Vụ mua 5 quả trứng vích bị phạt hơn 1 tỷ đồng: Do mơ hồ pháp luật?

VOV.VN - Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể và có rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt về việc mua bán, tiêu thụ trái phép động vật quý hiếm nhưng vẫn còn một số người dân chưa biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Cuối tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xét xử các đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp và một đối tượng môi giới về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. 

Trước đó, vào tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, Lê Thị Chi (SN 1992, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhờ Phạm Anh Tuấn (SN 1997, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển.

Thông qua Tuấn, Lương Kiều Tính (sinh năm 1980, trú tại phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) – được biết đến là đối tượng chuyên buôn bán trái phép trứng rùa biển đã bán cho Chi 5 quả trứng rùa biển với giá 250.000 đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh năm 1975, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cất số trứng này vào vali của bà Hoa để đưa về đất liền. Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ tại Cảng Hàng không Côn Đảo. 4 trong 5 quả trứng trên được xác định là trứng vích (rùa biển).

Cụ thể đối tượng Lương Kiều Tính (cung cấp trứng vích- trứng rùa biển) nhận bản án 12 tháng tù. Đỗ Thị Lệ Hoa cùng con dâu Lê Thị Chi (mua trứng vích- trứng rùa biển) bị xử phạt lần lượt 500 triệu đồng và 550 triệu đồng. Tài xế taxi Phạm Anh Tuấn (môi giới bán trứng vích - trứng rùa biển) nhận bản án 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách 24 tháng.

Vụ việc này không phải hi hữu. Trước đó vào năm 2017, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo đã đưa ra xét xử đối tượng Lâm Trường Xuân, Đặng Hoàng Đức và Thái Thanh Tài về tội vi phạm các quy định về bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 quả trứng vích (rùa biển). Đây là lần đầu tiên, một vụ án buôn bán trứng vích (rùa biển) được đưa ra xét xử. Theo đó, tòa phạt cải tạo không giam giữ 12 tháng đối với Thái Thành Tài và 9 tháng đối với Đặng Hoàng Đức, còn Lâm Trường Xuân bị phạt tiền 50 triệu đồng.

Cùng năm 2017, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Tân 18 tháng tù về hành vi vận chuyển 116 quả trứng vích (rùa biển). 

Năm 2018, TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải 5 năm 6 tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển. Đây được coi là vụ án có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên toàn thế giới.

Hay vào năm 2019, TAND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã tuyên phạt Trần Thị Cúc (37 tuổi) và chồng là Võ Ngọc Trung lần lượt 2 năm tù và 3 năm 6 tháng tù giam. Trước đó, tại nhà riêng của 2 đối tượng, công an và kiểm lâm bắt quả tang gia đình này đang tàng trữ 60 quả trứng vích, 4,5kg trứng non vích và hơn 80kg thịt vích. 

Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể và có rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt nhưng trên các trang mạng xã hội khi được hỏi vẫn nhiều người không biết rằng, những hành vi tiêu thụ, buôn bán trứng vích (rùa biển) là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt nặng. 

Người dân còn mơ hồ về pháp luật?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng đại diện văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam có quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để đảm bảo tồn nguồn gen, duy trì sự sống của các loài này theo luật pháp quốc tế và chính sách bảo tồn thiên nhiên.

Bởi vậy, những hành vi xâm phạm đến các loài động vật hoang dã thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự.

Theo đó, vích (Chelonia mydas) là một trong năm loài rùa biển có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, vích được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Huyện đảo Côn Đảo tự hào là “bãi đẻ” lớn nhất của vích tại Việt Nam. Mỗi năm, có hàng trăm cá thể vích đến các bãi biển ở Côn Đảo để đẻ trứng.

Liên quan đến vụ mua 5 quả trứng vích, luật sư Cường cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên các đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 244 bộ luật hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2kg đến dưới 20kg; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 1kg;

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 cá thể đến 7 cá thể lớp thú, từ 7 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Do vậy, theo luật sư Cường, hành vi của các đối tượng nêu trên là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến động vật hoang dã được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ nên việc xử lý hình sự là có căn cứ. Hành vi phạm tội là bắt quả tang nên cơ quan tiến hành tố tụng có đầy đủ chứng cứ để buộc tội.

Trong vụ việc, mua bán 5 quả trứng vích, luật sư Cường nêu quan điểm, đối tượng mua trứng, đối tượng bán trứng, đối tượng vận chuyển đều nhận thức được đây là trứng rùa biển nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi mua bán nên việc xử lý hình sự là có căn cứ.

Dó đó, đây là vụ án hình sự xử lý đối với nhiều đối tượng. Theo đó, có đối tượng bị phạt tù, có đối tượng bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, ngoài ra có hai đối tượng bị áp dụng hình phạt là phạt tiền với số tiền trên 500.000.000 đồng/ 1 bị cáo. Theo quy định của pháp luật thì mức phạt tiền trong trường hợp này thấp nhất là 500 triệu đồng, cao nhất là 2 tỷ đồng đối với một đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Mức hình phạt tiền mà tòa án sơ thẩm áp dụng như vậy là có phần khoan hồng. Ngoài ra đối tượng chủ mưu cầm đầu, vai trò chỉ có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất tới 5 năm tù theo khoản 1. điều 244 Bộ Luật hình sự.

Luật sư Cường khẳng định, cơ quan tiến hành tố tụng chưa có căn cứ để xác định các đối tượng này phạm tội nhiều lần nên chị xử lý ở khoản 1. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các bị cáo phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức hoặc với số lượng lớn thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Việc xử lý trong những trường hợp này là cần thiết để bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật của công dân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi tố đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm
Khởi tố đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

Thái Văn Sơn bị Công an huyện Yên Thành khởi tố về hành vi vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Khởi tố đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

Khởi tố đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

Thái Văn Sơn bị Công an huyện Yên Thành khởi tố về hành vi vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Bắt 2 đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm
Bắt 2 đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm

VOV.VN - Ngày 20/4, Trạm Cảnh sát Giao thông (CSGT) Diễn Châu thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa bắt 02 đối tượng về hành vi vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm; thu giữ 03 cá thể tê tê.

Bắt 2 đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm

Bắt 2 đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm

VOV.VN - Ngày 20/4, Trạm Cảnh sát Giao thông (CSGT) Diễn Châu thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa bắt 02 đối tượng về hành vi vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm; thu giữ 03 cá thể tê tê.

Nhận án hơn 5 năm tù vì tàng trữ tiêu bản động vật hoang dã quý hiếm
Nhận án hơn 5 năm tù vì tàng trữ tiêu bản động vật hoang dã quý hiếm

VOV.VN - TAND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) vừa tuyên phạt một đối tượng mức án 5 năm 6 tháng tù về hành vi tàng trữ trái phép các tiêu bản động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Nhận án hơn 5 năm tù vì tàng trữ tiêu bản động vật hoang dã quý hiếm

Nhận án hơn 5 năm tù vì tàng trữ tiêu bản động vật hoang dã quý hiếm

VOV.VN - TAND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) vừa tuyên phạt một đối tượng mức án 5 năm 6 tháng tù về hành vi tàng trữ trái phép các tiêu bản động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.