Năng lực của hệ thống phòng không Ukraine muốn phương Tây tăng cường hỗ trợ
VOV.VN - Nga tiến hành hàng loạt cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố lớn của Ukraine tuần qua. Động thái này đã thúc đẩy Kiev kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến.
Tại cuộc họp Thượng đỉnh G7 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định: "Khi Ukraine nhận được đủ hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả - các cuộc tấn công tên lửa từ Nga sẽ không còn tác dụng".
Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này đang thúc đẩy quá trình chuyển giao 2 hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS cho Ukraine.
Phát biểu tại trụ sở của NATO ở Bỉ ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, Washington và các đối tác "đang làm mọi thứ có thể để Ukraine nhận được những gì họ cần nhằm bảo vệ người dân Ukraine", song không thông báo về các gói hỗ trợ mới.
Hệ thống phòng không hoạt động như thế nào?
Các hệ thống phòng không sẽ phóng các vật thể bay để đánh chặn và phá hủy các mối đe dọa từ trên không như tên lửa, trực thăng và UAV.
Hệ thống phòng không không phải đơn giản chỉ phát hiện và bắn hạ những thứ nó phát hiện trên radar. Một đốm sáng trên màn hình radar được xác định thông qua việc nó hoạt động như thế nào và có các đặc tính ra sao, trong đó có các yếu tố như tốc độ và độ cao, ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Những người điều khiển hệ thống phải đánh giá liệu vật thể được phát hiện có phải là máy bay dân sự hoặc máy bay chiến đấu của đồng minh hay không. Khi mối đe dọa được xác định, người điều khiển và chỉ huy quân sự sẽ phải quyết định liệu sẽ làm gì để ngăn chặn nó. Thời gian luôn là kẻ thù của hệ thống phòng không và một tên lửa có thể bay đủ nhanh để rời khỏi khu vực kiểm soát trước khi quân đội xác định, theo dấu và bắn hạ nó.
"Bạn có thể nhìn thấy nó nhưng có thể bạn không thể làm gì để ngăn chặn nó", ông Karako nói.
Cấu tạo của mỗi hệ thống phòng không cũng khác nhau. Chẳng hạn, NASAMS bao gồm trạm chỉ huy, bộ cảm biến, hệ thống radar và đạn dược được phóng từ một bệ phóng cố định hoặc từ thân xe tải quân sự. Đây là hệ thống phòng không được sử dụng để bảo vệ Nhà Trắng.
Hạn chế của hệ thống phòng không
Các tên lửa đạn đạo được phóng từ mặt đất sinh ra nhiều nhiệt, do đó các hệ thống phòng không có thể phát hiện ra bệ phóng của nó ngay lập tức. Chúng cũng bay với một lộ trình di chuyển dễ đoán, Dự án Phòng thủ Tên lửa cho hay trong báo cáo gần đây.
Trong khi đó, các tên lửa hành trình được phóng từ máy bay hoặc từ trên tàu. Chúng được thiết kế để bay ở độ cao thấp, nơi mà đường chân trời và các yếu tố khác như đồng ruộng có thể che giấu loại vũ khí này, khiến cho nó không thể bị phát hiện trong một vài phút quan trọng.
Điều đó tức là không gian mà các hệ thống phòng không có thể giám sát hiệu quả mở rộng hoặc thu hẹp tùy thuộc vào độ cao mà vật thể bay đang di chuyển. Vật thể bay càng cao, tiếng ồn xung quanh càng ít thì nó càng dễ bị bộ cảm biến của hệ thống phòng không phát hiện.
Quân đội Mỹ đang cố gắng thay đổi điều đó, chuyên gia Karako cho hay. Một giải pháp có thể được tính tới là sắp xếp các thiết bị cảm biến ở một số nơi có thể thu thập thông tin về vật thể và ra lệnh cho một đội phòng không thay vì dựa vào một vài hệ thống khó có thể tiếp cận gần vật thể. Một giải pháp nữa là đặt các thiết bị cảm biến tại các vị trí cao, chẳng hạn như một tòa tháp, để tạo ra không gian giám sát rộng hơn.
Một vấn đề nữa với hệ thống phòng không là: Các mối đe dọa luôn nhiều hơn các hệ thống có thể đánh bại nó. Trong khi Ukraine sở hữu một số hệ thống phòng không như S-300 thời Liên Xô thì chúng có thể là mục tiêu ưu tiên của Nga, do đó, một vài hệ thống đã bị phá hủy trong quá trình giao tranh.
"Những gì Ukraine yêu cầu và những gì chúng ta cho rằng mình có thể cung cấp là một hệ thống phòng không tích hợp với phòng thủ tên lửa”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley nhận định khi nói về tổ hợp các hệ thống có tầm bắn khác nhau.
"Chúng không kiểm soát toàn bộ không phận Ukraine nhưng được thiết kế để kiểm soát các mục tiêu ưu tiên mà Ukraine cần bảo vệ".
Phương Tây cung cấp cho Ukraine những gì?
Vào tháng 7/2022, Mỹ cam kết cung cấp 2 hệ thống NASAMS cho Ukraine. Là một hệ thống tầm trung, radar của nó có thể quan sát các mối đe dọa cách xa gần 130km, phụ thuộc vào radar được sử dụng và các yếu tố khác như thời tiết, kích cỡ và độ cao của mục tiêu. Những hệ thống này sẽ đến tay Ukraine trong một vài tuần, các quan chức Mỹ cho hay, song việc cung cấp 6 hệ thống còn lại có thể sẽ bị trì hoãn. Lầu Năm Góc cho biết có thể phải mất tới một vài năm để hoàn tất các thủ tục và chuyển giao chúng cho Ukraine. Đây là một phần trong nỗ lực dài hơi để xây dựng hệ thống phòng thủ ở Ukraine, Lầu Năm Góc thông báo.
Các nước phương Tây khác cũng cam kết cung cấp các hệ thống tương tự cho Kiev, Đức cho biết 4 hệ thống phòng không IRIS-T sẽ được cung cấp cho Ukraine. Theo các nhà phân tích, hệ thống này mới đến nỗi nó chưa từng được sử dụng trong môi trường chiến đấu. Ukraine cũng đang quan tâm đến hệ thống SAMP/T của Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/10 đã cam kết sẽ cung cấp gói hỗ trợ cho Ukraine trong một vài tuần tới, song không nêu cụ thể có chuyển giao hệ thống trên hay không.
Một thách thức mà phương Tây đối mặt trong việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine là sự khan hiếm của một số hệ thống cũng như những công nghệ bí mật của nó. Washington vẫn do dự cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine bởi Mỹ không muốn hệ thống này rơi vào tay Nga. Ông Milley đã đề cập đến hệ thống trên trong bài phát biểu ngày 12/10, nhưng không nói liệu Mỹ có thay đổi lập trường hay không.
Trong khi đó, Israel từ chối yêu cầu cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Ukraine, hệ thống được cho là có hiệu quả cao trước các cuộc không kích tên lửa.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định ngày 11/10 rằng Ukraine có một số yếu tố để thiết lập "hệ thống phòng không theo tầng", trong đó có các tên lửa tầm ngắn Stinger và hệ thống phòng không tầm xa S-300.
Dù vậy, quan chức này đánh giá: "Không có hệ thống vũ khí nào được coi là viên đạn bạc trong việc đối phó với các tên lửa hành trình"./.