Hé lộ vũ khí Nga khiến Ukraine lo sợ, còn NATO không có đối thủ ngang tầm
VOV.VN - NATO nhiều lần phá vỡ giới hạn, cung cấp các loại vũ khí ngày càng hiện đại hơn cho Ukraine. Nhưng điều này dường như chưa đáp ứng đủ nhủ cầu của Ukraine khi Kiev muốn sở hữu các loại tên lửa tương đương với tên lửa hành trình tầm xa hiện đại của Nga.
Hơn 18 tháng sau khi xung đột Nga Ukraine nổ ra, các nước NATO đã nhiều lần phá vỡ giới hạn, cung cấp các loại vũ khí ngày càng nguy hiểm và hiện đại hơn cho Ukraine.
Mới đây, một số phương tiện truyền thông đưa tin, Ukraine muốn được phương Tây cung cấp các loại tên lửa hành trình có tính năng và sức mạnh tương đương như tên lửa Kalibr và Kh-101 của Nga. Theo giới phân tích, có nhiều lý do khiến Ukraine muốn sở hữu những tên lửa như vậy.
Phương Tây đã cung cấp gần 100 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có nhiều loại vũ khí như pháo tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tên lửa hành trình và hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS. Nhưng điều này dường như chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Ukraine khi Kiev muốn sở hữu các loại tên lửa tương đương với tên lửa hành trình tầm xa hiện đại của Nga.
“Chúng tôi muốn có các loại tên lửa tương đương với tên lửa Kalibr và Kh-101 của Nga”, một nguồn tin trong Bộ Tổng tham mưu của Ukraine cho biết. Nguồn tin này nhấn mạnh, tên lửa Nga có tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình rất tốt khiến chúng khó bị đánh chặn. Ukraine sẵn sàng sử dụng vũ khí tấn công tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công “ngay khi chúng tôi phát hiện mục tiêu và xác định vị trí”.
Sức mạnh của tên lửa Kalibr
Kalibr là tên lửa hành trình hiện đại hàng đầu trong biên chế của quân đội Nga, được thiết kế để khai hỏa từ tàu ngầm và tàu chiến trên mặt nước. Tên lửa này gồm các biến thể diệt hạm, chống ngầm và tấn công đất liền, có tầm hoạt động từ 220 đến 4.500km, mang tải trọng thuốc nổ từ 400 đến 500kg hoặc vũ khí hạt nhân.
Quá trình phát triển Kalibr bắt đầu vào những năm 1980, khi quân đội Liên Xô giao nhiệm vụ cho Phòng thiết kế Novator (hiện là một phần của công ty chế tạo tên lửa Almaz-Antey) có trụ sở tại Sverdlovsk tạo ra một phiên bản phi hạt nhân mới của tên lửa hành trình chiến lược KS-122. Novator đã hoàn thành công việc phát triển tên lửa mới có khả năng tăng tốc đẻ đạt tốc độ siêu thanh ở giai đoạn cuối hành trình vào năm 1990. Kalibr lần đầu ra mắt công chúng tại một triển lãm quân sự vào năm 1993.
Ưu điểm chính của Kalibr là được thiết kế theo kiểu mô-đun với tốc độ và tầm bay ấn tượng, có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và phóng từ các phương tiện trên biển hoặc trên không.
Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa Kalibr vào giữa những năm 1990 và đã cho ra đời với hơn 10 phiên bản nội địa và xuất khẩu trong suốt 2,5 thập kỷ qua. Nga lần đầu sử dụng tên lửa này tại Syria vào năm 2015, để tấn công các phần tử khủng bố. Tên lửa được phóng từ các tàu hộ tống nhỏ của Hải quân Nga ở Biển Caspian và từ các tàu chiến hạng nặng và tàu ngầm ở Địa Trung Hải.
Ở giai đoạn đầu xung đột Nga-Ukraine, Moscow đã bắn hàng chục tên lửa Kalibr vào các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine nhằm vào sở chỉ huy, căn cứ không quân và hệ thống phòng không. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng tên lửa này tấn công cơ sở hạ tầng năng lược của Ukraine nhằm đáp trả các cuộc tập kích liên tiếp của Kiev vào cơ sở hạ tầng dân sự Nga, trong đó có cầu Crimea.
Giới quan sát cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Kalibr là một trong những tên lửa tầm xa “hiệu quả nhất” được sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine, nhờ hệ thống dẫn đường quán tính, khả năng chống nhiễu, khả năng bám sát mặt đất khi bay và khả năng tăng tốc trong quá trình bay, giúp tăng khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương và nhắm mục tiêu với độ chính xác cao.
Liệu NATO có tên lửa ngang tầm với Kalibr?
Loại tên lửa của NATO có tính năng và sức mạnh gần bằng Kalibr được cho là Tomahawk. Đây là tên lửa hành trình cận âm tầm xa do Mỹ sản xuất, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn thông thường nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân có hiệu suất thấp hoặc trung bình, tầm hoạt động từ 460 đến 2.500km tùy phiên bản.
Trong khi Nga xuất khẩu các biến thể của Kalibr tới một số quốc gia như Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, thì Mỹ đã hạn chế đáng kể việc xuất khẩu tên lửa này. Cho đến nay, Mỹ chỉ cung cấp cho một quốc gia đồng minh là Anh.
So với Kalibr, Tomahawk có tầm bắn và độ chính xác kém hơn. Ngoài ra, việc giữ tốc độ bay cận âm ổn định khiến nó dễ bị phòng không đối phương bắn hạ. Trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003, Mỹ đã mất 30 tên lửa này.
Theo chuyên gia quân sự Yury Knutov, ưu điểm nổi bật của Kalibr là khả năng thay đổi tốc độ nhanh chóng và rất cơ động. Kalibr cũng được trang bị các thuật toán hiện đại để đối phó và né tránh các hệ thống phòng không tiên tiến. Khả năng này mang lại cho tên lửa lợi thế khá lớn, Yury Knutov lưu ý.
Uy lực của tên lửa Kh-101
Kh-101 là tên lửa hành trình tầm xa chiến lược của Nga được trang bị cho quân đội vào năm 2013. Tên lửa do Cục thiết kế Raduga nghiên cứu và phát triển từ những năm 1970 và 1980. Kh-101 có tầm bắn 5.500km, mang đầu đạn nặng 400kg. Phiên bản nâng cấp Kh-102 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có công suất từ 250 đến 500 kiloton.
Giống như Kalibr, Nga lần đầu sử dụng Kh-101 tại Syria trong từ năm 2015-2017, để tấn công thành trì và trung tâm chỉ huy của các lực lượng khủng bố. Kể từ tháng 2/2022, Nga đã triển khai tên lửa để tấn công các mục tiêu chiến lược phía sau tiền tuyến ở Ukraine.
Kh-101 được trang bị công nghệ giảm tín hiệu radar, hệ thống dẫn đường quán tính được trang bị hiệu chỉnh quang điện tử và đầu dẫn đường được sử dụng cho giai đoạn cuối của chuyến bay để giảm hiệu quả gây nhiễu. Quỹ đạo của Kh-101 có thể được điều chỉnh trong khi bay.
Tên lửa Kh-101 sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga để điều chỉnh đường đạn và có sai số chỉ từ 5 đến 6m, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay linh hoạt. Ngoài ra tên lửa cũng được trang bị công nghệ làm giảm tín hiệu radar.
Tên lửa này có thể được phóng từ phi đội máy bay ném bom chiến lược của Nga, trong đó có máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-95, Tu-160 và máy bay ném bom tầm trung siêu thanh Su-34. Tầm bắn của tên lửa Kh-101/Kh-102 được cho là vượt trội hơn bất cứ tên lửa hành trình nào khác trên thế giới. Chỉ có tên lửa hành trình tiên tiến AGM-129 (ACM) của Mỹ có tầm bắn gần tương đương, khoảng 3,700km. AGM-129 hiện đã ngừng hoạt động do các vấn đề về độ tin cậy và chi phí bảo trì cao.
Ngoài ra, Mỹ còn một loại tên lửa khác có tính năng gần giống Kh-101 là tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86, ra mắt vào đầu những năm 1980, tầm hoạt động hơn 2.400 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52H.