Châu Âu và xu thế tái vũ trang
VOV.VN - Một trong những nguyên nhân được các nhà phân tích châu Âu đưa ra để lý giải cho xu thế này là do lo ngại đe dọa an ninh có thể đến từ Nga.
Bản báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về ngân sách quốc phòng trên thế giới năm 2015 đã khẳng định một xu hướng được nhắc đến nhiều tại châu Âu thời gian qua, đó là châu lục này đang khởi động lại quá trình tái vũ trang.
Binh sỹ NATO trong hoạt động tác chiến. (Ảnh: dawn)
Theo SIPRI, trong năm 2015, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, các nước châu Âu đã chấm dứt tình trạng này và bắt đầu tăng chi phí cho quân sự. Cụ thể, trong năm 2015, ngân sách quốc phòng các nước châu Âu đã tăng 1,7% so với năm 2014.
Một trong những nguyên nhân chính được các nhà phân tích châu Âu đưa ra để lý giải cho việc này là sự e ngại ngày càng lớn của các nước châu Âu thuộc khối NATO trước mối đe dọa an ninh có thể đến từ nước Nga, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Sự lo ngại này thể hiện rõ nhất ở các nước Đông Âu và Baltic và chính các nước này tăng ngân sách quốc phòng mạnh nhất, ví dụ như Ba Lan tăng 22%, Estonia tăng 6%, Latvia tăng 14% hay Litva tăng 33%. Đây là những nước có biên giới giáp với nước Nga và đặc biệt lo ngại về vấn đề an ninh với Nga.
Sự thay đổi rõ nét cũng được thể hiện ở các cường quốc quân sự châu Âu nằm trong NATO như Đức, Pháp hay Anh. Cả 3 nước này đều đặt dấu chấm hết cho tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng suốt 1 thập kỷ qua và bắt đầu đầu tư vào các chương trình dài hạn.
Như tại Pháp, trong ngày 6/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande ra thông báo bổ sung thêm 600 triệu euro cho ngân sách quốc phòng ở mức 32 tỷ euro của nước này trong năm 2017, đồng thời bãi bỏ chương trình cắt giảm 10.000 nhân viên quốc phòng trước kia.
Ngoài mối lo về an ninh chung ở châu Âu trong tình trạng đang căng thẳng với Nga, quyết định trên của chính phủ Pháp còn xuất phát từ mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng với nước này sau 2 vụ khủng bố đẫm máu năm 2015. Ngoài ra, Pháp ngày càng can dự mạnh hơn vào các chiến dịch quân sự ở Syria hay Bắc Phi.
Với những động thái trên, cộng thêm việc Mỹ liên tục điều chuyển binh lính và thiết bị quân sự trở lại châu Âu trong thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định, đây là bước ngoặt đối với châu Âu và có thể một cuộc tái vũ trang trên diện rộng sẽ được khởi động và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang với Nga giống như thời chiến tranh Lạnh.
Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới được xem là đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ khẳng định liệu châu Âu có bị cuốn vào một vòng xoáy vũ trang mới hay không./.