Hàn Quốc khởi động tham gia “câu lạc bộ” tàu sân bay
VOV.VN - Phục vụ học thuyết quân sự của mình, Hàn Quốc quyết định phát triển tàu sân bay hạng nhẹ nội địa, sẽ đưa vào trang bị vào cuối thập kỷ 2020.
Toan tính của Hàn Quốc
Đại Hàn Dân Quốc (ROK) đã chính thức phê duyệt chương trình thiết kế và đưa ngân sách đóng tàu sân bay mang mật danh LPX-II vào kế hoạch quốc phòng trung hạn giai đoạn 2020-2024. Hyundai Heavy Industries đã giành được hợp đồng thiết kế vào cuối năm ngoái, lấy thiết kế trước đó của Hanjin Heavy Industries and Construction làm điểm khởi đầu, và sẽ đưa LPX-II vào vận hành vào cuối thập niên 2020. Tàu sân bay của Hàn Quốc phù hợp với mục tiêu chiến lược hiện có của nước này - phòng thủ và đẩy lùi cuộc xâm lược giả định của Triều Tiên.
Theo kế hoạch hiện tại, một khi chiến sự bùng nổ, lính thủy đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc sẽ mở mặt trận thứ hai, có nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm thủ đô Bình Nhưỡng. Tàu sân bay có thể vận chuyển hơn một chục máy bay chiến đấu F-35B trên một nền tảng di chuyển mà Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhắm mục tiêu trong thời chiến, có thể yểm trợ trên không cho lực lượng đổ bộ đó. Ban đầu, LPX-II được cho là một tàu đổ bộ mới cùng dòng với lớp Dokdo (UDC) - tức là một tàu đổ bộ trông giống như tàu sân bay, nhưng mục đích chính là vận chuyển lính thủy đánh bộ vào bờ, thay vào đó, LPX-II sẽ là một tàu sân bay thực sự có các máy bay chiến đấu cánh cố định.
Theo các chuyên gia, với tàu này, khả năng cơ động và tấn công từ những nơi khác nhau sẽ mang lại lợi thế trong trường hợp xung đột giả định với Triều Tiên leo thang. Được đậu ở biển Nhật Bản hoặc Hoàng Hải, LPX-II sẽ có thể sử dụng máy bay F-35B tấn công Triều Tiên từ phía tây hoặc phía đông, buộc Bình Nhưỡng phải cảnh giác đối phó với các mối đe dọa không chỉ từ phía nam mà cả phía tây và phía đông.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng pháo, tên lửa tầm xa, lính dù, đặc công và các phương tiện khác để “khóa” các căn cứ không quân của Hàn Quốc - một nguồn chính tạo nên ưu thế quân sự ngày càng tăng của nước này. Máy bay bố trí trên boong sẽ tận dụng các điểm mù trong hệ thống phòng không của Triều Tiên có cơ sở hạ tầng quân sự cũ kỹ tạo ra khoảng trống trong phạm vi phủ sóng radar, và tàu sân bay cũng sẽ tạo ra nền tảng an toàn trên biển cho lực lượng Không quân Hàn Quốc. Một căn cứ không quân nổi sẽ là bất khả xâm phạm đối với tất cả trừ cuộc tấn công của tàu ngầm, trong khi Triều Tiên có số lượng tàu ngầm lớn, nhưng đã lỗi thời và dễ bị phát hiện.
Theo Schuster - một cựu thuyền trưởng Hải quân và là cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - lợi thế chính mà một tàu sân bay nhỏ mang lại cho Hàn Quốc là việc sử dụng nó như một sân bay di động. Nếu Triều Tiên nhắm vào các căn cứ không quân của Hàn Quốc trên bờ, thì việc có thể cơ động và tấn công từ các địa điểm luôn thay đổi có lợi thế về chiến thuật và chiến dịch. Tàu sân bay có thể hoạt động như một soái hạm của hải quân nước xanh với tầm hoạt động trong khu vực, nhưng Seoul cũng có thể vươn tới tận Ấn Độ Dương để cạnh tranh ảnh hưởng ở tây Thái Bình Dương với Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài bất kỳ vai trò chiến đấu nào có thể, theo giới chức quân sự Hàn Quốc, tàu sân bay mới "cũng sẽ hoạt động như một căn cứ quân sự đa năng trên biển trong các tình huống phi quân sự như hoạt động cứu hộ công dân khi xảy ra thảm họa hoặc tai nạn. Nó sẽ cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và điều động lực lượng và vật liệu đến một khu vực tranh chấp trên biển bằng cách đóng vai trò như một tàu kiểm soát của lực lượng hải quân…".
Tàu sân bay hạng nhẹ LPX-II
Kế hoạch quốc phòng 5 năm mới của Hàn Quốc bao gồm việc chế tạo "LPH-II mui phẳng” - một biến thể của tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo. Tàu sân bay đầu tiên của Hàn Quốc sẽ dựa trên nền tảng mở rộng của tàu tấn công đổ bộ đa năng lớp Dokdo, có thể so sánh với các tàu lớp Wasp của Mỹ hoặc Canberra của Australia. Giới chức Seoul trước đây đã xác định, LPH-II sẽ có chiều dài 199m, chiều rộng 31m, lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với Dokdo; chứa tối đa 20 máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng thế hệ thứ năm F-35B, cùng một số lượng không xác định máy bay trực thăng.
Đối tác nước ngoài trong phát triển LPX-II gồm có Mỹ - chuyển giao công nghệ chế tạo boong gia cố như một phần của hợp đồng mua F-35B; và Anh - cung cấp tư vấn kỹ thuật và học thuyết. Theo các chuyên gia, LPX-II tương tự như tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh - khuyết các đường trượt vốn có trên tàu sân bay Mỹ và được lên kế hoạch lắp đặt hai phần bổ trợ - để điều khiển tàu và máy bay. Thiết kế này phù hợp với xu hướng "hàng không mẫu hạm khu vực", vốn là yếu tố then chốt trong học thuyết đã thay đổi của Hàn Quốc.
Một trong những điểm đặc biệt nhất của LPX-II là sự hiện diện của hai thay vì một hòn đảo thông thường nhìn ra sàn đáp, như hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth mới của Hải quân Hoàng gia Anh. Cả hai đảo sẽ có khả năng độc lập giám sát các hoạt động bay, đề phòng trường hợp một bị vô hiệu hóa bởi hỏa lực của đối phương. Đáng chú ý, tàu sân bay của Hàn Quốc thiếu cả máy phóng và đường cung, có nghĩa là máy bay phản lực F-35B chỉ có thể cất cánh bằng một lần cất cánh trên đường băng phẳng, không có hỗ trợ. Phương pháp phóng này sẽ ảnh hưởng đến tải trọng của máy bay chiến đấu và tầm hoạt động.
LPX-II được trang bị radar mảng pha quét điện tử tiên tiến, “có khả năng theo dõi tên lửa đạn đạo”, cũng như hệ thống tên lửa phòng thủ điểm, được thiết kế để bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm. Radar đa chức năng (MFR) phòng thủ tên lửa đạn đạo đang được phát triển cho tàu khu trục thế hệ mới (KDDX) của Hàn Quốc được cho là sẽ được tích hợp cho LPX-II. Việc tối đa hóa không gian thân tàu cho không quân và diện tích thân tàu tương đối nhỏ sẽ buộc LPX-II dựa vào các tàu khu trục và tàu hộ tống để chống lại hầu hết các mối đe dọa trên không, trên mặt đất và dưới mặt nước. Tàu sân bay sẽ ra khơi mà không có máy bay trang bị radar tầm xa như E-2D Hawkeye, thay vào đó sẽ sử dụng radar của các tàu khu trục hộ tống.
Phi đội không quân sẽ bao gồm khoảng 10-12 chiếc F-35B (Hàn Quốc đã đặt 20 chiếc F-35B - đủ để trang bị cho tàu sân bay, đồng thời để tiến hành huấn luyện và dự phòng để bù đắp tổn thất). Trong tương lai, LPX-II cũng sẽ triển khai các trực thăng tấn công trên biển của Lực lượng Thủy quân Lục chiến. Năm 2019, Hàn Quốc đặt hàng 12 MH-60R Seahawks - loại trực thăng đa nhiệm đang được Mỹ sử dụng. Sắp tới, có thể có một cuộc cạnh tranh giữa công ty Hàn Quốc KAI (với Surion MAH), Bell Helicopters (với AH-1Z) và Boeing (với AH-64 Apache) để cung cấp trực thăng cho lực lượng này.
Hàn Quốc không tiết lộ ước tính chi phí cho tàu sân bay hạng nhẹ, nhưng chính phủ Mỹ báo giá một phiên bản mới của USS America - lớn hơn tàu của Hàn Quốc từ 25% đến 30% - ở mức gần 4 tỷ USD; F-35B có giá khoảng 122 triệu USD mỗi chiếc. Một chiếc Dokdo có giá khoảng 300 triệu USD, giá của LPH-II có thể gấp đôi. Một tướng ba sao đã nghỉ hưu của Quân đội Hàn Quốc đặt câu hỏi, liệu đầu tư của Seoul có khôn ngoan? Theo ông này, các lĩnh vực như hậu cần, huấn luyện … cho Quân đội Hàn Quốc nên được ưu tiên hơn.
Hôm 3/1/2021, Hải quân Hàn Quốc (ROKN) thông báo về sửa đổi tàu sân bay hạng nhẹ của nước này. Thiết kế mới nhất xác nhận rằng con tàu sẽ không có đường cất cánh kiểu nhảy cầu và sẽ bố trí tháp chỉ huy dạng đảo đôi; xác nhận rằng, Hàn Quốc có kế hoạch vận hành máy bay cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) Lockheed Martin F-35B do Mỹ sản xuất, và tàu có lượng choán nước khoảng 40.000 (thay vì 30.000) tấn. Tuy nhiên, ROKN cho biết, LPH-II có thể được sửa đổi thêm trong giai đoạn thiết kế cơ bản và chi tiết.
Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (Defense Acquisition Program Administration - DAPA) Hàn Quốc đã thông báo, vào thời điểm hiện tại, tổng cộng 7 tổ chức và công ty, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc phòng, Đại học Quốc gia Pusan và LIG Nex1, sẽ tham gia vào cương trình phát triển, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Các chuyên gia Mỹ tin tưởng rằng kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể được Australia - nước có nguồn lực và nhu cầu tương tự - áp dụng./.