F-35 đọ sức A-10: Siêu chiến đấu cơ không phải lúc nào cũng áp đảo
VOV.VN - Thông thường, cường kích cổ lỗ A-10 “không có cửa” để so sánh với siêu tiêm kích đa nhiệm F-35 nhưng không phải lúc nào F-35 cũng áp đảo được A-10.
Theo Business Insider, điều này được minh chứng thông qua cuộc thử nghiệm gần đây do các phi công Mỹ thực hiện đối với hai mẫu máy bay trên sau khi Ủy ban Quân vụ của cả hai Viện Quốc hội Mỹ quyết định vẫn duy trì hoạt động của cường kích A-10- loại máy bay được quân đội Mỹ sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hai siêu tiêm kích đa nhiệm F-35. Ảnh Không quân Mỹ
Theo đó, các phi công tham gia cuộc thử nghiệm đã chia sẻ những trải nghiệm hết sức bất ngờ về khả năng yểm trợ cận chiến từ trên không của hai loại máy bay này.
Thượng tá Raja Chari, người phụ trách Lực lượng tham gia thử nghiệm siêu chiến đấu cơ F-35 và Tư lệnh Phi đội Bay thử số 461, đã giải thích rất rõ về sự khác biệt về năng lực của A-10 và F-35 trong các bài thử nghiệm nói trên.
“Bạn cần xác định rõ rằng bạn muốn đề cập đến điều gì khi nói về khả năng yểm trợ cận chiến từ trên không? Cách bạn xác định câu hỏi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến câu trả lời mà bạn nhận được”, ông Chari nói: “Các bạn muốn đề cập đến việc yểm trợ từ trên không trong môi trường nhiều rủi ro và các mối đe dọa hay trong môi trường ít rủi ro hơn?”.
Theo ông Chari, khi kẻ thù có hỏa lực phòng không mạnh, A-10 sẽ “không có đất diễn”. Là loại máy bay rẻ tiền và từng tham gia nhiều chiến dịch yểm trợ cận chiến, A-10 đã giành được sự tôn trọng của bộ binh Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, thành công của A-10 xuất phát từ thực tế là chiếc cường kích lỗi thời này thường được sử dụng để “quét sạch” lực lượng nổi dậy và phiến quân vốn không sử hữu năng lực phòng không mạnh hoặc thậm chí không có khả năng phòng không.
Cường kích A-10. Ảnh Không quân Mỹ |
Trong khi đó, siêu chiến đấu cơ F-35 lại được sử dụng để tránh bị kẻ thù phát hiện và dễ dàng lọt qua lưới lửa phòng vệ của địch. Dù A-10 nổi tiếng với khả năng bay rất chậm và sát trên đầu mục tiêu và có thể duy trì thời gian bay với tốc độ cực thấp trong vòng 90 phút, ông Chari cho rằng, F-35 hoàn toàn có thể làm điều tương tự nếu được tiếp nhiên liệu trên không.
“Trong điều kiện kẻ thù không có năng lực phòng không mạnh, bạn hoàn toàn có thể so sánh về thời gian duy trì tốc độ bay cực chậm giữa F-35 và A-10. Trong trường hợp này A-10 có lợi thế hơn”, ông Chari nhận định.
Tuy nhiên, ông Chari cho biết: “Bạn hoàn toàn có thể đạt mức 90 phút bay với tốc độ cực thấp [đối với F-35] nếu bạn lái chiếc siêu tiêm kích ở cách mục tiêu khoảng 15 phút. Ngoài ra, với tốc độ bay rất nhanh F-35 luôn “đến đích trước” A-10. Hơn thế nữa, hỏa lực của F-35 mạnh hơn nhiều so với A-10”.
“Tôi không có ý định hạ thấp tính năng của cường kích A-10, đây vẫn là loại chiến đấu cơ tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu và đặt A-10 vào đúng môi trường chiến đấu mà A-10 mạnh nhất”, ông Chari kết luận.
Lý do Không quân Mỹ “quyết hy sinh” A-10 cho “siêu chiến đấu cơ” F-35