Cuộc chạy đua của Ukraine trước bước lùi hỗ trợ quân sự của phương Tây
VOV.VN - Quân đội Ukraine đã chứng minh kỹ năng của mình trong việc phát triển và sử dụng các UAV tầm xa bằng các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga nhưng các chuyên gia cho biết Kiev cũng cần sức mạnh và năng lực của tên lửa đạn đạo.
“Hai nắm đấm” tấn công Nga
Khi các quan chức Ukraine chuẩn bị cho tương lai có thể bị cắt giảm nghiêm trọng viện trợ quân sự của phương Tây vào năm tới, họ đang cố gắng tăng cường sản xuất vũ khí của riêng mình, đặc biệt là đối với các hệ thống vũ khí có thể tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga để thay thế các vũ khí phương Tây cung cấp.
Trọng tâm hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước của Ukraine là chương trình UAV tấn công tầm xa, thường xuyên tấn công các mục tiêu nằm cách biên giới Nga - Ukraine hàng trăm km để phá vỡ những nỗ lực chiến đấu của Moscow, các quan chức Ukraine cho hay.
UAV có lợi thế là có thể sản xuất nhanh chóng và dễ dàng nhưng các nhà phân tích cảnh báo chúng chỉ giải quyết phần nào các thách thức trên chiến trường của Ukraine.
"Về lâu dài, điều mà Ukraine muốn là có hai nắm đấm", Konrad Muzyka, Giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan có trụ sở tại Ba Lan nhận định.
"Một nắm đấm là khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV và khả năng thứ hai là tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hoặc thậm chí là tầm trung".
Cách đây 3 tuần, Nga đã gây chấn động thế giới khi phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Kiev bắn các tên lửa tầm ngắn do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Đây được coi là lời cảnh báo với Ukraine và phương Tây về việc Nga sẵn sàng sử dụng kho tên lửa hạt nhân của mình.
Vài tiếng sau, trong một cuộc tấn công ít được chú ý hơn, UAV của Ukraine đã tấn công căn cứ Kapustin Yar gần Biển Caspi, nơi các tên lửa Nga được phóng. Các quan chức Nga đã xác nhận có một cuộc tấn công UAV xảy ra trong khu vực.
Hiện chưa rõ thiệt hại nhưng điều này cho thấy khả năng của Ukraine trong việc nhanh chóng đáp trả nhắm vào mục tiêu cách xa hơn 640km, xa hơn nhiều so với tầm bắn của bất kỳ loại đạn dược nào do Mỹ cung cấp.
Các cuộc tấn công UAV của Ukraine đã trở nên thường xuyên hơn. Trong những tháng qua, các quan chức Ukraine cứ vài ngày lại thông báo một cuộc tấn công mới nhằm vào các cơ sở đóng vai trò quan trọng với những nỗ lực chiến đấu của Moscow: các kho đạn dược, sân bay, trung tâm hậu cần, kho nhiên liệu và nhà máy lọc dầu.
Hiện rất khó để xác minh mức độ thiệt hại mà UAV gây ra và mức độ Nga buộc phải thay đổi chiến lược của mình. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết chúng đã có một số tác động đến các lực lượng của Nga.
Ngày 6/12, khi Ukraine kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang, Tổng thống Zelensky đã đăng tải trên Telegram một video về UAV tấn công tầm xa mới nhất là Peklo hay "Địa ngục" với lô đầu tiên đã được chuyển cho quân đội nước này.
"Nhà sản xuất Ukraine tạo ra UAV tên lửa trong thời gian kỷ lục - đó là 1 năm. Sản phẩm đã có những ứng dụng chiến đấu thành công", Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Herman Smetanin cho hay.
Trong một bài đăng trên Facebook ngày 5/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết Ukraine sẽ chuyển giao "hơn 30.000 UAV DeepStrike" vào năm tới - một loại vũ khí "thế hệ tiếp theo" có thể hoạt động tự động từ xa và tấn công các mục tiêu của kẻ thù với độ chính xác cao".
"Chúng tôi đang cho thế giới thấy rằng Ukraine có khả năng đổi mới và độc lập về công nghệ", ông Umerov tuyên bố.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích quốc phòng đều nhất trí rằng chỉ UAV là không đủ.
"Các binh lính đã nhận được UAV nhưng họ còn cần các tên lửa phát nổ. Họ cần những thứ có thể tấn công vào sâu bên trong nước Nga", một chuyên gia giấu tên trong ngành công nghiệp vũ khí phương Tây đánh giá.
Cuộc chạy đua của Ukraine
Các quan chức Ukraine đang đẩy nhanh các chương trình tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hồi tháng 8, ông Zelensky cho biết nước này đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên. Tháng trước, ông tiết lộ Ukraine đã sản xuất 100 tên lửa trong năm nay nhưng ông không nêu rõ loại nào.
Tuần trước, ông Umerov thông báo Ukraine đã bắt đầu sản xuất hàng loạt 2 hệ thống vũ khí của riêng mình là Palianytsia - một loại UAV tầm xa lai tên lửa sử dụng động cơ phản lực và tên lửa hành trình Neptune.
Cả hai vũ khí này đều được sử dụng với số lượng hạn chế. Năm 2022, một tên lửa Neptune được cho là đã phá hủy chiến hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga. Vào tháng 8, ông Zelensky đăng trên mạng xã hội X một video về lần đầu tiên Palianytsia được sử dụng trong chiến đấu.
Ngành công nghiệp quốc phòng sẽ mở rộng hơn nữa trong những tháng tới và có thể là nhiều năm tới. Các quan chức Ukraine cho biết việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng họ là chìa khóa cho an ninh lâu dài của đất nước.
Hiện nay, phương Tây đang cung cấp phần lớn tên lửa cho Ukraine. Kiev hy vọng họ có thể thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hiện đã bước sang năm thứ ba.
Một phái đoàn quan chức Ukraine do Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine – ông Andriy Yermak dẫn đầu đã bay đến Mỹ vào tuần trước để gặp các quan chức cấp cao trong chính quyền mới của ông Trump.
"Cả về giá trị và số lượng, có một số loại đạn dược và hệ thống quan trọng mà hiện tại Mỹ là nguồn cung thực sự đáng tin cậy duy nhất", Justin Bronk, một chuyên gia về chiến tranh, đồng thời là học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở London cho hay.
Tuy nhiên, xét đến lời hứa của ông Trump là sẽ chấm dứt xung đột "trong vòng 24 giờ" sau khi trở thành tổng thống, giới quan sát nhận định, có khả năng ông sẽ cắt viện trợ cho Ukraine trong nỗ lực buộc Tổng thống Zelensky phải ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin. Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và tỷ phú Elon Musk ủng hộ ông Trump cũng phản đối việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Châu Âu, vốn đang trải qua tình trạng thiếu vũ khí của riêng mình, cũng thấy khó để bù đắp sự chênh lệch này. Các quốc gia như Hungary và Slovakia đang thúc đẩy để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Tất cả các lý do đều dẫn đến nhu cầu Ukraine cần phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước của mình. Theo đó, Kiev cần "giảm sự phụ thuộc" vào vũ khí phương Tây "dưới mức hiện tại và hoạt động này cần tiến hành nhanh chóng".
EU gần đây đã đồng ý cung cấp 440 triệu USD cho hoạt động sản xuất quốc phòng của Ukraine, lấy từ lợi nhuận của các tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây. Litva, Na Uy, Hà Lan và Thụy Điển cũng đã đóng góp tiền để chi trả cho các loại vũ khí mà chính phủ Ukraine ưu tiên.
Ukraine đã sản xuất gần 2 triệu máy bay không người lái trong năm nay — phần lớn là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, hay FPV và có thể sản xuất thêm 2 triệu phương tiện nữa nếu có kinh phí.
Tuy nhiên, một đội máy bay không người lái tấn công tầm xa, dù lớn đến đâu, cũng không thể giải quyết được những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt trên chiến trường, nơi lực lượng Nga đã chiếm được lãnh thổ trong những tuần gần đây với tốc độ nhanh nhất kể từ khi bắt đầu xung đột.
Nhà phân tích quốc phòng Muzyka cho biết: "Nếu chúng ta đang nói về các vấn đề ở tuyến đầu thì chắc chắn máy bay không người lái không phải là giải pháp bởi vì cần phải giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, thiếu huấn luyện, các vấn đề trong chỉ huy và kiểm soát..."