Xử vụ tham nhũng ở Vinalines: Các bị cáo đùn đẩy trách nhiệm
VOV.VN -Tại tòa, các bị cáo nguyên lãnh đạo Vinalines không ai nhận trách nhiệm trong thương vụ 83M.
Trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng khai rằng, Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ năm 2006 khi bị cáo còn là Tổng Giám đốc của Vinalines.
Sau khi lên làm Chủ tịch HĐQT của Vinalines, vai trò trình, duyệt Dự án được bàn giao cho Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc.
Đối với việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng nói rằng rất cần thiết cho nhà máy. Việc mua 83M bị cáo không chỉ đạo, không định hướng mà giao cho Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc thực hiện.
Việc thành lập đoàn khảo sát sang Nga để kiểm tra ụ nổi cũng không phải do Dũng quyết định.
HĐXX phiên tòa (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Trước và sau khi đoàn khảo sát đi Nga đều đến gặp Dũng nhưng Dũng nói rằng, đấy là việc chào hỏi bình thường.
Sau chuyến khảo sát, Trần Hữu Chiều về báo cáo với Dương Chí Dũng việc ụ nổi 83M hỏng ít, có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng.
Do vậy, tại phiên tòa, Dũng cho rằng, tất cả những gì liên quan đến ụ nổi 83M đều do Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc điều hành. “Bị cáo không can thiệp vào việc của anh em”, bị cáo Dũng khẳng định.
Dũng cũng thú nhận, hiện cũng không biết tình trạng ụ nổi như thế nào. Trước khi bị thanh tra vào cuộc, Dương Chí Dũng mới chỉ 1 lần đến “thăm” ụ nổi.
Xảy ra cơ sự này, bị cáo Dũng chỉ nhận rằng, mình thiếu trách nhiệm nhưng Dương Chí Dũng lại biện minh “Bị cáo không cố ý làm trái”.
Liên quan đến 83M, trả lời tại phiên tòa, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines nói rằng, mình chỉ mới vào ngồi ghế Tổng giám đốc được 2 tháng. Tất cả những gì liên quan đến ụ nổi hoàn toàn dựa vào cơ quan tham mưu trong đó chủ yếu dựa vào báo cáo của Trần Hữu Chiều – Trưởng ban quản lý dự án – Phó Tổng giám đốc Vinalines thời điểm đó.
Bị cáo cũng giải thích, không thực hiện thủ tục chào giá, đầu thầu mua ụ nổi, dù biết những quy định này nhưng mảng nội dung này do Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều phụ trách nên chỉ làm theo. Trần Hữu Chiều giải thích không có lựa chọn nào khác, chỉ 83M là phù hợp và tốt nhất.
“Khi tôi hỏi có gặp được chủ sở hữu của ụ nổi không thì đoàn khảo sát cho biết, đối tác từ chối đàm phán trực tiếp vì đã bán trước cho công ty AP. Tôi hỏi lại, phía Nga trả hoa hồng cho AP thế nào thì cả 3 anh Triều, Khang, Sơn bật cười. Tôi còn nhớ rất rõ thái độ của họ lúc đó và trong ngành tôi cũng hiểu, Triều đáp “việc đó ai người ta nói với mình”, Phúc thuật lại.
Khảo sát ụ nổi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Một trong vấn đề đáng quan tâm là việc khảo sát ụ nổi của nhóm khảo sát gồm 5 người trong đó Trần Hữu Chiều với vai trò là người đứng đầu.
Một tình tiết tại phiên tòa cho thấy, các bị cáo đã xem thường việc khảo sát 83M như thế nào khi đoàn khảo sát đến quan sát ụ nổi, ông Goh “biểu diễn” bằng việc đưa chiếc “ca nô” vào để vận hành việc nâng lên, đặt xuống của ụ nổi. Tuy nhiên, tại phiên tòa, hai bị cáo trong đoàn khảo sát lại khẳng định khác nhau.
Bị cáo Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều cho biết, đến ụ nổi thì thấy đó là một chiếc ca nô. Song Mai Văn Khang bác bỏ và nói rằng: “Bị cáo có chứng kiến hoạt động của ụ nổi, xem hạ thuỷ một tàu cá nhỏ chứ không phải ca nô”.
Khi “đống sắt vụn” 83M chưa kết thúc việc bơm nước để nổi lên, cả đoàn khảo sát đã lần lượt đi về. Họ còn nói với nhau rằng: “Nó sẽ nổi lên thôi”.
Về việc có hay không sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng trong việc mua ụ nổi, bị cáo Trần Hữu Chiều cho biết, không có ai chỉ đạo việc phải mua ụ nổi No 83M. Song vị chủ tọa công bố lời khai của bị cáo này tại cơ quan điều tra: “Trước khi đi 1 tuần, Phúc chỉ đạo làm sao phải mua được ụ nổi này và mua qua AP. Tôi nói lại, ở Nga tình hình đang phức tạp, mua qua AP cho an toàn”. Bị cáo Chiều im lặng./.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ là đi càng xa Hà Nội càng tốt. Bây giờ bình tĩnh lại thấy việc bỏ trốn là sai lầm, dở nhất”, bị cáo Dương Chí Dũng nói.