"Xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội vụ án Vinalines"
VOV.VN -Dư luận mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, tạo niềm tin cho nhân dân.
Bắt đầu từ ngày mai (12/12), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trước phiên tòa này, dư luận mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, tạo niềm tin cho nhân dân.
Dương Chí Dũng (ảnh) |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với 10 bị can bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc các bị cáo cố ý làm trái gây thiệt hại 366 tỉ đồng, tham ô tài sản hơn 28 tỉ đồng.
Trong đó bị can Dương Chí Dũng hưởng 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc hưởng 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn hưởng gần 6 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng xác định, các bị can trong vụ án có nghĩa vụ bồi thường số tiền 339 tỉ đồng.
Phiên tòa này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi đây là 1 trong 10 vụ án tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian gần đây. Dư luận mong muốn, tòa án sẽ xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đủ sức răn đe đối với người có hành vi phạm tội.
Anh Phùng Tiến Thanh, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc cho rằng: “Đây là vụ án hết sức nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận, mất niềm tin trong nhân dân đối với một bộ phận lãnh đạo, gây thất thoát tiền của của nhà nước và của nhân dân. Tôi mong rằng trong phiên xét xử ngày mai cần xét xử công bằng, để răn đe người lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, tham nhũng”.
Ông Vũ Đình Khoa, quận Đống Đa, Hà Nội đề nghị bên cạnh việc xét xử đúng người đúng tội, cần yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại để tránh thất thoát lãng phí tiền của Nhà nước.
“Tôi thấy rằng nếu xét xử vụ án này thì đây là một trong những biện pháp răn đe những người có ý tưởng tham ô, tham nhũng. Vấn đề là phải xử nghiêm và phải có bồi thường. Sau vụ án này đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa, đặc biệt có sự hướng dẫn và chỉ đạo thật sát sao để các cấp, các ngành thực hiện tốt việc phòng, chống tham nhũng theo nghị quyết Quốc hội đã đề ra”, ông Khoa cho biết.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng để đưa vụ án ra xét xử sớm: “Mong rằng trong quá trình xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như HĐXX xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các tài liệu chứng cứ và có mức hình phạt phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi. Để vừa có tính chất răn đe, vừa có tính giáo dục chung cho toàn xã hội, góp phần đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong thời gian tới”.
Dự kiến, phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày mai 12/12/2013./.