Mỹ rút tên lửa Patriot khỏi 3 nước Trung Đông khi Nga đưa S-300 đến Syria
VOV.VN - Theo Wall Street Journal, Lầu Năm Góc sẽ rút 4 tổ hợp tên lửa Patriot PAC-3 khỏi 3 nước Trung Đông trong tháng tới.
Wall Street Journal dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, Mỹ sẽ rút tổ hợp Patriot PAC-3 triển khai tại Jordan và Bahrain trong tháng 10, và rút 2 tổ hợp tương tự tại Kuwait. Hiện tại các tổ hợp Patriot PAC-3 đã không còn được vận hành và đang được chuẩn bị được dỡ bỏ.
Một bệ phóng tên lửa Patriot tại Kuwait. Ảnh: Reuters
Mỹ sẽ không thay thế các tổ hợp Patriot triển khai tại 3 nước Trung Đông nói trên bằng một hệ thống tương tự khác. Do đó, quyết định của Mỹ có thể sẽ làm giảm khả năng phòng vệ của Jordan, Bahrain và Kuwait.
Wall Street Journal không tiết lộ các tổ hợp Patriot này sẽ được tái triển khai ở nơi nào khác, nhưng nói rằng đây là một phần trong chiến lược của Lầu Năm Góc chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Trung Quốc và Nga –hai cái tên vốn được coi là mối đe dọa chính đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ trong bản báo cáo chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump.
Tổ hợp MIM-104 Patriot được coi là đối thủ ngang hàng với hệ thống S-300 và S400 của Nga. Hiện tại các phiên bản hệ thống phòng không tầm xa PAC-3 được sử dụng để bảo vệ các địa điểm chiến lược khỏi tên lửa và máy bay của kẻ thù.
Đáng chú ý, động thái của Mỹ được công bố trong bối cảnh Nga quyết định cung cấp hệ thống S-300 tới Syria, sau vụ Phòng không Syria bắn rơi máy bay quân sự IL-20 của Nga trong thời gian Israel tiến hành không kích nhằm vào Syria.
Phản ứng về thông tin này, giới chức quân sự Kuwait nói rằng, nước này cũng có hệ thống phòng không tầm xa Patriot mua của Mỹ và Kuwait có đủ sức để bảo vệ quốc gia.
Mỹ thường triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến tới các nước đồng minh – những nước đang muốn tăng cường khả năng phòng thủ. Đầu năm 2013, Mỹ, Đức và Hà Lan đã triển khai hệ thống Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Ankara phàn nàn về những mối đe dọa dấy lên từ cuộc chiến ở nước láng giềng Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ không tự chế tạo được hệ thống phòng của riêng mình và phải chọn đối tác nước ngoài để đặt mua. Trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh châu Âu căng thẳng trong mấy năm gần dây, các nhà cung cấp vũ khí Mỹ và châu Âu đã rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này cũng được phản ánh trong quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga hơn là hệ thống tương tự do một nước NATO sản xuất, bất chấp sự phản đối từ Mỹ./.
Tính toán của Tổng thống Nga Putin khi bàn giao S-300 cho Syria