10 vũ khí kỳ quặc nhất trong Thế chiến 2
VOV.VN - Khi Thế chiến 2 nổ ra, nhiều cường quốc trên thế giới đặt mục tiêu cải tiến công nghệ, y học và thông tin liên lạc để phát minh ra những loại vũ khí mới nhằm giành được ưu thế trên chiến trường.
Nhiều phát minh đã trở thành nền tảng cho công nghệ hiện đại, nhưng một số phát minh khác không mang lại hiệu quả như mong đợi. Dưới đây là 10 vũ khí kỳ quặc nhất từng được sử dụng trong Thế chiến 2.
1. Bệ phóng tên lửa rải mìn trên cao
Bệ phóng tên lửa rải mìn trên cao, gắn trên tàu chiến, là một biện pháp phòng không đặc biệt tồi tệ. Nó được chế tạo để bảo vệ các con tàu trước máy bay địch. Tên lửa sẽ được phóng vào không trung từ một con tàu, khi đạt độ cao khoảng 304m, nó sẽ phát nổ và phát tán các quả mìn được gắn dù, bằng sợi dây cáp dài hơn 120m.
Ý tưởng là tạo ra một bãi mìn trên không, khiến máy bay đối phương mắc kẹt trong lưới dây cáp, khi đó các quả mìn sẽ va vào thân máy bay và phát nổ khiến máy bay bị rơi. Tuy nhiên, cả mìn, dây cáp và dù đều rất dễ quan sát và phi công đối phương có thể né tránh bằng cách bay cao hơn hoặc thấp hơn “bãi mìn trên không”.
Một trang phân tích quân sự lưu ý: “Không có bất cứ báo cáo nào cho thấy vũ khí có thể bắn hạ máy bay. Chưa kể, những quả mìn chưa nổ sẽ bị gió thổi bay và chúng có thể trôi ngược trở lại về phía con tàu đã phóng chúng, gây tai nạn hoặc hỏa hoạn”.
2. Xe mang bom liều chết kỳ dị của Anh
Để tìm cách công phá tuyến phòng thủ bằng bê tông của phát xít Đức ở Normandy, quân đội Anh đã chế tạo một vũ khí giống cỗ xe lớn có tên gọi Panjandrum (Kẻ hống hách). Vũ khí gồm 2 bánh xe lớn được kết nối với nhau bằng một ống chắc chắn. Bên trong ống này chứa khoảng 1 tấn thuốc nổ. Hai bên bánh xe, các kỹ sư bố trí các ống phóng rocket để cung cấp lực đẩy cho nó.
Về mặt lý thuyết, Panjandrum sẽ được tàu đổ bộ chở đến bãi biển, khi đó, người ta sẽ kích hoạt các rocket để nó lăn lên bờ, lao vào bức tường phòng thủ và phát nổ. Vụ nổ có thể tạo ra một lỗ hổng đủ lớn để xe tăng lao qua.
Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm, thiết bị liên lục mất kiểm soát và đi chệch hướng. Trong một cuộc thử nghiệm trên bãi biển, khi Panjandrum đang chạy trên bãi biển thì một rocket văng khỏi bánh xe khiến nó chao đảo và va vào một tảng đá. Panjandrum mất kiểm soát lao ngược trở lại bãi biển, vỡ thành nhiều mảnh. Các quan chức đến thị sát thử nghiệm được một phen khiếp vía. Dự án đã bị hủy bỏ ngay lập tức vì không đảm bảo an toàn.
3. Chó đánh bom liều chết
Năm 1942, bộ binh của Đức Quốc xã tấn công Liên Xô bằng xe tăng “Panzer” do Đức sản xuất. Khi đó, Nga đã quyết định biến những chú chó đang hỗ trợ trong quân đội thành chó chống tăng bằng cách buộc chất nổ quanh cơ thể chúng và con chó sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh bom liều chết.
Trong quá trình huấn luyện, những con chó bị bỏ đói và thả rông xung quanh những chiếc xe tăng Liên Xô đứng yên có giấu thức ăn bên dưới. Khi chui vào gầm xe tầng, chúng được huấn luyện dùng mõm để kéo kíp nổ.
Tuy nhiên hầu hết các chú chó không thể thực hiện nhiệm vụ chống lại xe tăng Đức do có quá nhiều âm thanh và cảnh tượng hỗn tạp trên chiến trường. Một số chú chó đã bị binh sỹ Đức bắt giữ để mang về kiểm tra vũ khí. Quân đội Đức sau đó cũng bắt chước cách thức này nhưng cũng không thành công.
4. Chuột mang thuốc nổ
Chó không phải là loài vật duy nhất được đưa ra thử nghiệm trong chiến tranh. Theo Military History, Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Anh cũng sử dụng những con chuột chứa đầy chất nổ để phá hủy nguồn cung cấp than của Đức Quốc xã. Những con chuột này sẽ phát nổ khi vô tình bị lọt vào lò đốt tại một căn cứ quân sự hoặc động cơ hơi nước.
Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra suôn sẻ vì người Đức đã nhanh chóng phát hiện ra kế hoạch này. Báo cáo của lực lượng đặc nhiệm Anh cho biết, kế hoạch gây ra một số phiền toái cho quân đội Đức Quốc xã và họ đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn tìm kiếm chuột chứa thuốc nổ.
5. Khẩu pháo lớn nhất sử dụng trên chiến trường
Trước khi phát động cuộc tấn công Pháp, trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã yêu cầu một loại vũ khí mới có thể dễ dàng xuyên thủng các công sự kiên cố của Pháp, chẳng hạn như phòng tuyến Maginot – rào cản lớn nhất ngăn cách Đức với phần còn lại của Tây Âu. Hitler đã thông qua dự án sản xuất pháo hạng nặng đầu tiên năm 1937 với chi phí 10 triệu Mác, tương đương khoảng 67 triệu USD ngày nay, và yêu cầu hoàn thành vũ khí này vào mùa Xuân 1940 để phục vụ cho kế hoạch xâm chiếm Pháp.
Tuy nhiên, phải đến năm 1941 – một năm sau khi Pháp thất thủ, công ty Friedrich Krupp A.G. của Đức chuyên sản xuất thép và vũ khí mới bắt đầu quá trình chế tạo khẩu súng lớn nhất thế giới là Gustav cho quân đội Đức quốc xã. Pháo Gustav cao 12,2m, có nòng dài hơn 30,4 m, sử dụng đạn kích cỡ 787,4 mm, dài 3,65 m, đạt tầm bắn hiệu quả 32,1 km. Đạn này có hai biến thể là đạn nổ nặng 5 tấn và đạn xuyên giáp nặng 7 tấn. Nhưng nhược điểm của vũ khí này lại nằm ở kích cỡ siêu lớn khiến các binh sỹ mất rất nhiều thời gian để khai hỏa và kíp vận hành phải lên đến hàng trăm người.
Chưa kể, Pháo Gustav chỉ có thể được vận chuyển bằng hệ thống đường sắt và trở thành mục tiêu tấn công của máy bay ném bom của quân Đồng minh.
6. Lính dù giả
Trong khuôn khổ chiến dịch đổ bộ của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy (Pháp) vào tháng 6/1944, Không quân Hoàng gia Anh và Cơ quan hàng không đặc biệt của Anh đã thực hiện chiến thuật đánh lạc hướng quân Đức Quốc xã khỏi những khu vực triển khai binh sỹ của phe Đồng minh.
Để thực hiện chiến thuật này, Anh đã thả 400 ma-nơ-canh bằng vải bố nhồi bông ở cách xa các khu vực binh sỹ đổ bộ tại Normandy và phía Bắc nước Pháp, theo Bảo tàng Không quân New Zealand. Những hình nộm này có mật danh “Rupert”, cao chưa đến nửa mét, chứa nhiều chất nổ nhỏ và được gắn một thiết bị tạo tiếng ồn mô phỏng âm thanh của tiếng súng nổ. Bảo tàng New Zealand cho biết, chiến dịch có mật danh “Titanic” dường như đã thành công vì hồ sơ của Đức Quốc xã tiết lộ rằng quân đội của họ đã được điều động đến khu vực thả hình nộm.
7. Siêu pháo V-3
V-3 (Vergeltungswaffe 3) là siêu pháo khổng lồ của Đức quốc xã và cũng là khẩu pháo lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Hitler ra lệnh cho các kỹ sư phát xít Đức chế tạo siêu pháo V3 nhằm giúp nước này chiếm ưu thế trước quân Đồng minh.
V-3 được chế tạo vào mùa Hè năm 1944, được thiết kế để bắn 300 quả đạn hình phi tiêu dài 2,7m mỗi giờ. Siêu pháo V3 có chiều dài mỗi nòng pháo 130m, hoạt động theo cơ chế nhồi thuốc theo nhiều giai đoạn. Khi khẩu pháo khai hỏa và viên đạn vẫn đang bay trong nòng súng, khí thuốc sẽ lần lượt kích hoạt khối thuốc phóng thứ hai, thứ ba... nhằm nhanh chóng tăng tốc cho đạn pháo hướng tới mục tiêu.
Phát xít Đức dự tính sử dụng 50 khẩu siêu pháo V-3 để oanh tạc London từ các hầm ngầm ở Mimoyecques, miền Bắc nước Pháp. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng trước khi phát xít Đức thực hiện kế hoạch này, quân Đồng minh đã mở những cuộc không kích lớn khiến kế hoạch của Hitler phá sản.
8. Súng nòng cong Krummlauf
Để giúp các binh sỹ sử dụng súng trường bắn qua chướng ngại vật mà không bị lộ vị trí trước đối phương, người Đức đã tạo ra một loại nòng cong gá vào súng trường MP-44.
Theo Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia Anh, thiết bị này có tên gọi Krummlauf, cho phép binh lính bắn các góc từ một vị trí an toàn hoặc sử dụng từ phương tiện bọc thép.
Nhưng loại nòng cong này lại có rất nhiều nhược điểm. Các viên đạn thường vỡ làm đôi trước khi thoát ra khỏi nòng súng và bản thân phụ kiện cũng bị biến dạng do áp suất quá lớn sau khi bắn vài trăm viên đạn.
9. Xe tăng mini điều khiển từ xa
Một trong những dự án vũ khí thất bại của Đức Quốc xã là xe tăng mini Goliath, quân đội Mỹ gọi là "Doodlebug". Xe tăng có thể mang theo vật liệu nổ nặng tới 45kg, di chuyển với tốc độ gần 10km/giờ. Goliath được thiết kế để trượt bên dưới xe tăng của quân Đồng minh và phát nổ dưới gầm – nơi dễ bị tổn thương nhất của chúng.
Nhược điểm lớn của Goliath là được điều khiển từ xa thông qua sợi dây cáp dài 653 mét cuộn trong thân xe. Vì thế, nó dễ bị vô hiệu hóa nếu đối phương cắt đứt dây cáp. Người Đức đã chế tạo 7.500 chiếc Goliath trong chiến tranh. Dù đạt được ít hiệu quả, nhưng phương tiện này đã đặt nền móng cho việc phát triển vũ khí điều khiển bằng sóng vô tuyến, vốn được ứng dụng khá nhiều trong các cuộc chiến hiện đại.
10. Bom khinh khí cầu Fugo
Vào tháng 11/1944, Nhật Bản đã thả hàng nghìn quả bom khinh khí cầu, lợi dụng luồng gió xoáy trên biển Thái Bình Dương để tạo ra “vũ khí vượt đại dương” nhằm mục đích tấn công lãnh thổ Mỹ. Theo ông J. David Rodgers, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, những quả bom này có "đường kính 10m, có thể chở cheo chất cháy và những khối thuốc nổ lớn”.
“Phần vũ khí lợi hại của nó là một quả bom sát thương, được gắn vào một ngòi nổ dài 19m, có thể cháy trong vòng 82 phút trước khi phát nổ”, ông Rodgers cho biết. Mặc dù Nhật Bản thả hàng nghìn quả bom này nhưng chúng dường như không hiệu quả, chưa kể phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Theo Quỹ Di sản Nguyên tử, phải mất từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ để thả một quả bom khinh khí cầu và cần khoảng 30 người làm công việc này./.