6 tháng xung đột Nga - Ukraine: So sánh sức mạnh vũ khí chủ lực của hai bên

VOV.VN - Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đang rơi vào bế tắc và chưa bên nào có thể tạo ra những thay đổi đáng kể cục diện chiến trường.

Sáu tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả 2 bên đều hứng chịu thiệt hại đáng kể về người và của. Cho tới nay, các lực lượng Nga đã kiểm soát được khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm một dải lớn ở miền Đông và miền Nam.

Sức mạnh trên không

Trong một bài viết trên Atlantic Council, ông Richard D. Hooker, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề về châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ) cho rằng phi đội khoảng 100 máy bay của Ukraine không thể so sánh với phi đội hơn 1.500 máy bay của Nga. Ukraine khó có thể yểm trợ từ trên không cho các lực lượng mặt đất vì sợ mất các máy bay hiệu suất cao (chủ yếu là máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 cùng máy bay cường kích Su-24 và Su-25). Thay vào đó, Kiev phải cân nhắc và sử dụng phi đội máy bay một cách chọn lọc.

Mặt khác, Ukraine được cho là đã thành công trong việc ngăn chặn Nga chiếm ưu thế trên không. Mặc dù không có các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot của Mỹ hay S-400 của Nga, các hệ thống S-300 (tầm cao), SA-11 (tầm trung bình) và SA-8 (tầm ngắn) cũ hơn của Ukraine vẫn có thể gây thiệt hại cho đối phương.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một số lượng nhỏ hệ thống phòng không tầm ngắn đến tầm trung NASAM, trong khi Đức cũng cam kết sẽ gửi các phương tiện phòng không Gepard mà Berlin đã loại biên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đạn dược đã gây khó khăn cho Ukraine khi sử dụng các hệ thống vũ khí này trên chiến trường.

Với số lượng lớn tên lửa vác vai Stinger do Mỹ cung cấp, kết hợp với chiến thuật “bắn và chạy” để tránh đòn đáp trả của đối phương, lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã bắn hạ nhiều máy bay của Nga. Theo ông Hooker,  phải có số lượng lớn tên lửa phòng không thì Kiev mới có thể chiếm ưu thế trước các lực lượng Nga.

Ukraine cũng đã sử dụng hiệu quả máy bay không người lái (UAV) trong xung đột với Nga. Các UAV chủ chốt của Ukraine gồm Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng ném bom dẫn đường bằng laser, cùng Phoenix Ghost và Switchblade do Mỹ cung cấp.

Các UAV quân sự này cùng với hàng nghìn UAV thương mại giá rẻ khác đã được sử dụng để phát hiện pháo binh đối phương và thu thập thông tin tình báo. Dù các lực lượng Nga đã tìm cách khắc chế và tỷ lệ mất UAV của Ukraine khá cao, nhưng với chi phí thấp và khả năng sẵn sàng hoạt động UAV sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột hiện nay. Khi được liên kết với các đơn vị pháo binh ở gần, UAV cho phép thu nhận mục tiêu nhanh chóng và khai hỏa chính xác, tận dụng tối đa nguồn lực pháo binh hạn chế của Ukraine.

Pháo binh và xe tăng

Một yếu tố khác quan trọng không kém sức mạnh trên không là pháo binh. Ukraine bước vào cuộc xung đột với các loại loại pháo từ thời Liên Xô, hiện đã lỗi thời và khan hiếm đạn dược.

So với 500 khẩu pháo của Ukraine, Nga có số lượng lớn hơn, khoảng 2.000 khẩu pháo, hiện đại và mạnh mẽ hơn rất nhiều, có thể bắn số lượng đạn hàng ngày nhiều hơn Ukraine khoảng 10 lần.

Việc bổ sung các hệ thống pháo 155mm từ Mỹ, Đức, Pháp và các quốc gia khác đã giúp củng cố đáng kể lực lượng pháo binh Ukraine, nhưng Nga vẫn giữ được lợi thế lớn.

Ở điểm này, Mỹ có thể gửi cho Ukraine pháo tự hành M109A6 155mm, hiện đang được niêm cất với số lượng lớn. M109A6 có khả năng sống sót cao hơn trước hỏa lực của đối phương, dễ dàng thay thế và có kíp lái ít hơn. M109A6 cũng rất phù hợp với địa hình và môi trường hoạt động của Ukraine.

Bên cạnh đó, lực lượng xe tăng cũng phải được tăng cường đáng kể. Khi xung đột bùng phát, xe tăng tiêu chuẩn của Ukraine là T-64B, một thiết kế cũ từ thời Liên Xô, không có giáp phản ứng nổ, ống ngắm nhiệt và đạn dược hiện đại.

Ba Lan đã cam kết cung cấp 240 xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 cùng với số lượng nhỏ T-72 của Séc. Trong trường hợp xung đột có thể kéo dài tới năm 2023, Mỹ có thể xem xét cung cấp một số lượng lớn xe tăng M1A1. Mặc dù không phải là mẫu xe tăng mới nhất nhưng M1A1 vẫn phù hợp để đối đầu với hầu hết các loại xe tăng của Nga 

Đâu sẽ là yếu tố thay đổi ?

Yếu tố thay đổi trong cuộc chiến pháo binh sẽ là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao biến thể bánh lốp M142 HIMARS và bánh xích M270 MLRS. Cả hai đều có tầm bắn xa, chính xác, cơ động và khả năng hủy diệt cao. Cho tới nay, mới chỉ có một số lượng ít các hệ thống như vậy đã được chuyển cho Ukraine và được cho là đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Trong khi Ukraine vẫn sử dụng các hệ thống tên lửa pháo binh cũ hơn như BM-21 Grad và BM-30 Smerch, nhưng HIMARS và MLRS lại vượt trội hơn nhiều về tầm bắn và độ chính xác.

Để cân bằng tình thế Ukraine cần khoảng 50 hệ thống HIMARS hoặc MLRS hoặc hơn, và họ cần cả loại đạn ATACMS.

Tuy nhiên cho tới nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa cung cấp cho Ukraine loại đạn ATACMS tầm bắn lên tới 480km do lo ngại Ukraine có thể sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, từ đó khiến xung đột lan rộng.

Sự ủng hộ của phương Tây

Theo ông Richard Hooker, Ukraine phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây. Gần 6 tháng kể từ khi xung đột Nga Ukraine nổ ra, phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng này vẫn mạnh mẽ và thống nhất. Phương Tây cũng đã nhất trí áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều cá nhân, tổ chức của Nga, trong đó có Tổng thống Putin cùng các nhân vật xung quanh ông.

Tuy nhiên, sự đồng thuận của phương Tây có thể tan vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao, thiếu hụt năng lượng sưởi ấm cho các ngôi nhà và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Ngoài chi phí về kinh tế và quân sự mà phương Tây phải gánh chịu, cũng có những lo ngại rằng, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu trở nên mỏi mệt khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc và không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện xung đột.

Một số nhà quan sát nhận định, các nước phương Tây có thể không rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine nhưng họ chắc chắn phải cắt giảm nguồn lực tài trợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga
Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

VOV.VN - Sau nhiều tháng tập trung vào vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, Mỹ dường như thay đổi chiến lược viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 6 tháng.

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

VOV.VN - Sau nhiều tháng tập trung vào vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, Mỹ dường như thay đổi chiến lược viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 6 tháng.

Dự đoán khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột
Dự đoán khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột

VOV.VN - Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đã trở thành một chiến dịch dồn dập với các cuộc không kích và pháo kích hàng ngày cùng các trận chiến không có kết cục rõ ràng.

Dự đoán khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột

Dự đoán khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột

VOV.VN - Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đã trở thành một chiến dịch dồn dập với các cuộc không kích và pháo kích hàng ngày cùng các trận chiến không có kết cục rõ ràng.

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?
6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

VOV.VN - 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cục diện quân sự cũng như diễn biến chính trị đã có nhiều thay đổi.

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

6 tháng xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi những gì?

VOV.VN - 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cục diện quân sự cũng như diễn biến chính trị đã có nhiều thay đổi.