Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đẩy Nga-Mỹ sa vào chiến tranh lạnh mới?
VOV.VN - Ngày 27/5, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra cảnh báo cứng rắn nhất cho vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động đáp trả song Mỹ và các đồng minh đã phớt lờ cảnh báo này. Trong khi đó, cả Romania và Ba Lan đã cho phép Mỹ triển khai các phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở khu vực châu Âu.
Trong tháng này, Mỹ đã kích hoạt “lá chắn tên lửa” tại miền Nam Romania, nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu là cần thiết để bảo vệ nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ Iran và đây không phải là mối đe dọa với Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. - Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng lý do mà Mỹ đưa ra là vô nghĩa bởi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 đã hạn chế chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong khi, các tên lửa của Mỹ từ hệ thống lá chắn này lại có thể dễ dàng bắn tới các thành phố của Nga.
Phát biểu ngày 27/5 khi đang ở thăm Hy Lạp, ông Putin cho biết: “Nếu Romania đơn giản không biết hệ thống này nhằm vào mục tiêu nào thì chúng tôi vẫn buộc phải có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Nga. Tôi nhắc lại rằng đây sẽ là những biện pháp “trả đũa”. Một hệ thống tương tự sẽ được triển khai tại Ba Lan và chúng tôi đang chờ đợi những hành động cụ thể từ Ba Lan. Chúng tôi sẽ không hành động cho đến khi nhìn thấy những tên lửa được triển khai sát biên giới Nga”.
Tổng thống Nga Putin không đề cập cụ thể các bước đi đáp trả mà Nga sẽ tiến hành, nhưng ông cảnh báo đây sẽ là các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania ngày 12/5 vừa. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu.
Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bổ sung cho các hệ thống ra-đa và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Nga có quyền đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ
Việc Mỹ tiếp tục theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, khiến cho quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ, vốn chưa bao giờ hạ nhiệt, tiếp tục leo thang. Nga cho rằng kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở các nước Đông Âu sát biên giới với Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga.
Tổng thống Putin nêu rõ, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, song sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa này.
Giới chuyên gia dự báo, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ sẽ chỉ khiến Nga-Mỹ sa chân vào một cuộc chiến tranh lạnh mới và căng thẳng Đông-Tây vì thế sẽ không có hồi kết./.