B-52 Mỹ bay gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông
VOV.VN - Anh và Pháp cũng “theo chân” Mỹ khi tuyên bố sẽ cử các tàu đến Biển Đông để duy trì tự do hàng hải ở khu vực này.
CNN dẫn lời quan chức bộ quốc phòng Mỹ cho biết, ngày 4/6, 2 máy bay ném bom B-52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của nước này đã bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km.
Tàu đổ bộ trực thăng của Pháp. (Ảnh: AFP) |
Người phát ngôn Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết, những máy bay đồn trú ở Guam này chỉ đang tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương.
Trung tá Chris Logan nêu rõ, chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. Ông khẳng định, sứ mệnh này được triển khai từ tháng 3/2004 và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mỹ không kiêng nể Trung Quốc
Động thái trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích đích danh Trung Quốc về hành động quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “hăm dọa và áp bức” các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định, Mỹ không có kế hoạch rời khỏi khu vực này.
“Đừng phạm sai lầm! Mỹ đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là để ở lại đây” – ông Mattis phát biểu tại Singapore ngày 2/6.
Ồng nói: “Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức và cơ hội trong những năm tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ sự lựa chọn của Trung Quốc nếu họ củng cố hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước ở khu vực năng động này”.
Cuối tuần trước, Lầu Năm Góc cũng đã ám chỉ có thể “thổi bay” các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ ám chỉ có thể bắn nát đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông
Anh – Pháp “theo chân” Mỹ ở Biển Đông
Hải quân Anh và Pháp cũng đang lên kế hoạch cử một đội tàu và máy bay chiến đấu đến Biển Đông tuần tới, đặc biệt là đến khu vực mà London và Paris cho rằng Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pháp Florence Parley ngày 3/6 nêu rõ, đội tàu và máy bay này sẽ đi vào “những khu vực cụ thể” nơi lực lượng hải quân phát triển nhanh nhất thế giới – tức Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – dự kiến hiện diện.
“Ở một số điểm xuất hiện giọng nói nghiêm nghị qua điện đài cảnh báo chúng tôi đưa thuyền ra khỏi khu vực mà họ gọi là ‘vùng lãnh hải’. Tuy nhiên, chỉ huy của chúng tôi khi đó đã bình tĩnh đáp trả rằng ông sẽ tiếp tục lái thuyền về phía trước bởi vì theo luật pháp quốc tế thì đó rõ ràng là vùng biển quốc tế” – ông Parley cho biết.
Pháp không có bất cứ tuyên bố chủ quyền nào ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Song ông Parley nhấn mạnh rằng nước này muốn đóng góp cho trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực, trên nền tảng hợp tác với các đồng minh và bạn bè.
“Bằng việc thực thi quyền tự do hàng hải, chúng tôi cũng muốn thách thức bất cứ tuyên bố nào về cái gọi là chủ quyền với các hòn đảo” – Bộ trưởng Parley nói, đồng thời cho rằng Hải quân Pháp cần phải tăng cường hơn nữa những nỗ lực này./.