Giải mã bí ẩn sức mạnh của UAV tấn công căn cứ quân sự Nga
VOV.VN - Những chiếc máy bay không người lái được dùng tấn công căn cứ quân sự của Nga tại Syria được trang bị hệ thống tấn công chính xác.
Thiết kế của những chiếc UAV vô cùng hiện đại
Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/1 thông báo, những máy bay không người lái (UAV) do các phần tử khủng bố sử dụng để tấn công hai căn cứ quân sự của Nga tại Syria được thiết kế rất hiện đại, có khả năng tránh được công nghệ gây nhiễu dưới mặt đất. Bên cạnh đó, chúng được trang bị hệ thống tấn công chính xác và có thể đã được sản xuất dưới sự hỗ trợ của nước ngoài.
Loại UAV hiện đại này là thách thức lớn nhất đối với quân đội Nga tại Syria. Ảnh: Dailymail. |
Hãng tin TASS dẫn lời Thiếu tướng Alexander Novikov, Cục trưởng Cục phát triển các phương tiện bay không người lái thuộc Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nga cho biết, loại máy bay không người lái được dùng để tấn công căn cứ của Nga cuối tuần qua hoàn toàn khác biệt so với những loại thô sơ mà phiến quân tại Syria sử dụng.
“Việc sản xuất những loại máy bay kiểu này không thể được thực hiện theo cách tự chế. Quá trình phát triển và sử dụng cần phải có sự tham gia của các chuyên gia được đào tạo đặt biệt ở những quốc gia có khả năng sản xuất và sử dụng các hệ thống không người lái”, ông nói.
Việc lắp ráp và vận hành UAV là một công việc kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải trải qua quá trình đào tạo đặc biệt, có hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau cũng như kinh nghiệm chế tạo chúng”, ông Alexander Novikov cho biết thêm.
Theo nhà quân sự này, UAV cần phải được vận hành bằng một phần mềm đặc biệt. Chúng được cung cấp các thông tin chính xác về mục tiêu cũng như các tham số về độ cao, hướng bay và tốc độ gió. Những thông tin này không thể có được từ các nguồn trên mạng internet và chắc chắn đã được một bên thứ 3 cung cấp.
Nguồn gốc chất nổ của những quả bom được cài đặt trên UAV
Ông Alexander Novikov nhận định, thuốc nổ trong các quả bom được UAV mang theo để tấn công các căn cứ quân sự Hmeymim và Tartus tại Syria không thể được chế tạo trong điều kiện tạm thời. Loại chất nổ này chỉ được sản xuất tại một số nơi, trong đó có Ukraine.
Phân tích ban đầu cho thấy loại thuốc nổ chính được sử dụng trong các quả bom là pentaerythritol tetranitrate (viết tắt là PENT, PENTA hay TEN), có sức công phá mạnh hơn hexogen (viết tắt là RDX). Chất nổ này được sản xuất ở nhiều nước, trong đó có nhà máy hóa chất Shostka của Ukraine. Nó không thể được tạo ra trong các điều kiện tạm thời hoặc chiết xuất từ các loại đạn dược khác.”
Theo ông Alexander Novikov, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tiến hành các thử nghiệm đặc biệt nhằm mục đích tìm ra nguồn gốc của chất nổ. “Những vũ khí mà UAV mang theo cũng rất lợi hại. Chúng là những thiết bị gây nổ nặng khoảng 400gr, được trang bị các loại vòng bi có bán kính sát thương 50m”, ông nhấn mạnh.
Tuyến đường của UAV
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại tỉnh Lattakia và căn cứ hải quân tại cảng Tartus ở Syria ngày 6/1 vừa qua có sự tham gia của 13 máy bay không người lái. Hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 7 chiếc, 6 chiếc còn lại buộc phải hạ cánh theo “yêu cầu” của đơn vị tác chiến điện tử. Tuy nhiên, 3 chiếc phát nổ khi tiếp đất và chỉ có 3 chiếc nguyên vẹn.
Cận cảnh vũ khí sử dụng cho UAV. Ảnh: Dailymail. |
Quân đội Nga đã giải mã tuyến đường đi của các máy bay UAV này và nhận thấy tất cả chúng đều được phóng đi từ một nơi. “Các dữ liệu thu được từ những chiếc UAV Nga cho thấy tuyến đường bay và vị trí thả bom đã được lập trình sẵn. UAV được trang bị một máy quay video và được thiết kế để kiểm soát cũng như điều khiển các cuộc không kích khi cần”, ông Alexander Novikov nhấn mạnh.
Theo quan chức này, trước đây phiến quân tại Syria vẫn chỉ sử dụng UAV chủ yếu cho các mục đích do thám và phần lớn đó là những UAV tự chế, có linh kiện được bày bán tràn lan trên thị trường. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, UAV mới được sử dụng cho các cuộc tấn công.
Nga xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố tại các căn cứ quân sự
Ông Alexander Novikov cho biết, Nga đã tạo ra các hệ thống phòng thủ đa tầng tại các căn cứ quân sự ở Hmeymim and Tartus ở Syria để phát hiện và phá hủy toàn bộ vũ khí của những kẻ khủng bố bằng hỏa lực và các biện pháp tác chiến điện tử.
“Bộ Quốc phòng Nga vẫn liên tục theo dõi quá trình sử dụng các loại vũ khí và phần mềm phụ trợ của các lực lượng khủng bố sử dụng trên lãnh thổ Syria, song song với việc tìm ra các biện pháp đáp trả cần thiết. Những biện pháp này hoàn toàn có thể được dùng để chống lại UAV”.
Nhờ các biện pháp nêu trên mà Nga có thể chặn đứng được cuộc tấn công bằng UAV do khủng bố thực hiện nhằm vào các căn cứ quân sự của nước này tại Syria ngày 6/1 vừa qua.
Cuộc chiến chống khủng bố cần sự hợp tác ở cấp độ quốc tế
Các vụ tập kích bằng UAV hiện đại này là sự thách thức trực diện nhất đối với quân đội Nga kể từ khi họ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 9/2015. Từ phân tích các UAV thu được qua vụ tấn công, Thiếu tướng Alexander Novikov cũng cảnh báo, "Việc sử dụng máy bay không người lái cho các mục đích khủng bố đang là một mối đe dọa thực sự với bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cần phải tìm ra những cách thức nhằm vô hiệu hóa các cuộc tấn công này.”
Ông Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng, đối phó với các cuộc tấn công khủng bố liên quan đến UAV đòi hỏi sự hợp tác trên bình diện quốc tế. “Thực tế cho thấy, các phần tử phiến loạn đã tiếp nhận công nghệ để lắp ráp và lập trình những chiếc máy bay không người lái từ bên ngoài. Điều đó chứng minh mối đe dọa không chỉ hiện hữu tại Syria. Khủng bố có thể sử dụng vũ khí chết người này tại các quốc gia khác và mục tiêu tấn công khi đó cũng không chỉ riêng các cơ sở quân sự ”./.
UAV tấn công căn cứ Nga có nguồn gốc từ đâu?
Chùm ảnh: Muôn màu cuộc sống qua góc nhìn “lạ” từ UAV
Sát thủ UAV MQ-9 Reaper mới của không quân Mỹ săn lùng phiến quân IS