Châu Âu lo ngại các vụ tấn công khủng bố sẽ lại tiếp diễn
VOV.VN - Lời khai của nghi can Reda Kriket vừa bị Pháp bắt giữ khiến châu Âu lo ngại các cuộc tấn công khủng bố sẽ vẫn tiếp diễn.
Các vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp hồi tháng 11/2015 và loạt vụ tấn công tại Brussels, Bỉ hồi tuần trước đã cho thấy, châu Âu đang trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.
Nghi can Reda Kriket. Ảnh AFP
Khả năng tiếp tục xảy ra các vụ tấn công như vậy trên khắp châu Âu càng hiện hữu khi, giới chức Pháp ngày 30/3 cho biết nghi can thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Reda Kriket, 34 tuổi, bị bắt giữ hồi tuần trước đã tích trữ một kho súng và thiết bị chế tạo bom, trong đó có thuốc nổ TATP được dùng trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris và Brussels.
Tên Kriket, 34 tuổi, công dân Pháp, bị bắt giữ chiều 24/3 cùng với một kho vũ khí và thuốc nổ lớn chưa từng thấy - gồm các chất nổ, trong đó có có thuốc nổ TATP, súng trường Kalashnikov, súng máy, súng lục, hàng nghìn viên đạn - cũng như với các hộ chiếu Pháp ăn cắp, điện thoại di động, bình xịt hơi cay và 2 máy tính chứa nội dung hướng dẫn chế thuốc nổ.
Đây được cho là bằng chứng tên này đã lên kế hoạch tiến hành một vụ tấn công trong tương lai gần nhắm vào mục tiêu trên lãnh thổ Pháp. Trưởng công tố viên Paris Francois Molins cho biết, Kriket bị cáo buộc các tội danh bao gồm âm mưu khủng bố, tàng trữ vũ khí và chất nổ, giả mạo giấy tờ và một số tội danh khác.
Các nhà điều tra Pháp đã theo dõi Kriket từ sau vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11/2015. Kriket bị nghi là từng tới Syria hồi cuối năm 2014, đầu năm 2015. Kriket bị tòa án ở Bỉ kết án vắng mặt với 10 năm tù giam hồi tháng 7/2015 về tội tuyển mộ các tay súng cho IS tại Xyri. Hiện giới chức Pháp cũng đang phối hợp với Bỉ điều tra 2 người khác có liên hệ với Kriket.
Theo ông Molins, việc phát hiện kho vũ khí làm gia tăng quan ngại rằng các phần tử khủng bố đang lên kế hoạch thực hiện thêm nhiều vụ tấn công khác ở châu Âu: “Ở giai đoạn điều tra hiện nay, mặc dù không phát hiện ra mục tiêu cụ thể nào. Nhưng việc phát hiện kho vũ khí này đã ngăn chặn được những hành động bạo lực cực đoan mà mạng lưới khủng bố có thể đã lên kế hoạch tiến hành.
Những thứ phát hiện được như vũ khí, chất nổ, điện thoại… có thể đã được sử dụng để phối hợp thực hiện tội phạm. Các cuốn hộ chiếu mà chúng đánh cắp sẽ cho phép chúng giấu diếm thân phận và tự do đi lại khắp nước Pháp cũng như châu Âu”.
Trong khi đó, tại Bỉ, các mối lo ngại đang gia tăng khi các nhà điều tra mới đây phát hiện âm mưu khủng bố nhằm vào Thủ tướng Charles Michel. Theo tờ Spiegel của Đức số ra ngày 30/3, các nhà điều tra đã phát hiện trong ổ cứng máy tính của các đối tượng thực hiện vụ tấn công ở Brussels các kế hoạch và ảnh về những mục tiêu tấn công khủng bố, trong đó mục tiêu tấn công tiếp theo có thể là nhằm vào Thủ tướng Michels.
Lực lượng chức năng đã phát hiện chiếc ổ cứng máy tính bị ném trong một thùng rác ở khu vực gần nơi trú ngụ của các đối tượng khủng bố sau các vụ tấn công đẫm máu ngày 22/3. Theo một phát ngôn viên Chính phủ Bỉ, khu nhà Chính phủ hiện đã được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Sau loạt vụ tấn công tại Brussels hôm 22/3, các chuyên gia an ninh cho rằng, lực lượng an ninh của Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung đã làm việc thiếu hiệu quả.
Đối với Bỉ, điều này một phần là do thiếu nhân sự khi mà cơ quan tình báo nước này chỉ có 700 người so với dân số 11 triệu người, quy mô chỉ bằng một nửa so với các nước châu Âu giàu có khác.Thủ tướng Michels cam kết sẽ đầu tư tài chính và cải cách pháp lý nhằm đẩy mạnh hệ thống an ninh.
Theo Phó giám đốc phụ trách an ninh toàn cầu của tổ chức Những người bạn của châu Âu Pauline Massart, vấn đề không chỉ là tăng ngân sách, mà còn là việc đầu tư vào những lĩnh vực đáng đầu tư.
Theo ông Massart, đầu tư vào lực lượng an ninh là một cách thông minh hơn cả; đồng thời các nước cũng cần phải tăng cường chia sẻ thông tin để có thể học hỏi được những kinh nghiệm và sai lầm của nhau. Một hệ thống an ninh hiệu quả hơn, sẽ hạn chế được tối đa những nguy cơ mà châu Âu phải đối mặt./.