Độc đáo những tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ
VOV.VN - Có rất nhiều ký ức thuở học trò của thế hệ 7x, 8x hay 9x đời đầu gắn liền với những cửa tiệm văn phòng phẩm ngay gần trường.
Ở đó ta có thể mua vội cuốn vở hay cái bút nếu trót lỡ quên, ở đó có bà chủ tiệm nhớ từng cuốn truyện, tờ báo ta đang theo dõi…, và ở đó không đơn thuần chỉ là sự mua và bán.
Có thể đó chính là điều khiến không ít người như tôi vẫn muốn tìm thấy sự tồn tại của những cửa tiệm văn phòng phầm kiểu cũ như thế ở Hà Nội….
“Vì nó gợi lại những ký ức tốt đẹp của thế hệ 7x, 8x, và 9x đời đầu. Đến đấy thì rất là thích vì như tìm lại kỷ niệm ấy chứ không hẳn phải mua đồ…” - Chị khách hàng của một cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Quán Thánh đã vui vẻ chia sẻ về thói quen thú vị này khiến tôi thấy ấn tượng.
Chợt nhận ra đúng là bây giờ phần lớn học sinh, trẻ con đều được ba mẹ đưa vào các cửa hàng, nhà sách hiện đại, nhiều thứ hấp dẫn trong các khu trung tâm sầm uất để mua sắm đồ dùng học tập, kết hợp vui chơi chứ không còn nhiều người chọn tìm đến những tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ nữa.
Đó là những tiệm hàng nhỏ nhỏ ngay mặt tiền các con phố cũ rất đẹp, gần các trường học lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội như phố Hàm Long, Quán Thánh…
Cộng đồng dân cư sinh sống trên con phố này phần lớn cũng là những người đã sinh sống lâu đời Hà Nội, từ sau năm 1945 hoặc 1975 nên những cửa tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ còn tồn tại được đến bây giờ và duy trì được nếp phong cách gần như không có nhiều sự thay đổi.
Vẫn là một không gian mặt tiền của ngôi nhà cũ được tận dụng để bán các đồ thiết yếu cho học sinh, đủ các loại đồ bày bán được sắp xếp một cách gọn gàng, sạch sẽ, rất dễ nhìn, dễ lấy…
Trước sự thay đổi lớn về nhu cầu tiêu dùng, những tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ hiện nay không còn nhiều, thậm chí như trên phố Hàm Long cũng chỉ còn duy nhất một cửa tiệm, dù ở ngay giữa phố nhưng vẫn nằm lọt thỏm giữa biết bao cửa hàng, bảng hiệu san sát, bắt mắt khác.
Lợi nhuận của một cửa tiệm văn phòng phẩm này không hề nhiều, và để duy trì thì người chủ cửa hàng cũng phải lọ mọ cả ngày, nhưng cũng có cái vui lắm. Ấy là cái vui hồn hậu của bà chủ cửa tiệm văn phòng phẩm trên phố Hàm Long, đã ngoài 70 tuổi chia sẻ khi trò chuyện cùng tôi:
"Cũng có người hỏi thuê nhưng không cho thuê, một là mình chạy ra chạy vào trông nom bà chị gái. Mình ngoài 70 rồi, làm được cái gì bây giờ.
Bây giờ nhiều lúc cũng phải nghe để biết sở thích của các cháu, ví dụ chúng nó thích campus thì mình phải mua campus, tụi nó thích vở dầy Hồng Hà thì lại lấy của Hồng Hà…, bút cũng thế…lãi liếc không đáng kể.
Cứ lọ mọ suốt ngày thế này,tối ví dụ 9h mình đóng cửa, 10h chưa chắc đã đi ngủ, sáng mai đã 6h lại dậy rồi, lọ mọ suốt cả ngày không được nghỉ..
Phần lớn các cháu đi làm về nó lại qua mua truyện. Nhiều học sinh ở Ngô Sĩ Liên từ hồi cấp 2 mà giờ chúng nó có khi phải bằng trạc tuổi con tôi, hơn 40 , có vợ có con rồi mà vẫn quay lại đây".
"Quý quá ạ, thế hệ chúng cháu vẫn thích quay trở lại cửa hàng như của nhà cô, vì thấy bao nhiêu năm vẫn thế, cảm giác không có sự thay đổi rất là thích".
"Có những đứa tết nào nó cũng đến, có những tết nó đến lì xì, ví dụ có khi mình không có sách nhưng nó bảo nó thiếu quyển này thì mình vẫn cố công tìm cho nó , cho nó đủ bộ, cũng có cái vui. có những cái mình bảo ngay nếu không có thì cứ dặn đi rồi bà lấy hộ. Có những hôm mình đi rất xa mà vô tình có đứa đi cùng gia đình, nó nói Cháu chào bà, giờ nó lớn rồi mà vẫn chào hỏi, kể cũng có cái vui…"
Những “cái vui” nho nhỏ bà chủ tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ trên phố Hàm Long chia sẻ như chứa đựng cái “tình” rất lớn giữa bà và những người khách.
Như thể nó vẫn luôn được bà và mọi người cần mẫn, lọ mọ cóp nhặt qua nhiều năm tháng, giống như rất nhiều đồ tạp phẩm hay quyển vở, quyển truyện bà bày bán hàng ngày trong cửa tiệm nhỏ này vẫn được bà phủi bụi luôn tay, và giữ cho sạch sẽ, gọn gàng, giữa rất nhiều khói bụi, xô bồ, đông đúc của phố phường Hà Nội…
Những cái vui ấy lý giải vì sao bà và một số người vãn giữ những tiệm văn phòng phẩm kiểu cũ mà không làm cho nó hiện đại,bóng bẩy và sang trọng theo cách tân thời. Bởi có lẽ với họ, bán không chỉ để mà bán cho được nhiều hàng, mà còn là, bán để cho vui!