Hé lộ loạt tên lửa “tự chế” lợi hại của Ukraine khiến Nga phải dè chừng
VOV.VN - Thời gian gần đây, chính phủ Ukraine đã nỗ lực quảng bá những thành tựu mà nước này đạt được trong lĩnh vực chế tạo tên lửa. Kiev đã chế tạo nhiều loại tên lửa uy lực, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo Thunder 2, Grom 2, Trembita...
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, nước này đã chế tạo được 100 tên lửa vào năm 2024. Ukraine đang đặt mục tiêu sản xuất 3.000 "tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái lai tên lửa" vào năm 2025. Ông Mikhailo Samus, Giám đốc Mạng lưới nghiên cứu địa chính trị mới của Ukraine cho biết: "Chúng ta cần sản xuất hàng nghìn tên lửa không chỉ để sánh ngang với Nga mà còn vượt họ trong các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu quan trọng, chủ yếu là mục tiêu quân sự và mục tiêu kinh tế". Chuyên gia Mikhailo Samus tin rằng, Ukraine sẽ đạt được sản lượng tên lửa đạn đạo lớn, có khả năng đưa nước này trở thành nước dẫn đầu ở châu Âu.
Tuy vậy, giới phân tích nhận định, Tổng thống Zelensky và các chuyên gia Ukraine dường như đang “thổi phồng” năng lực sản xuất tên lửa của nước này khi xét đến tình hình thực tế. Nhiều nhà máy vũ khí của Ukraine đã bi phá hủy sau khi Liên Xô sụp đổ. Những nhà máy còn lại phải chịu sự bắn phá liên tục sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Thời gian qua, thành công đáng chú ý của Ukraine chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái. Kiev đã mở rộng quy mô sản xuất máy bay không người lái nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tên lửa và coi đây là giải pháp tạm thời cho những vấn đề gặp phải trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Ukraine từng là một trong những nhà cung cấp tên lửa đạn đạo chính trong thời kỳ Liên Xô. Nhưng trong những năm gần đây, năng lực của Kiev bị hạn chế bởi Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, giới hạn tầm bắn ở mức gần 500km.
Hiện tại, Ukraine có thể thiết kế và sản xuất tên lửa có tầm bắn lên tới 2.000km đặt ra thách thức lớn cho Nga. Ông Samus nhấn mạnh rằng, hệ thống S-400 của Nga đang gặp khó khăn trong việc đánh chặn các mục tiêu như vậy.
"Nếu có thể vượt qua các rào cản về công nghệ và tài chính, chúng ta sẽ chế tạo được hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung buộc Nga phải chấm dứt xung đột vì Ukraine sẽ có thể tấn công các mục tiêu xa tới tận dãy núi Ural”.
Dưới đây là danh sách những tên lửa do Ukraine tự chế tạo:
Tên lửa hành trình Neptune
Neptune là tên lửa hành trình chống hạm, được thiết kế để tấn công các tàu ở ven biển. Nhưng Ukraine đã chuyển đổi Neptune thành tên lửa hành trình phóng từ đất liền. “Đây là dự án tên lửa lớn nhất từ trước đến nay của Kiev”, Fabian Hoffmann, chuyên gia tên lửa và nghiên cứu viên tại Dự án hạt nhân Oslo đánh giá.
Các quan chức Ukraine cho biết, lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa Neptune tấn công và đánh chìm tuần dương hạm Moskva của Nga vào tháng 4/2022. Ngoài ra, Kiev cũng thay đổi cấu hình của Neptune để tấn công và vô hiệu hóa một hệ thống phòng không S-400 của Nga vào tháng 8/2023. Theo một số kênh Telegram của Ukraine, Kiev đã sử dụng tên lửa này tấn công kho đạn dược của Nga ở Rostov Oblast vào ngày 11/1/2025. Nhưng bằng chứng về các cuộc tấn công bằng Neptune phần lớn chỉ giới hạn trong các tuyên bố của chính phủ Ukraine.
"Đã có những cuộc thảo luận về việc Ukraine sẽ sản xuất tên lửa hành trình chống hạm. Nhưng trên thực tế, Kiev vẫn chưa thiết lập được dây chuyền sản xuất hàng loạt. Hầu như mọi công việc đều được tiến hành một cách thủ công. Nhiều khả năng họ chỉ chế tạo được vài quả mỗi tháng", ông Hoffmann lưu ý.
Tên lửa đạn đạo Thunder 2
Khác với tên lửa hành trình Neptune, tên lửa Thunder 2 hay Hrim 2 là tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường quán tính. Về mặt lý thuyết, tên lửa có thể đạt tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia cho biết, với tầm bắn hơn 500km, tên lửa Hrim-2 có thể mang theo đầu đạn 500kg với độ chính xác đáng kể. Với tầm bắn này, Kiev có khả năng tiến hành các cuộc tấn công vươn xa tới thủ đô Moscow. Với đường bay đạn đạo (được phóng lên ở độ cao lớn, sau đó chuyển động với tốc độ rất nhanh nhằm vào mục tiêu), Hrim-2 có thể giúp tránh được các hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 tiên tiến của Nga.
Chương trình này được Ukraine phát triển từ năm 2006 dưới tên gọi Sapsan. Các quan chức Ukraine cho biết, tên lửa Hrim 2 cuối cùng đã vượt qua thử nghiệm vào cuối năm 2024. Còn Tổng thống Zelensky cho biết, cuộc thử nghiệm đã đạt được "kết quả tích cực".
Tên lửa đạn đạo Grom-2
Grom-2 là tên lửa đạn đạo do Ukraine sản xuất, với đầu đạn nặng 480kg, có tầm bắn 300 km, nhưng có thể nâng lên 500 km hoặc 700 km trong trường hợp cần thiết, tương đương tên lửa Iskander của Nga. Tên lửa có thể mang theo nhiều loại đầu đạn như nổ mảnh, xuyên phá, bom chùm hoặc nhiệt áp.
Grom-2 được gắn trên khung gầm xe tải 6x6, đồng thời cũng đóng vai trò là phương tiện phóng di động. Hệ thống được trang bị 2 bệ phóng tên lửa kéo theo đằng sau đầu xe tải. Loại tên lửa này được thiết kế để thay thế tên lửa Tochka-U thời Liên Xô. Phiên bản xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 280 km.
Theo giới phân tích, tên lửa Grom-2 có thể là phương tiện chính để Ukraine phá hủy các căn cứ không quân của Nga cách tiền tuyến khoảng 500km. Với tốc độ bay khoảng Mach 7, tên lửa có khả năng tiếp cận mục tiêu chỉ trong vài phút, khiến đối phương không kịp phản ứng.
Tên lửa Korshun và Vilcha
Tên lửa hành trình Korshun và hệ thống tên lửa phóng loạt Vilcha từng là chủ đề được nhắc đến trên báo chí vào cuối những năm 2010. Ukraine đã phải gác lại các dự án phát triển tên lửa này do thiếu kinh phí. Nhưng giờ đây, khi xung đột ngày càng leo thang ,Kiev đang xem xét nối lại hai dự án trên.
Dự án chế tạo Korshun bị gác lại kể từ cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine năm 2019. Một số báo cáo cho biết, Korshun là tên lửa chống hạm đầu tiên do Ukraine tự thiết kế và được quân đội nước này giới thiệu vào tháng 9/2014. Nó rất giống với tên lửa hành trình Kh-55 của Nga.
Vilcha là một tổ hợp tên lửa từ thời Liên Xô nhưng được nâng cấp lại, hứa hẹn sẽ sử dụng tên lửa hiện đại do Ukraine sản xuất với độ chính xác cao hơn so với các phiên bản cũ. Mặc dù tên lửa từng xuất hiện trong các cuộc diễu binh của Ukraine năm 2018, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó được sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.
Tên lửa Trembita
Một trong những dự án đáng chú ý của Ukraine là dự án chế tạo tên lửa Trembita, còn được gọi là tên lửa của nhân dân vì có giá thành phải chăng và hiệu quả cao. Tên lửa có thể đạt tốc độ 400 km/giờ với tầm bắn 200 km. Động cơ của Trembita là phiên bản được cải tiến của động cơ phản lực xung, có giá 200 USD.
Vì sao Kiev khó xây dựng chương trình tên lửa quy mô lớn?
Việc sản xuất động cơ, hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn cũng như cung cấp nhiên liệu cho các tên lửa truyền thống đòi hỏi Ukraine phải xây dựng được những nhà máy quy mô lớn với đội ngũ nhân sự có trình độ kỹ thuật cao.
"Đây giống như một cấp độ nâng cao của khoa học, kỹ thuật và vật lý. Ukraine hiện không có tổ hợp công nghiệp quân sự để chế tạo tên lửa”, James Acuna, cựu kiến trúc sư hải quân và sĩ quan CIA ở Đông Âu lưu ý.
Còn nhà phân tích Duitsman cho rằng, vấn đề không phải là trình độ công nghệ của Ukraine mà là các cuộc không kích của Nga.
“Một khi Ukraine xây dựng được ngành công nghiệp cơ bản, mọi thứ sẽ không quá khó khăn. Tuy vậy việc chế tạo tên lửa sẽ đối mặt với thách thức lớn khi Nga cố gắng tấn công và phá hủy các nhà máy của họ”.
Trong những tháng đầu của cuộc chiến, Nga đã phá hủy một kho nhiên liệu rắn khổng lồ dành cho tên lửa trong một nhà máy hóa chất tại Pavlohrad, ở rìa phía tây Donbass. Sau vụ tấn công vào Kiev ngày 20/12/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã tấn công viện thiết kế Luch - nơi đã hoàn thành kế hoạch sản xuất tổ hợp tên lửa Neptune và tổ hợp tên lửa dẫn đường Vilcha.
Với những mối đe dọa an ninh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ukraine giữ bí mật về chi tiết chương trình tên lửa của họ. Khi được hỏi về vấn đề này, một đại diện của Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine đã từ chối bình luận và cho đây là "chủ đề nhạy cảm".