời khai của bị cáo”.
Chủ tọa tiếp tục đưa ra dẫn chứng, tại bút lục ngày 1/4/2013, có luật sư vào chứng kiến việc lấy lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra. Bị cáo Tuyến nói rằng: “Luật sư chỉ gặp ngoài hành lang. Lúc ở phòng lấy lời khai không có luật sư”.
Liên tiếp đặt vấn đề với các bị cáo Tuyên, Kiên, Thức về việc lấy lời khai tại cơ quan điều tra, cả 3 bị cáo đều phủ nhận việc không có luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra. Tại tòa, bị cáo Thức còn khẳng định rằng, mình bị ép cung.
Trước những thông tin đưa ra tại phiên tòa, HĐXX tuyên bố nghỉ hội ý. Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa bà Lê Thị Hợp tuyên bố: “Sau khi xét hỏi tại phiên tòa, với lời khai của các bị cáo cho thấy, quá trình điều tra có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì thế, HĐXX quyết định trả hồ sơ, điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo”./.
Khoảng 12h30’ ngày 30/8/2012, Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo, ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) dùng gạch đánh người gây thương tích. Lực lượng công an xã đưa ông Thuận lên trụ sở làm việc.
Tại trụ sở, ông Thuận đã có những lời lẽ chửi bới, lăng mạ lực lượng công an xã. Công an xã đã dùng còng số 8 cưỡng chế, đồng thời đã đánh ông Thuận dẫn đến việc ông Thuận bị tử vong.
Liên quan đến vụ án có 4 bị cáo gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980 – nguyên phó trưởng Công an xã), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) – đều là công an viên. Tất cả đề trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội. 4 bị cáo bị truy tố về tội Giết người.