NATO kéo dài sự hiện diện quân sự tại Afghanistan
VOV.VN - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí tiếp tục kéo dài hiện diện quân sự và duy trì mức binh sĩ đóng ở Afghanistan.
Họ cũng khẳng định lại cam kết sẽ cấp vốn cho các lực lượng an ninh của nước này đến năm 2020.
Cam kết này sẽ kéo dài sự hiện diện quân sự lâu nhất của liên minh quân sự này tại Afghanistan.
(Ảnh: Getty). |
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 9/7 cho biết các đồng minh NATO hứa sẽ cấp kinh phí hàng năm khoảng 1 tỉ USD để trợ giúp quân đội Afghanistan trong vòng ba năm tới nhằm bảo đảm nguồn trợ giúp tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2020.
Tuy nhiên, người đứng đầu NATO không cho biết khi nào sự tham gia quân sự này có thể chấm dứt. Hiện nay, có khoảng 12.000 đội quân NATO hiện diện tại Afghanistan.
Dù đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn an ninh trong nước vào năm 2015 song các lực lượng an ninh Afghanistan đã phải vật lộn để ngăn chặn sự nổi dậy của Taliban cũng như các cuộc tấn công từ các chiến binh liên kết với băng đảng al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, ông Stoltenberg cho biết: "Afghanistan vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực và bất ổn nghiêm trọng. Vì vậy, thông điệp của chúng tôi rõ ràng: Afghanistan sẽ không đơn độc và chúng tôi cam kết sẽ hợp tác lâu dài”.
NATO cũng yêu cầu cải cách các lực lượng an ninh Afghanistan vốn đang phải vật lộn với tệ nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền dai dẳng.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng đã hợp thức hoá một thoả thuận thành lập bốn tiểu đoàn gồm khoảng 1.000 quân mỗi tiểu đoàn được triển khai dọc sườn Đông của khối này.
Đức sẽ dẫn đầu một tiểu đoàn đa quốc gia tại Litva và các tiểu đoàn tương tự sẽ do Mỹ dẫn đầu tại Ba Lan, Anh dẫn đầu tại Estonia và Canada dẫn đầu Latvia.
Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho biết Bỉ sẽ cung cấp ít nhất 150 binh sĩ cho tiểu đoàn mới của NATO đóng tại Litva. Song ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết "duy trì đối thoại mở với Nga vì chúng ta cần đàm phán về vấn đề Syria và Iraq"
Kế hoạch này được xây dựng nhằm triển khai các lực lượng trên cơ sở luân phiên tới vạt Đông Âu đã từng là phần của Liên Xô cũ trong thời gian Chiến tranh Lạnh, do vậy khiến Nga giận dữ.
Cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev đã chỉ trích NATO làm leo thang căng thẳng với Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga Interfax, ông Gorbachev cho hay: "NATO bắt đầu chuẩn bị biến cuộc Chiến tranh Lạnh thành Chiến tranh Nóng. Mọi lời hùng biện ở Warsaw chỉ cho thấy một mong muốn gần như tuyên chiến với Nga. Thay vì chỉ bàn về quốc phòng, thực tế họ đang chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công”.
Tổng thống Litvia Dalia Grybauskaite, người được mệnh danh là "Người Đàn bà Thép” vì đường lối cứng rắn với Moscow, cho biết điều quan trọng đối với NATO là cân bằng một vị thế quốc phòng mạnh với chính sách ngoại giao mở với đất nước được trang bị vũ khí hạt nhân như Nga. Bà nói: "Chúng ta không khoá mình trong một bức tường sắt và điều này cũng nói lên rằng chúng ta đoàn kết và vững mạnh vì chúng ta có thể cởi mở, không sợ hãi và đàm phán với Nga."/.