Lính Ukraine kiệt sức, rời bỏ vị trí giữa lúc chiến trường “nước sôi lửa bỏng”
VOV.VN - Theo dữ liệu từ văn phòng tổng công tố, kể từ năm 2022, Ukraine đã mở gần 96.000 vụ án hình sự đối với những người lính đã từ bỏ vị trí chiến đấu. Con số này tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua và hầu hết các vụ án được mở trong năm nay.
Binh lính Ukraine kiệt sức, rời bỏ vị trí gia tăng
Vào ngày đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, Roman Solomonyk đã gây sốc cho cả gia đình khi tình nguyện tham gia chiến đấu. Nhưng hơn 2 năm rưỡi sau, anh đã gia nhập vào số lượng ngày càng tăng những người lính Ukraine từ bỏ vị trí của mình.
Đầu tiên, người đàn ông 45 tuổi này làm nhiệm vụ đào chiến hào gần biên giới Nga. Sau đó, anh bắn hạ nhiều UAV Shahed nhưng rồi do bất hòa với một sĩ quan khác, hiện anh chính thức bị truy nã vì rời khỏi đơn vị mà không được phép.
Theo dữ liệu từ văn phòng tổng công tố, kể từ năm 2022, Ukraine đã mở gần 96.000 vụ án hình sự đối với những người lính đã từ bỏ vị trí chiến đấu. Con số này tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua và hầu hết các vụ án được mở trong năm nay.
Khi quân đội Ukraine đang vật lộn để ngăn chặn các bước tiến của Nga, tình trạng bất lợi về nhân lực đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Kiev đang tìm cách tránh một đợt huy động lính nghĩa vụ có thể làm gián đoạn nền kinh tế và gây bất ổn trong nhân dân - những người vốn đã mệt mỏi vì xung đột. Kết quả là, một số lực lượng được triển khai vô thời hạn mà không có cơ hội nghỉ ngơi trong khi quân đội mới thay thế họ rất khan hiếm.
Nhiều quân nhân đơn giản là đã kiệt sức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu tháng này. Tuy nhiên, ông phản đối việc đặt ra thời hạn xuất ngũ khiến những người lính dày dạn kinh nghiệm tự hỏi tại sao họ phải mạo hiểm tính mạng trong khi hàng triệu nam giới khác - nhiều người trong số họ còn trẻ hơn, không phục vụ quân đội. Đối với họ, việc vắng mặt không phép là sự giải thoát duy nhất - một cơ hội để hồi phục và chăm lo cho cuộc sống gia đình của họ.
"Sự mệt mỏi đóng một vai trò nhất định. Hoặc có những hoàn cảnh cá nhân như vợ của một người lính sinh con. Hoặc vì không có ai khác lãnh đạo trung đội và chỉ huy không cấp phép nghỉ ngơi", ông Oleksandr Hrynchuk thuộc cơ quan thực thi pháp luật quân sự Ukraine cho biết.
Kiev không công bố số lượng chính thức các binh lính đã đào ngũ. Khi được hỏi hiện có bao nhiêu quân nhân được phân loại như vậy, ông Hrynchuk đã từ chối bình luận về "thông tin nhạy cảm", nhưng lưu ý rằng 40 - 60% trường hợp vắng mặt không phép tự quay trở lại. Đào ngũ, tức là những người lính rời bỏ vị trí mãi mãi, được coi là một tội nghiêm trọng hơn nhưng ít xảy ra hơn.
Roman Lykhachov, một luật sư tại Kharkov chuyên về quân nhân và cựu chiến binh, ước tính con số này có thể lên tới 100.000 hoặc hơn, không quá xa so với con số 160.000 quân mà Ukraine trước đó cho biết vẫn cần huy động.
Để so sánh thì tòa án Nga đã xử lý ít nhất 10.000 vụ án liên quan đến những người lính bỏ trốn với một nửa trường hợp là trong năm nay. Mặc dù đó là dấu hiệu cho thấy Moscow cũng phải vật lộn với vấn đề tương tự Kiev nhưng Nga có thể dễ dàng giải quyết việc này vì dân số của họ gấp gần 4 lần Ukraine.
So với kỷ luật quân sự khắc nghiệt của Nga, quân đội Ukraine ít lo sợ hơn về những hậu quả của việc rời vị trí hoặc lên tiếng chống lại chỉ huy, một sĩ quan quân đội Ukraine giấu tên cho hay. Ông nói thêm, các khoản thanh toán cao hơn cũng khuyến khích quân đội Moscow ở lại.
Với Kiev, đây là một thách thức chưa được giải quyết. Tuần trước, Tổng thống Zelensky cam kết sẽ ân xá cho những người lính bỏ trốn nếu họ trở về đơn vị trước ngày 1/1, cho phép họ tránh các cáo buộc hình sự. Theo quân đội, khoảng 3.000 quân nhân đã trở lại đơn vị kể từ khi thay đổi có hiệu lực ngày 29/11.
Những vấn đề bên trong quân đội Ukraine
Những thay đổi này diễn ra khi những người lính Ukraine phàn nàn rằng họ không chỉ phải chiến đấu với Nga mà còn với bộ máy quân sự quan liêu của chính đất nước mình.
Roman tham gia phòng thủ lãnh thổ với mong muốn chiến đấu với đối thủ theo cách hiệu quả nhất nhưng anh cho biết anh đã nhanh chóng bị cản trở bởi sự thiếu tổ chức và bộ máy quan liêu.
Đại đội gồm 6 người của anh chỉ có 1 súng máy hạng nặng Browning, được thiết kế vào gần cuối Thế chiến I để bắn hạ các UAV Shahed. Trước khi có thể bắn hạ các UAV này, Roman và đồng đội phải huy động khoảng 700.000 hryvnia (17.000 USD) để mua một xe tải cũ lái khẩu súng cùng với ăng ten vệ tinh Starlink và các công cụ khác.
Tuy nhiên, sau đó, một sĩ quan cấp cao hơn ban hành những mệnh lệnh nguy hiểm như yêu cầu tất cả các quân nhân phải ở cùng nhau - nghĩa là tất cả họ có thể bị giết chỉ trong một cuộc tấn công. Không muốn ở lại dưới quyền chỉ huy cũ và không thể chuyển sang một người mới, Roman và hầu hết các đồng đội của anh đã đào ngũ, yêu cầu được chuyển đến đơn vị mà họ lựa chọn.
Ngay cả dưới quyền một chỉ huy giỏi hơn, cũng không có gì đảm bảo đại đội của Roman sẽ tiếp tục bắn hạ UAV. Ngày càng nhiều chỉ huy Ukraine cử các đội quân chuyên biệt như lính phòng không ra tiền tuyến với tư cách là bộ binh tại những nơi cần tăng viện nhất. Đó cũng là một lý do khác khiến các binh lính muốn rời đi.
Đối với Roman, chỉ bằng cách giải quyết tình trạng quan liêu cố hữu, quân đội Ukraine mới có thể thu hút được các binh lính trung thành.
"Nếu không có cải cách, chúng ta sẽ có ít người có động lực chiến đấu hơn", Roman cho hay.