Bản kế hoạch Quốc phòng mới của Nhật Bản nhắm tới mục tiêu gì?
VOV.VN - Nhật Bản nhấn mạnh bản kế hoạch quốc phòng mới được thiết kế để củng cố các tuyến phòng thủ theo yêu cầu của bản Hiến pháp hòa bình.
Đưa 2 tàu sân bay đầu tiên ra biển sau Thế chiến II
CNN ngày 18/12 dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã sẵn sàng đưa các tàu sân bay đầu tiên ra biển kể từ sau Thế chiến II, sau chương trình cải tiến các tàu chiến lớp Izumo để có thể mang theo máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ thiết kế.
Khu trục hạm trực thăng JS Izumo. Ảnh: JMSDF. |
Trong bản kế hoạch quốc phòng 10 năm tới vừa được công bố, Tokyo cho biết họ sẽ mua 42 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35B, loại máy bay vốn được thiết kế để cất cánh khoảng cách ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Những chiếc máy bay này có thể sẽ được triển khai sẵn trên hai khu trục hạm trực thăng JS Izumo và JS Kaga – hai con tàu có chiều dài lên đến 244m, lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn, là những tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản.
“Trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản có những thay đổi mạnh mẽ, Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sau khi công bố bản kế hoạch quốc phòng 10 năm tới.
Ông Suga nói thêm: “Việc xem xét kế hoạch quốc phòng mới là vô cùng có ý nghĩa để cho người dân Nhật Bản và thế giới thấy những gì thực sự cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng của chúng tôi để bảo vệ người dân và đóng vai trò là nền tảng cho tương lai (Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)”.
Kế hoạch quốc phòng mới của Nhật Bản cũng đánh giá Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Mỹ và NATO là những thế lực có tiềm năng quân sự lớn mà Nhật Bản phải quan tâm.
Về hai chiếc tàu đang được hoán cải để trở thành tàu sân bay, kể từ khi đi vào hoạt động trong 3 năm qua, cả khu trục hạm Izumo và Kaga đều có khả năng mang theo những chiếc trực thăng săn ngầm. Hai chiếc tàu này cần phải thiết kế lại mặt sàn để có thể phù hợp hơn với trọng lượng của những chiếc tiêm kích F-35B, cũng như chịu được sức nóng khi máy bay phản lực F-35B hạ cánh thẳng đứng.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể tăng số lượng của đơn hàng các máy bay F-35A, loại máy bay cất cánh và hạ cánh trên đường băng thông thường, nâng tổng số máy bay F-35A trong biên chế các lực lượng vũ trang nước này lên con số 105 chiếc. Được biết, Nhật Bản có 42 chiếc F-35A đang phục vụ hoặc đang là một phần trong đơn hàng mua sắm các thiết bị quân sự trước đó. Những chiếc máy bay này sẽ thay thế máy bay chiến đấu F-15J cũ kỹ của Lực lượng phòng không Nhật Bản.
Máy bay F-35. Ảnh: AFP/Getty. |
Việc mua sắm sẽ được rải đều trong vòng 10 năm, với việc mua 27 chiếc F-35A và 18 chiếc F-35B cũng như hai tàu chiến được tái trang bị.
Tổng chi tiêu trong 5 năm đầu tiên được chốt ở mức 282,4 tỷ USD và trong đó sẽ bao gồm việc thành lập mới các đơn vị an ninh mạng, vận tải... hoạt động trong cả Lực lượng phòng vệ mặt đất, phòng không và phòng vệ bờ biển.
Để mắt tới Trung Quốc
Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhận định, các tàu sân bay mới sẽ mang đến cho Nhật Bản khả năng phòng thủ từ xa tốt hơn. Động thái mới nhất này của Nhật Bản đến sau khi Sách Trắng Quốc phòng của nước này hồi tháng 8/2018 đã chỉ rõ đất nước cần tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ buộc phải chú ý đến năng lực của các tàu sân bay Nhật Bản. Tuy nhiên, cả ông Schuster và Corey Wallace - nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin đều cảnh báo, các tàu sân bay của Nhật Bản đều khá nhỏ, không mang theo được nhiều máy bay – đặc biệt là so với tàu sân bay hạng nặng 90.000 tấn Nimitz của Hải quân Mỹ hoặc thậm chí là tàu sân bay Liêu Ninh 58.000 tấn của Trung Quốc.
Ngay khi tin đồn về kế hoạch hoán cải hai tàu khu trục trực thăng của Nhật Bản bị rò rỉ, Bắc Kinh đã hối thúc Tokyo cần phải thận trọng.
Một bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhận định, việc hoán cải các tàu lớp Izumo và mua tiêm kích F-35B “về cơ bản thay đổi bản chất của các tàu chiến này từ phòng thủ sang tấn công”.
Nguồn video: YouTube.
Bài báo cũng nhắc Nhật Bản về những gì đã xảy ra trong Thế chiến II. Vào đầu thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản có trong tay một trong những đội tàu sân bay lớn nhất và tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, hạm đội này đã nhanh chóng bị suy tàn trong cuộc chiến. Hiến pháp của Nhật Bản sau chiến tranh đã đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với lực lượng quân đội nước này, chỉ cho phép họ được hành động trong vai trò phòng thủ.
Đằng sau kế hoạch quốc phòng mới
Khi công bố kế hoạch quốc phòng mới ngày 18/12, Nhật Bản nhấn mạnh bản kế hoạch này được thiết kế để củng cố các tuyến phòng thủ theo yêu cầu của bản Hiến pháp Hòa bình.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn mở rộng phi đội F-35 sẽ tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm ảnh hưởng của mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, tăng cường sự kết nối với các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á.
Mỹ, Hàn Quốc và Australia cũng là một phần của chương trình F-35. Các máy bay đi vào hoạt động đều đi kèm bộ phần mềm mà theo lý thuyết cho phép chúng giao tiếp trong thời gian thực chiến.
Ông Wallace cho biết, trong tương lai, sẽ không có gì bất ngờ khi những chiếc F-35 của Mỹ cất cánh từ các tàu của Nhật Bản hoặc ngược lại.
Ngoài ra, việc mua thêm F-35 cũng là động thái của Nhật Bản ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump đã công khai chào bán siêu chiến đấu cơ này đồng thời dành lời ca ngợi cho các nhà lãnh đạo nước ngoài đã quyết định ký hợp đồng mua chúng./.
Nhật Bản sẽ chi mạnh cho khí tài quân sự để đối phó Nga và Trung Quốc