Australia cân nhắc chiến lược “4 nước đối phó Trung Quốc“
Australia ngày 4/3 thông báo sẽ cân nhắc lời kêu gọi mới được nhắc lại về việc thành lập một liên minh hải quân không chính thức với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ
Trước đó hôm 2/3 tại New Dehli, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris một lần nữa kêu gọi thực hiện “đối thoại 4 bên” giữa những nền dân chủ lớn trong khu vực - khái niệm từng được nêu ra cách đây một thập niên rồi bị bỏ ngang khi có những phản đối ngoại giao của Trung Quốc.
Tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: Reuters |
Khi được hỏi về lời phát biểu trên của ông Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay vẫn để ngỏ cánh cửa với việc khôi phục đối thoại 4 bên. Bà Payne nói: “Chính phủ Australia có nhiều cơ chế chính thức và phi chính thức để tham vấn với các đối tác thân thiết, và chúng tôi có đầu óc cởi mở về những cuộc gặp tham vấn mới có thể diễn ra”.
Đô đốc Harris từng nhấn mạnh rằng Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản cần phải “có tham vọng” bằng cách sẵn sàng thực hiện hoạt động “ở bất cứ nơi nào ngoài biển khơi và ở vùng trời phía trên đó” - một lối nói rõ ràng đề cập đến các nỗ lực mới đây của Trung Quốc nhằm nắm quyền thống trị ở Biển Đông. Một liên minh như vậy nếu được lập ra sẽ có thể bắt đầu với đối thoại về an ninh hàng hải nhưng đương nhiên sẽ mở rộng thành các cuộc diễn tập và hành quân của hải quân. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm với Bắc Kinh vì nó gửi đi tín hiệu rằng các nước dân chủ liên kết với nhau thành một vành đai quanh Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Nhật Bản ngày 4/3 thông báo sẽ cho Philippines thuê 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 để Hải quân Philippines thực hiện tuần tiễu và do thám ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì các máy bay huấn luyện này không trang bị rađa tân tiến và các thiết bị khác, nên chúng chỉ có thể được sử dụng để do thám, trinh sát bằng mắt thường./.